So với 2022, thiệt hại trong các vụ cháy năm 2023 được đánh giá là “giảm đáng kể”; nhưng theo số liệu (đến hết tháng 9/2023), cả nước vẫn xảy ra gần 1.500 vụ cháy nổ; làm 132 người chết và 115 người bị thương, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Hành lang pháp lý, quy định pháp luật về PCCC đã ngày càng được hoàn thiện; công tác tuyên truyền giáo dục cũng được tăng cường. Ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng đã có Chỉ thị 01/CT-TTg với nhận định “...thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke... một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận”.
Từ đó, Chỉ thị 01/CT-TTg “đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới”, “công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn phải quán triệt quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước”.
Tuy nhiên, một số đối tượng đã không nhận thức thấu đáo những nội dung của Chỉ thị nêu trên, nên mới xảy ra vụ cháy đau lòng, năm 2023 vẫn xảy ra một số vụ cháy nổ lớn, nghiêm trọng. Ví dụ vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong tại số nhà 37, ngõ 29/70, phố Khương Hạ (Hà Nội). Sau vụ cháy này, nhiều vấn đề lớn cấp bách tiếp tục được đặt ra về quản lý xây dựng chung cư mini, cần phải giải quyết. Tại Hội nghị vừa diễn ra sáng qua, dẫn chứng lại vụ cháy nói trên, Thủ tướng chỉ rõ, “đây là hồi chuông cảnh báo và cho thấy tình hình rất khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải có ngay những giải pháp cấp bách, khả thi”.
Đất nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Số lượng nhà và công trình xây dựng phát triển nhanh, đa dạng về quy mô, phong phú về loại hình. Nhu cầu sử dụng năng lượng như xăng dầu, khí đốt, điện, hóa chất cũng tăng mạnh. Đây cũng chính là yếu tố tiềm tàng của cháy, nổ; thách thức lớn của công tác PCCC. Vì vậy, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và DN, không để xảy ra các sự việc đáng tiếc, là nhiệm vụ càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Làm sao để có “tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới”? Nhiều ý kiến cho rằng không chỉ là hoàn thiện quy định pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực PCCC; mà phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác PCCC; nâng cao kỹ năng PCCC cho mọi người dân.