Không thể điều hành đúng với mớ số liệu sai và ảo!

(PLO) - Tuần qua có câu chuyện làm dư luận chú ý.  Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại phiên họp HĐND TP Hà Nội chiều 05/12, Bí thư quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kế hoạch của UBND TP, Hồ Tây được xác định là điểm đến của Thủ đô và sẽ xã hội hoá, kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch trong những năm tới.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

 Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, sau sự cố liên quan đến việc cá chết ở Hồ Tây, thực hiện chỉ đạo của Bí thư, Ban Cán sự UBND TP Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát lại.

“Tôi cũng trực tiếp kiểm tra lại, từ năm 2011 đến nay quận Tây Hồ đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây có tổng vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng. Trong đó có gói liên quan đến nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ hiện nay các đồng chí chưa làm”, Chủ tịch Chung nói. Tóm lại, theo Chủ tịch Hà Nội, nếu hút 1,2 triệu khối bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170-180 tỷ đồng. 4 năm qua, Ban Quản lý Hồ Tây dùng hết 128 tỷ nhưng chưa thấy một khối bùn ở đâu cả (!).

Tức là tiền đã “tiêu” nhưng “bùn” còn đó.

Tới chiều 6/12, các báo loan tin Bí thư Quận ủy Tây Hồ khẳng định, không có chuyện chi trăm tỷ đồng mà không hút được khối bùn nào ở Hồ Tây. UBND quận Tây Hồ sẽ báo cáo lại với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.

Như vậy là xung quanh chuyện “bùn” thông tin đến với người lãnh đạo rất khác nhau?

Thông tin không đúng sự thật, xa rời thực tế có nhiều nguyên nhân, nhưng điều dễ được tất cả mọi người công nhận đó là: công tác tổng hợp, báo cáo, thống kê của chúng ta đang hết sức “có vấn đề”.

Tình trạng thống kê thiếu chính xác khiến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phải thốt lên: “Chúng tôi không biết tin vào số liệu nào để điều hành kinh tế vĩ mô”.

Theo một Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong nhiều lần làm việc với các tổ chức quốc tế, ông rất băn khoăn khi phải viện dẫn các số liệu, vì sự chênh lệch giữa các nguồn là rất lớn. “Chúng tôi rất muốn ngành thống kê có những số liệu đáng tin cậy để sử dụng trong điều hành”, ông nói. Đại diện ngành Thống kê Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do việc hạn chế chia sẻ, thậm chí “cát cứ” trong các bộ, ngành, địa phương.

Đấy là chưa nói đến thông tin không chính xác do năng lực, cấp dưới gian dối, bịa ra số liệu vì cơ hội, vì thành tích và trong nhiều trường hợp lãnh đạo thích nghe “số liệu đẹp”.

Đã đến lúc phải nâng cao chất lượng, độ tin cậy của chỉ tiêu thống kê, các số liệu báo cáo của các cơ quan tham mưu, giúp việc. Phải coi nó là công việc có tính chất quyết định tới vai trò đối với xã hội và nền kinh tế. Không thể điều hành đúng với mớ số liệu sai và ảo!

Đọc thêm