Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Kiên Giang chủ trì buổi Lễ.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH Kiên Giang ôn lại truyền thống 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên |
Tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Kiên Giang đã ôn lại truyền thống 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.
Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi cử tri cả nước tham gia bầu cử ĐBQH. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến,... từ 18 tuổi trở lên, đã nô nức tham gia bầu cử.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời. Sau gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn và xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi trong lịch sử đất nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Mai Văn Huỳnh (giữa) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cảm ơn đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 |
Trong điều kiện cùng với nhân dân cả nước thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến, Quốc hội khóa I là một nhiệm kỳ đặc biệt, hoạt động kéo dài gần 15 năm (1946 - 1960). Trong nhiệm kỳ đó, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là bản Hiến pháp “tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam có đủ mọi quyền tự do…”.
Quốc hội các khóa II, III, IV và V (từ năm 1960 đến năm 1975), hoạt động trong thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tuyền tuyến. Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 1959, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, khi non sông đã thu về một mối, ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI đã được tiến hành trên cả nước. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong các giai đoạn cách mạng, kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã tiếp tục ban hành Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và Hiến pháp 2013, Hiến pháp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đánh dấu những mốc phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Suốt 75 năm qua, Quốc hội hoạt động trong những điều kiện, hoàn cảnh từng giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, nhưng luôn khắng định vai trò, vị trí cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và xây dựng đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Mai Văn Huỳnh (thứ 2, từ trái qua) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021. |
Cùng với cả nước, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Kiên Giang đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử. Mỗi khóa Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh nhà đều để lại những dấu ấn riêng của mình và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, theo chiều hướng luôn tự đổi mới và phát triển đi lên, bám sát được yêu cầu và nhiệm vụ mà thực tiễn đất nước đặt ra trong từng giai đoạn. Kế thừa và phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm của các Đoàn ĐBQH các khóa trước theo hướng ngày càng chủ động, sáng tạo, đổi mới, có bước tiến mới quan trọng cả về tổ chức và hoạt động, đóng góp xứng đáng vào thành tựu to lớn của Quốc hội trong công cuộc đổi mới đất nước, xứng đáng với sự tin cậy và lòng mong đợi của nhân dân.
Riêng nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn ĐBQH tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, chất lượng công tác ngày càng được nâng lên. Các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH đã phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trên diễn đàn tại các kỳ họp của Quốc hội, nhất là việc tham gia phát biểu đóng góp nhiều ý kiến thiết thực tại các buổi thảo luận tổ, hội trường được dư luận đông tình, xã hội quan tâm và Quốc hội đánh giá cao.
Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp đã được các ĐBQH chú trọng, lựa chọn được những nội dung thật sự bức xúc của vùng và địa phương. Hoạt động lập pháp có nhiều tiến bộ về số lượng và chất lượng. Hoạt động giám sát được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu các chuyên đề gắn với nội dung kỳ họp, những vấn đề bức xúc của cử tri. Hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng. Công tác tiếp công dân được thực hiện nghiêm túc, làm cho hoạt động của cơ quan dân cử ngày càng đi vào thực chất. Ngoài ra, các đại biểu trong Đoàn tích cực tham gia vận động thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh nhà, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người nghèo trên địa bàn của tỉnh…
Đồng chí Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận sự nỗ lực vì nhân dân của các vị ĐBQH |
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt cử tri tỉnh Kiên Giang, đồng chí Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận sự nỗ lực vì nhân dân của các vị ĐBQH tỉnh nhà. Cùng với cả nước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang qua các khóa luôn thể hiện tốt vai trò đại biểu các tầng lớp nhân dân, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử, đã cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng, góp phần không nhỏ vào những thành tích to lớn của Quốc hội. Trước yêu cầu mới trong hoạt động của Quốc hội, hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang khóa 14 có nhiều đổi mới rõ nét cả tổ chức và hoạt động. Nổi bật nhất là công tác xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, tập hợp được trí tuệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân…Công tác giám sát chuyên đề, khảo sát, chất vấn, công tác tiếp xúc cử tri được quan tâm triển khai có hiệu quả.
Năm 2021, là năm mở đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2026, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cần tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, thực hiện tốt trọng trách của người đại biểu dân cử, người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân luôn là cầu nối giữa nhân dân với Đảng với Nhà nước. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong quá trình chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải đảm bảo dân chủ bình đẳng.