Còn nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển và tăng tốc
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu (ĐB) Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhận định, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng tốc.
Đồng tình với các chỉ tiêu, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo trước Quốc hội, ĐB Ngân nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp như: Tiếp tục tập trung phòng chống dịch bệnh; đầu tư cho y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tiến tới tự chủ vaccine phòng COVID-19… Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công tạo đà phát triển cho giai đoạn tới.
Về việc mở cửa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, việc này cần thực hiện theo nguyên tắc “mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng”, không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ Zero COVID, không cách ly đại trà diện rộng các F1, F2, F3. Vì khi cá nhân là F1 đã âm tính rồi thì không còn F2, F3 nữa.
ĐB Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững. Do vậy, cần đánh giá căn cơ tổng nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước để từ đó đưa ra các gói kích thích kinh tế đủ lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được các mục tiêu.
Cần đánh giá hiệu quả của học tập trực tuyến
Tại phiên họp, nhiều ĐB cũng bày tỏ băn khoăn trước việc học và thi trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đánh giá, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục và bản thân các thầy, cô giáo đã có nhiều cố gắng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy và học trực tuyến giữa muôn vàn khó khăn, qua đó thể hiện sự thích nghi nhanh chóng của ngành Giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ, biến nguy thành cơ, bảo đảm mục tiêu kép.
Tuy nhiên, việc học trực tuyến không thể thay thế được học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu để đảm bảo cung cấp kiến thức, sự an toàn cho người học trong diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
Theo ĐB Hà, bên cạnh những đột phá, việc dạy và học trực tuyến vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập. Trước hết là chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo do rất nhiều yếu tố khách quan như chất lượng của đường truyền không ổn định; một bộ phận thầy, cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài; học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè; trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con, còn giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý.
Cùng đề cập đến việc học trực tuyến, ĐB Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho biết: “Thực tiễn ở địa phương có rất nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn và không có tiền để mua điện thoại thông minh (hơn 3 triệu đồng) hoặc máy tính (khoảng 10 triệu đồng). Đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét bổ sung làm rõ nội dung này trong báo cáo và có những định hướng và giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới”.
ĐB Phước cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua, xác định những vướng mắc, bất cập và có những giải pháp để giải quyết, phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.
ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, cần tìm ra các giải pháp phù hợp hơn đối với công tác giáo dục trong thời điểm hiện nay. Việc dạy học trực tuyến đã được triển khai trên toàn quốc, tuy nhiên vẫn còn một số em học sinh rất khó khăn trong tiếp cận tiểu học việc học trực tuyến do nhiều nguyên nhân khác nhau, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.
Vì vậy, phải có giải pháp, chính sách đảm bảo sự đồng đều việc tiếp cận và đảm bảo chất lượng học tập của học sinh trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa để nâng cao chất lượng bài giảng, phát huy khả năng tự học của học sinh và sinh viên.
Phần mềm theo dõi và điều trị COVID-19 cần tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột”
Về công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19, ĐB Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) và một số ĐB khác đề nghị cần đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm và công tác phòng, chống dịch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả với chiến lược bao phủ vaccine, + 5K, + ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao ý thức của người dân. Trong đó, nhấn mạnh quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để chủ động cung ứng cho người dân trong nước.
Đề cập cụ thể hơn, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, cần chú ý triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ nào chủ trì lĩnh vực vô cùng quan trọng này.
Hội đồng nghiệm thu phần mềm các ứng dụng cũng cần có các chuyên gia kinh nghiệm, tâm huyết của ngành Y tế, Công an, Quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” của những phần mềm mang tiếng là app quốc gia trước đây.
ĐB Hiếu cho rằng, rào cản lớn nhất là cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất các quy định, quy trình chưa tường minh, dẫn đến hiệu quả còn quá kém, khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin. Nên lấy tiêu chí đơn giản và rộng mở để triển khai ứng dụng thông tin. Đơn giản là để bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất. Rộng mở để có thể thích ứng với tích hợp tất cả các phần mềm đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai.
Nhiều bài học kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực, củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng, có 3 bài học qua đợt dịch vừa qua để đảm bảo phát triển an toàn, bền vững hơn.
Thứ nhất, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở còn thiếu và yếu dẫn đến lúng túng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân, ảnh hưởng việc làm, đời sống nhân dân.
Thứ hai, năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ.
Thứ ba, vai trò của cả hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn nhưng cũng cần có sự kết hợp giữa hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.