Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp (DN) lại lâm vào tình trạng nợ nần, hàng sản xuất ra tồn kho với số lượng lớn, khi sản phẩm mang đi bán rẻ nhưng không có người mua…như thời điểm này. Khó khăn dồn dập bủa vây DN, các bộ ngành và chính quyền các địa phương đang khẩn cấp tìm giải pháp để giải cứu DN.
Hàng tồn bán rẻ vẫn không ai mua. |
Nợ chồng nợ
Theo Cục Thuế TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, đã có 8.293 DN trên địa bàn TP.HCM thông báo ngưng hoạt động, giải thể với cơ quan thuế. Ông Nguyễn Trọng Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho biết, nếu tính cả số hộ kinh doanh cá thể thì tổng số DN và cá thể ngừng hoạt động hoặc giải thể vào lúc này tại TP.HCM lên đến 38.284 đơn vị.
Các cơ quan quản lý cũng cho biết, nguyên nhân do sản xuất sút giảm từ việc lãi suất vay ngân hàng quá cao, chi phí sản xuất cao nhưng giá thành phẩm thấp, hàng tồn kho lớn…
Còn theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tính đến tháng 4/2012 đã tăng hơn 32% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và tiêu dùng của xã hội giảm. Các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng gần 102%; chế biến và bảo quản rau quả (95%); phân bón và hợp chất nitơ (63%); xi măng (44%); môtô xe máy (39%); chế biến và bảo quản thuỷ sản, sản phẩm từ thuỷ sản (35%); quần áo mặc thường cho người lớn (37,6%).
Tại TP.HCM, trên đường phố, các cửa hàng tung ra nhiều chiêu khuyến mại lạ lùng, kêu to, đặc biệt hấp dẫn. Những câu khẩu hiệu mời chào khách giăng mắc đầy đường cực sốc như Bán nửa giá vốn, Mua một tặng một, Ở đâu rẻ hơn trả lại tiề
n , Thiên hạ đệ nhất rẻ, mua quần tặng áo khuyến mại nội y, Cứ vào thử đi - hàng dở cho luôn… mà vẫn không bán được hàng.Chị Nguyễn Thị Minh, nhân viên một tiệm bán hàng thời trang nhập khẩu cho biết, tại đường Lê Văn Sỹ giá thuê mặt bằng đắt gấp đôi những cung đường khác, hàng bán ế nợ chồng cao vì vậy nhiều tiệm đã tạm ngưng kinh doanh dể giảm bớt lỗ.
Đại diện TCty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, các Cty con của TCty hiện không có đủ tài sản thế chấp nên khó khăn trong việc vay vốn, ách tắc trong đầu tư và khó khăn này dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn khác. Còn đại diện TCty Nông nghiệp Sài Gòn cho rằng, chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp tăng nhưng giá bán sản phẩm lại giảm, nhiều Cty, cơ sở sản xuất không dám vay do không tìm được “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp.
"Giải cứu DN", cách nào?
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, số DN giải thể, ngưng hoạt động có chiều hướng gia tăng, tập trung vào các nhóm ngành kinh tế thương mại, xây dựng, vận tải, bất động sản, xuất nhập khẩu. Những DN tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể theo bà Hồng chủ yếu là DN vừa và nhỏ, do họ thường đầu tư dàn trải, kinh doanh đa ngành, dẫn đến không kiểm soát được dòng vốn, không định hướng rõ được chiến lược kinh doanh nên dễ gặp rủi ro và khả năng xử lý ứng biến kém khi rủi ro đến.
Ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ mỹ nghệ TP H.CM - cho biết, để tiếp sức cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay như hiện nay là chưa đủ. Chính phủ nên nghiên cứu gói cứu trợ cho từng nhóm ngành hàng cụ thể, đặc biệt nên quan tâm đến các ngành có mức tác động mạnh tới xã hội, tới nền kinh tế của đất nước.
Đặc biệt, tại TP.HCM hiện số nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại đã lên đến con số 36.924 tỷ đồng. Để giải quyết số nợ này, UBND TP. HCM đã có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại. UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp trong năm nay đối với thu nhập của các DN vừa và nhỏ, cho phép các DN có nợ thuế được nộp phân kỳ.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng nói thêm, sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép TP.HCM được thí điểm 3 tháng mới phải kê khai thuế một lần (thay cho một tháng như hiện nay) để giảm bớt thủ tục hành chính và khó khăn cho DN. “ Biện pháp này sẽ giúp DN chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, có thể dùng nguồn tiền đó để đầu tư kinh doanh. Biện pháp này hiệu quả hơn việc Nhà nước hỗ trợ lãi vay từ 1-3 tháng cho DN”- bà Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, để nhanh chóng khắc phục khó khăn, nhiều DN cho rằng cái chính bây giờ là “kích cầu” toàn xã hội, đưa thành vấn đề quốc gia và mang tính cộng đồng. Một DN hoặc một ngành hàng sẽ không thực hiện được nếu Chính phủ và cộng đồng người tiêu dùng đứng ngoài cuộc…
Mị Na