Khuất tất vụ đòi nhà thuê tại Tp Hồ Chí Minh

Sau khi tòa án buộc ông Nguyễn Văn Ba ở Gò Vấp, TP HCM trả ngôi nhà mình xây dựng cho người không phải là chủ sở hữu, TANDTC đã rút hồ sơ lên xem xét. Tuy nhiên, thời gian quá lâu mà cơ quan tối cao chưa đưa ra phán quyết khiến người dân chịu khổ, dư luận nghi ngờ.

Sau khi bị TAND TP HCM buộc trả ngôi nhà mình xây dựng cho người không phải là chủ sở hữu, ông Nguyễn Văn Ba ở Gò Vấp, TP HCM đã kháng cáo và TANDTC rút hồ sơ lên xem xét . Tuy nhiên, thời gian quá lâu mà cơ quan tối cao chưa đưa ra phán quyết khiến người dân chịu khổ, dư luận nghi ngờ.

Buộc bị đơn trả nhà

Bản án Dân sự Phúc thẩm 05/2009 ngày 9/1/2009 của Toà Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM buộc gia đình ông Ba trả nhà 322/9 Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp (nhà 322/9) cho bà Nguyễn Thị Thu Thủy. Đây là ngôi nhà gia đình ông Ba xây trên phần nhà đất thuê ở của ông Nghiêm Xuân Việt (luật sư Sài Gòn và là tư sản) từ năm 1964. Khi đó căn nhà thuê có 18m2 và ông Nguyễn Văn Lộc, cha bà Thuỷ là quản gia của ông Việt.

1
Ông Ba ngóng chờ công lý

Bản án nhận định, ông Ba đã ký nhiều hợp đồng thuê nhà với ông Lộc từ trước 1975. Ông Lộc có môn bài cho thuê nhà và biên lai đóng thuế nhà 322/9. Năm 1986 ông Lộc kiện đòi nhà, ông Ba xin lưu cư. Ông Việt có lời khai ngày 5/6/1986 với tư cách nhân chứng “Tôi cho ông Lộc trọn quyền quyết định”. Một số công văn của UBND quận Gò Vấp cũng xác định nhà do ông Lộc xây dựng trên phần đất ông Việt cho ông Lộc từ trước 1975…Vì vậy, buộc ông Ba trả căn nhà rộng 43m2 theo cấu trúc nhà hiện tại cho bà Thuỷ.

Ông Ba đã khiếu nại rằng, trong hồ sơ vụ kiện có nhiều tài liệu do phía bà Thủy cung cấp không chính xác, trong đó có 1 tài liệu rất quan trọng làm căn cứ đòi nhà là “Bản kê khai nhà cửa” được cho là lập năm 1977, lưu trữ tại Trung tâm Tài nguyên Môi trường, ghi tên người khai là ông Ba, có nội dung thừa nhận chủ sở hữu đất là ông Việt và chủ sở hữu nhà là ông Lộc. Tuy vậy, văn bản này không đề ngày, cơ quan giám định cũng khẳng định chữ ký trong văn bản không phải của ông Ba và không phải chữ ký của con gái ông Ba.

Một tài liệu khác là “Hợp đồng cho thuê nhà” ngày 12/3/1990 đề bên thuê nhà là ông Ba nhưng không có chữ ký của ông mà ghi tên Nguyễn Thị Uyên (vợ ông Ba) ở chỗ ký tên... Còn rất nhiều tài liệu được ông Ba cung cấp nhưng Tòa án 2 cấp đã bỏ qua, không làm sáng tỏ…Hơn nữa, ông Ba được chính quyền cho đăng ký nhà đất năm 1999, đóng thuế nhà đất từ trước năm 1993 đến năm 2009 và xây lại nhà mới nên việc trả nhà cho con gái ông Lộc là không có cơ sở.

Nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ

Về phía nguyên đơn, ông Lộc không có giấy tờ trực tiếp chứng minh ông là chủ sở hữu căn nhà. Theo Quyết định 70 ngày 21/2/1997 của UBND Quận Gò Vấp về việc giải quyết khiếu nại của bà Uyên cho thấy ông Việt vẫn là đồng chủ sở hữu căn nhà 322/9 (ông Việt và bà Đặng Mộng Xuân cùng đứng bộ năm 1972 căn nhà này theo Trích sao sổ điền thổ ngày 31/11/2004). Điều này chứng tỏ ông Lộc không thể là chủ sở hữu căn nhà.

q
Căn nhà đang tranh chấp

Ý kiến ủy quyền của ông Việt (5/6/1986) cũng không đủ để kết luận ông Lộc là chủ sở hữu căn nhà. Bởi căn nhà thuộc đồng sở hữu của ông Việt và bà Xuân, việc ủy quyền phải có sự đồng ý của bà Xuân. Nếu bà Xuân chết mà không để lại di chúc phần sở hữu căn nhà này cho ông Việt thì còn thừa kế là các con của ông Việt, bà Xuân. Nếu các con của họ ủy quyền cho ông Việt quyết định thì phải có văn bản. Vậy nhưng, những vấn đề này bản án đã không nhắc đến.

Giả sử việc ông Việt ủy quyền cho “ông Lộc trọn quyền quyết định” là hợp pháp, cũng không có nghĩa quyền sở hữu nhà thuộc về ông Lộc vì đây chỉ là giao dịch dân sự ủy quyền, không phải tặng cho, không phải mua bán hay thừa kế tài sản. Theo khoản 4 Điều 589 Bộ luật Dân sự 2005, việc ủy quyền đương nhiên chấm dứt khi bên ủy quyền chết. Ông Việt đã chết thì ông Lộc không thể là người có quyền quản lý, quyết định đối với căn nhà này. Cũng không thể dựa vào Quyết định 70 của UBND quận Gò Vấp để coi ông Lộc là chủ sở hữu vì văn bản này cho thấy năm 1986 ông Việt vẫn là người chủ sở hữu căn nhà, chỉ ủy quyền cho ông Lộc trọn quyền sử dụng.

Nhiều văn bản cho thấy đến năm 1998, ngôi nhà 322/9 đang tranh chấp, chưa xác định được chủ sở hữu nên không thể thuộc quyền sở hữu của ông Lộc. Hơn nữa, bản án buộc ông Ba trả căn nhà 43 m2 do ông xây dựng cho bà Thuỷ cũng vô căn cứ bởi ông Ba chỉ thuê 18m2 để ở, sau đó do nhà chật nên cơi nới thêm. Nếu có tranh chấp thì chỉ gia đình ông Việt mới có quyền. Tuy nhiên, hiện ông Việt đã chết, việc ủy quyền cho ông Lộc quản lý, cho thuê nhà theo đó cũng chấm dứt.

Chưa hết, bản án số 05/2009 ngày 9/1/2009 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM cũng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không đưa những thừa kế của ông Việt và bà Xuân vào tham gia tố tụng. Dư luận mong rằng bản án này sớm được kháng nghị để bảo đảm công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Việt Phương

Đọc thêm