Khu vực tư với cảnh quan và sản phẩm du lịch

Du lịch Đà Nẵng bước vào năm 2010 với nhiều thuận lợi. Nhưng nếu sản phẩm du lịch kém và đơn điệu sẽ khó kéo khách đến lần thứ hai hoặc lưu trú dài ngày. Kinh nghiệm của Thái Lan và nhiều nước cho thấy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển sản phẩm du lịch là hết sức quan trọng.

Du lịch Đà Nẵng bước vào năm 2010 với nhiều thuận lợi. Nhưng nếu sản phẩm du lịch kém và đơn điệu sẽ khó kéo khách đến lần thứ hai hoặc lưu trú dài ngày. Kinh nghiệm của Thái Lan và nhiều nước cho thấy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển sản phẩm du lịch là hết sức quan trọng.

Du lịch Đà Nẵng trước cơ hội lớn

Sau hơn một tuần hoạt động, đường bay trực tiếp Đài Bắc - Đà Nẵng đang thu hút được nhiều sự quan tâm của khách du lịch và thương gia Đài Loan. Nhẩm tính, năm 2010 đường bay này ít nhất sẽ có 100 chuyến bay. Bình quân 200 khách mỗi chuyến, Đà Nẵng sẽ có thêm 20 ngàn khách đến bằng đường hàng không. Dự kiến năm 2010, ngoài các đường bay thẳng đến Đà Nẵng như Silkair, TransAsia, sẽ có nhiều chuyến bay trực tiếp từ các thành phố Niigata, Kansai, Haneda, Wakayama (Nhật Bản) theo dạng thuê chuyến. Đây là một tín hiệu vui đối với việc phát triển du lịch tại Đà Nẵng năm 2010.

Đêm hội pháo hoa sông Hàn. Ảnh: THANH LỘC

Đêm hội pháo hoa sông Hàn. Ảnh: THANH LỘC 

Bên cạnh du lịch đường bộ theo Hành lang kinh tế Đông Tây đang khởi sắc, du lịch đường biển năm 2009 với trên 30 ngàn khách đến Đà Nẵng cũng cho thấy tuyến du lịch này đã phục hồi trở lại sau khi suy giảm bởi các đợt dịch bệnh như Sars, H5N1, H1N1 và khủng hoảng kinh tế. Nguồn tin tổng hợp từ các công ty lữ hành, chỉ riêng quý 1-2010 sẽ có gần 12 ngàn khách đi tàu biển đến Đà Nẵng. Cùng với các hoạt động khác như: Việt Nam là Chủ tịch năm 2010 của ASEAN (có 3 hội nghị đầu tiên tại Đà Nẵng), lễ hội pháo hoa quốc tế nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố và các liên kết khác với Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Festival Huế, Hành trình di sản Quảng Nam, Đại hội Thể dục-thể thao toàn quốc... Những sự kiện trên cho thấy, năm 2010 là năm hết sức thuận lợi cho hoạt động du lịch Đà Nẵng.

Tuy vậy, các chuyến tàu biển chở vài ngàn du khách chỉ đến và đi trong ngày với các tour vừa cũ vừa giản đơn (như thăm các di sản văn hóa Huế, Hội An), tắm biển và ăn hải sản, quanh quẩn những con đường từ Nhà hát Trưng Vương đến chợ Hàn, viếng Bảo tàng Chăm và ngồi xích lô dạo đường Bạch Đằng... Ngành du lịch và những người kinh doanh liên quan sẽ không “rút túi” được bao nhiêu tiền của du khách. Điều đó cho thấy sản phẩm du lịch (trong đó có cảnh quan du lịch) của ta còn rất nghèo và đơn điệu. Cần phải có cách nghĩ mới là nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển sản phẩm du lịch.

Vai trò của khu vực tư

Tôi nghĩ đến những câu chuyện sau đây đang xuất hiện theo xu hướng đó:

1- UBND thành phố Đà Nẵng vừa đồng ý theo đề nghị của Hội đồng các gia tộc Làng Hòa Mỹ (phường Hoa Minh, quận Liên Chiểu) về việc trồng hoa mai trên tuyến đường Nguyễn Huy Tưởng với chiều dài 1.000m thuộc phường Hòa Minh. Theo kế hoạch, thay vì Công ty Cây xanh đảm nhiệm việc trồng cây xanh trên tuyến đường này, thì dân Làng Hòa Mỹ sẽ trồng toàn bộ cây mai theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thời gian triển khai được thực hiện trước Tết Canh Dần 2010 với độ cây thích hợp thì Tết sang năm, con đường dẫn vào đình làng Hòa Mỹ sẽ có một sắc thái mới và hấp dẫn.

Từ cây mai nở hoa vào mùa xuân, ở khu vực Quảng Nam còn có cây mai hạ là cây bản địa, rễ sâu, tán vừa phải, chịu được đất nghèo dinh dưỡng, lại ra hoa vào mùa hè hay cây bằng lăng tím nở hoa từ hè sang thu. Nếu được chọn, nhân giống và trồng riêng cho những con đường như cách trồng mai ở Hòa Mỹ, chắc chắn tạo nên sức hấp dẫn từ những con đường đặc trưng mà du khách bước chân tới. Dọc ven biển từ Sơn Trà đến Điện Ngọc cũng nên chọn trồng thành những rừng dừa sẽ tạo được những “bức tường” chắn gió hữu hiệu, vừa tạo được cảnh thơ mộng cho các bãi biển...

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thực vật và cây xanh đô thị cũng nên nghĩ thêm đến nhiều loại cây bản địa khác để tạo ra bản sắc của mỗi con đường, mỗi địa phương.

2- Sông Hàn, từ lâu đã là nguồn cảm hứng tự nhiên cho cảnh quan, kiến trúc và phát triển du lịch Đà Nẵng. Nay với lễ hội pháo hoa quốc tế, cần có thêm các tour sông nước đi qua những chiếc cầu đẹp, nối với các điểm đến Ngũ Hành Sơn với các lễ hội tâm linh thường xuyên kiểu vịnh Nước Cạn ở Hồng Kông, làng nghề tạc đá, thăm các làng quê Hòa Xuân, Hòa Quý... Tại các phường này, nên dành đất xây dựng các làng trồng hoa, chuyên canh rau, đan lát đồ mỹ nghệ (với hình ảnh những xóm nhà tranh của Đà Nẵng vài thế kỷ trước, có cầu ao, những lũy tre xanh, vườn cau rợp bóng)... để khách đến tham quan, mua đồ lưu niệm như kiểu Trà Quế của Hội An... Chắc chắn các nhà đầu tư các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển sẽ không bỏ qua những cơ hội này nếu họ được tư vấn.

Cũng cần kể thêm, tuyến này có thể kết nối với khu vực Đồi hài cốt phía Sơn Trà và thành Điện Hải để giới thiệu cho được một Đà Nẵng với lịch sử khá đặc biệt của mình trong thế kỷ 19. Các môn thể thao, ẩm thực trên sông nước của Đà Nẵng cũng hết sức đơn giản do chưa phát huy hết các nguồn lực xã hội.

Du khách đến lễ hội pháo hoa quốc tế Sông Hàn, sẽ đi thăm Huế, Hội An. Nếu Đà Nẵng tạo được những sản phẩm độc đáo, sâu lắng về văn hóa - lịch sử chắc chắc sẽ giữ được chân họ lâu hơn.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đọc thêm