Giá hàng hóa liên tục tăng cao cùng với thông tin về điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu tác động tới sản xuất và đời sống nhân dân. Thêm vào đó, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, giá dầu thô, giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm tăng cao cùng với thiên tai, thời tiết khắc nghiệt… đang đặt nền kinh tế Việt Nam trước những thử thách mới. Trong bối cảnh kinh tế biến động, tập trung kiềm chế lạm phát được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tinh thần đó được Chính phủ triển khai tới tất cả bộ, ngành, địa phương ngay trong sáng 24 - 2, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
|
Sản xuất thép tại Công ty CP thép Cửu Long Ảnh: Duy Thính |
Thắt chặt tín dụng, tài khóa kết hợp với tiết kiệm chi tiêu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mặc dù có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nhưng tình hình giá cả hàng hóa tăng cao đang đe dọa tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô, gây hậu quả nghiêm trọng. Giá cả tháng 1 tăng 1,74%; tháng 2 tăng 2,05%; 2 tháng tăng 3,79% và so với cùng kỳ năm 2010 đã tăng tới 12%. Tình hình này đặt nhiệm vụ cho cả nước là tập trung mọi sức lực, mọi giải pháp, nguồn lực với quyết tâm cao và quyết liệt để kiềm chế lạm phát, duy trì sản xuất, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Biện pháp đầu tiên được Chính phủ đưa ra là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Cụ thể, năm 2011, Chính phủ sẽ điều hành và kiểm soát để tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 20%, thấp hơn năm 2010 tới 11%; tổng phương tiện thanh toán chỉ ở mức 15- 16%, thấp hơn năm 2010 tới 10%; tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong điều kiện lạm phát tăng cao, lãi suất chưa thể giảm ngay nhưng cùng với việc kiềm chế lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải có ngay biện pháp nhằm giảm dần lãi suất một cách hợp lý, coi đây là một công cụ để kiềm chế lạm phát. Hơn bao giờ hết, các ngân hàng phải cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Cùng với đó, phải điều hành tỷ giá ngoại hối một cách linh hoạt, phù hợp với thị trường. Chính phủ sẽ huy động, sử dụng các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỷ giá theo quy định, dứt khoát không thả nổi tỷ giá, không để thị trường chợ đen chi phối. Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam đủ khả năng để kiểm soát tỷ giá và yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải bán ngoại tệ có được cho ngân hàng, đồng thời khi họ có yêu cầu, ngân hàng phải đáp ứng theo mức giá quy định, không găm giữ ngoại tệ, gây khó khăn cho đất nước. Các tỉnh, thành phố, ngành Công an vào cuộc kiểm soát thị trường ngoại hối, ngăn chặn tình trạng đô- la hóa và quản lý các đại lý thu đổi ngoại tệ, xử lý nghiêm nếu có vi phạm…
Cũng hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đưa ra chính sách tài khóa thắt chặt. Theo đó, sẽ tập trung cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Như vậy, ngoài việc tìm mọi biện pháp tăng thu ngân sách 7- 8% so với dự toán năm, các bộ, ngành, địa phương thụ hưởng ngân sách đều phải tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại của năm 2011 và tập trung điều hành để giảm bội chi ngân sách từ mức 5,3% đã được Quốc hội thông qua xuống dưới 5%. Chính phủ không ứng vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 cho các dự án, cũng không cho phép kéo dài các dự án đầu tư từ năm 2011, sẽ thu hồi vốn về Trung ương nếu không kịp giải ngân và vì vậy, các đơn vị, địa phương phải sắp xếp lại kế hoạch đầu tư, dồn vốn lại cho các công trình hoàn thành trong năm 2011. Ngân hàng Phát triển cũng phải cắt giảm 10% tổng dư nợ tín dụng, dành ưu tiên cho công trình hoàn thành trong năm 2011.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm nhập siêu
Đây là biện pháp quan trọng tiếp theo được Chính phủ ưu tiên, tập trung chỉ đạo thực hiện. Mục tiêu cơ bản là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, bảo đảm an ninh lương thực, thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động chống đầu cơ, tăng giá. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phải tìm mọi biện pháp tận dụng cơ hội về giá xuất khẩu của nhiều loại nông sản, hàng hóa. Hiện giá xuất khẩu cao su lên tới 5000 USD/ tấn trong khi có thời điểm chỉ khoảng 1500 USD/ tấn, giá hạt tiêu, hạt điều, gạo, trái cây, thủy sản đều tăng… Do đó, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, cần tìm cách mở rộng phát triển diện tích trồng lúa, tăng vụ. Cùng với nhiều biện pháp khác như hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, hàng tiêu dùng…, cố gắng giảm tỷ lệ nhập siêu xuống dưới 16% so với kim ngạch xuất khẩu, góp phần giảm căng thẳng về tỷ giá ngoại tệ, giảm sức ép cho nền kinh tế… Việc cung ứng điện, cung ứng ngoại tệ cũng như các chính sách cần thiết về thuế, phí, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp… được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Giá điện, xăng dầu buộc phải điều chỉnh
Điện, xăng dầu là 2 mặt hàng quan trọng, là đầu vào cơ bản cho sản xuất và tác động không nhỏ tới đời sống của nhân dân. Cho dù không muốn nhưng tới thời điểm này, Chính phủ cho rằng, không thể không điều chỉnh bởi sự bao cấp bấy lâu đã và đang làm méo mó nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng tính toán, cân nhắc điều chỉnh theo lộ trình, có tính tới sức chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người dân. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, điều chỉnh giá điện, xăng dầu là cần thiết nhưng cố gắng không gây đảo lộn, không gây sốc cho nền kinh tế. Lần điều chỉnh này tuy cao nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, hơn nữa, Nhà nước vẫn phải lùi chi phí khấu hao tới 90%, lùi giá bán than cho điện ( mới chỉ điều chỉnh ở mức 5%) và tạm thời chưa thu một số khoản như chi phí môi trường, tạm khoanh lại số lỗ cũ để xử lý dần và ngành điện vẫn phải chấp nhận chưa có lãi, Nhà nước chấp nhận lỗ một bước nữa…
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, nếu điều chỉnh đủ thì giá xăng dầu phải tăng 34- 40% so với mức giá chung bởi giá xăng ở Việt Nam khi chưa điều chỉnh là 16.400 đồng/ lít trong khi Lào là 24.252 đồng, Cam- pu- chia 23.200 đồng, Trung Quốc 22.500 đồng, Xin- ga- po 30.600 đồng… Sự chênh kệch khá lớn làm tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới trở nên nghiêm trọng. Lần điều chỉnh này cho dù khá cao nhưng Nhà nước cũng tạm thời không thu thuế, kể cả với ma- dút, dầu hỏa; doanh nghiệp tạm thời không tính lãi; số lỗ cũ tạm treo lại, xử lý sau…
Vấn đề đặt ra là giá điện, xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội và vì vậy, Chính phủ quyết định hỗ trợ mỗi hộ nghèo 30.000 đồng/ tháng để trả tiền điện. Nếu hộ nghèo sử dụng điện tiết kiệm dưới 50.000 đồng/ tháng sẽ được sử dụng một phần số tiền hỗ trợ này. Chính phủ giao Bộ Lao động- TB-XH khẩn trương triển khai tới các tỉnh, thành phố để số tiền hỗ trợ hộ nghèo sẽ được cấp phát từ đầu tháng 3, trước khi trả tiền điện.
Hải Phòng tích cực vào cuộc cùng cả nước
Tinh thần chung được Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền khẳng định với Chính phủ và các ngành liên quan trong phiên họp trực tuyến ngày 24- 2 với quyết tâm cao và sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn trong những ngày tới. Bằng sự nỗ lực, cố gắng, cùng với những kinh nghiệm quý báu qua các năm 2008, 2009, Hải Phòng đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm 2011. Các chỉ tiêu kinh tế- xã hội cơ bản hoàn thành, an sinh xã hội bảo đảm. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn và thành phố đã giao cho các ngành, địa phương chủ động cơ cấu lại danh mục đầu tư, tập trung vốn cho các công trình hoàn thành, triệt để tiết kiệm chi tiêu công, dừng mua sắm một số phương tiện, thiết bị mặc dù đã được ký duyệt, dồn sức cùng cả nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…
Hồng Thanh