Kiểm tra việc Vedan khắc phục hậu quả ô nhiễm sông Thị Vải

Ngày 28-1, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường trên sông Thị Vải của Công ty Vedan.

Ngày 28-1, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường trên sông Thị Vải của Công ty Vedan.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên kiểm tra chất lượng xử lý nước thải của Vedan ( Ảnh Chinhphu.vn)

Theo Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan, công ty đã đầu tư các hạng mục công trình để khắc phục ô nhiễm môi trường với chi phí đầu tư khoảng 33,1 triệu USD để lắp mới một hệ thống thiết bị cô đặc dịch thải lên men TVR, đầu tư xây dựng mới 2 hệ thống xử lý nước thải công suất 2500m3/ngày, xây mới một hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt công suất 300m3/ngày; cải thiện khu vực gom chất thải rắn; lắp mới lưu lượng kế để đo lưu lượng dung dịch CMS xuất khẩu, lắp mới lưu lượng kế để đo lưu lượng nước giải nhiệt đảm bảo xử lý dịch thải lên men trước khi hoàn trả nguồn nước.

Từ tháng 9-2008, Vedan đã ngưng 100% hoạt động sản xuất của các nhà máy tinh bột mỳ tươi, nhà máy lysine, nhà máy phát điện… Giảm công suất 40% - 60% đối với các nhà máy còn lại như bột ngọt, tinh bột biến đổi, xút acid, phân bón hữu cơ.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết: “Đến nay, về cơ bản, Vedan đã chấp hành đúng tiến độ việc nộp phạt, khắc phục hậu quả. Người dân sống quanh khu vực nhà máy đã có thể yên tâm về chất lượng nguồn nước”.

Sau hơn 1 năm khắc phục, nước sông Thị Vải đã có nhiều chuyển biến, nồng độ ôxy hòa tan trong nước đảm bảo tiêu chuẩn cho phép. Các thông số lý hóa của nước và trầm tích khác đảm bảo tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt sử dụng cho mục đích bảo vệ thủy sinh, không còn các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng như trước đây.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, những sai phạm gây ô nhiễm môi trường của Vedan sẽ được giải quyết triệt để, không để tình trạng “làm lưng chừng”.

Vedan phải khẩn trương trong việc đền bù thiệt hại cho người dân, những người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất do bị ảnh hưởng về sức khỏe, đời sống.

Về việc đền bù cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất đang hoàn thiện báo cáo thiệt hại, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Ngọc Thới, tỉnh đã tổ chức Ban chỉ đạo để thống kê, đánh giá kết quả thiệt hại do Vedan gây ra cho người dân. Trong thời gian tới tỉnh sẽ có số liệu chính thức gửi lên Bộ và các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Thới cũng cho rằng, người dân đang trông chờ vào việc bồi thường thiệt hại để tiếp tục sản xuất. Vedan cần đưa ra thời gian cụ thể và thực hiện theo hình thức hồ sơ hoàn thiện đến đâu, đền bù đến đó.

Chinhphu.vn

Đọc thêm