Kiều bào cô đơn bên dòng Tông - Lê - Sáp (phần 4)

Theo thống kê của Tổng hội người Campuchia gốc Việt, tính đến tháng 3-2012, toàn Camphuchia có 6 tỉnh Tây Bắc Campuchia có 3.500 hộ gia đình, với 16.000 người Việt, chiếm 2,2% dân số của Campuchia. Dù cuộc sống còn bề bộn, gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là về kinh tế, nhưng họ vẫn đang bươn chải kiếm sống, đấu tranh chống lại đói nghèo, chống mù chữ,  vươn lên xây dựng cuộc sống...

[links()]Theo thống kê của Tổng hội người Campuchia gốc Việt, tính đến tháng 3-2012, toàn Camphuchia có 6 tỉnh Tây Bắc Campuchia có 3.500 hộ gia đình, với 16.000 người Việt, chiếm 2,2% dân số của Campuchia.

Trong đó, Tỉnh Battambang có 572 hộ gia đình với 2.145 người (Biển Hồ 208 hộ); Siem Reap có 1.200 hộ gia đình với 5.172 người (Biển Hồ 448 hộ); Pursat có 1.215 hộ gia đình với 5.250 người ( Biển Hồ 1.000 hộ); Bantaey Meanchey  có 234 hộ gia đình với 476 người (cửa khẩu Poipet 139 hộ); Oddar Meanchey có 71 hộ gia đình với 152 người (cửa khẩu O’Smach 50 hộ); Pailin  có 28 hộ với 168 người (riêng cửa khẩu Prum có 10 hộ).

Nhà nổi của kiều bào ở Biển Hồ Tonlesap

Khi dòng Mê Kông cạn nguồn thủy sản

Ông Trần Văn Tới - Phó chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt, cho biết: Kiều bào tại Campuchia sống phần lớn các tỉnh Tây Bắc, cuộc sống còn bề bộn, gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là về kinh tế, vẫn đang bươn chải kiếm sống, đấu tranh chống lại đói nghèo, chống mù chữ,  vươn lên xây dựng cuộc sống.

Thống kê sơ bộ cho thấy, gần 90% hộ kiều bào chưa có đủ giấy tờ cả Campuchia và giấy tờ Việt Nam, nhiều người trong tình trạng không quốc tịch; 70% không viết được chữ Việt, chữ Khmer; sống dưới mức nghèo khổ, bằng các nghề đánh bắt thủy sản, buôn bán nhỏ, thợ nề, thợ mộc, bốc vác, thu gom phế liệu; đa số còn ở nhà thuê, nhà tạm, thiếu sơ sở y tế; đặc biệt bà con sống ở khu vực Biển Hồ, thường bị thiếu đói trong mùa cấm đánh bắt thủy sản (từ 1/6-1/10 hàng năm), con em không tiếp tục học lên lớp 5 nếu không có giấy khai sinh…

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Một số nước ở thượng nguồn ngăn đập thủy điện đã tác động bất lợi đến sinh kế, đời sống của hàng triệu dân ở hạ nguồn sông Mekong. Rõ nhất là hàng trăm ngàn người dân đang sống ven lưu vực Tông-Lê-Sáp và vùng Biển Hồ Tông-Lê-Sáp, trong đó có cộng đồng kiều bào xa xứ.

Cụ thể, việc ngăn đập thủy điện làm giảm nguồn nước và phù sa ở hạ nguồn, kéo theo nạn sụp lún, sạt lở bờ sông ngày càng khốc liệt, đáy sông bị tụt xuống cũng khiến các mạch nước ngầm bị đẩy xuống sâu hơn. Nguồn nước cung cấp cho cư dân khi đó sẽ thiếu và đồng ruộng sẽ bạt màu vì thiếu phù sa. Việc ngăn đập còn làm thay đổi dòng chảy trong khi tại biển hồ Tông-Lê-Sáp ở Campuchia, 70% thủy sinh vật thường di cư ngược dòng Mekong lên hướng Lào và ngược lại. Hệ lụy là làm đảo lộn, phá vỡ môi trường sinh thái, sản lượng cá sẽ giảm nhanh, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng,…

Tại ĐBSCL, do là đoạn cuối hạ nguồn nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động ờ phía thượng nguồn. Trước hết là nước, phù sa sẽ giảm, đất ruộng cũng sẽ bị axít hóa nếu thiếu nước rửa phèn. Thứ 2, lượng cá từ thượng nguồn đổ về cũng sẽ ít đi, ảnh hưởng đến bà con sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, buộc họ phải chuyển nghề. Về lâu dài, lượng nước từ thượng nguồn đổ về hạn chế sẽ khiến nước biển từ ngoài sẽ xâm thực sâu vào nội đồng, cộng với việc nước biển dâng cao do tình trạng Trái đất ấm dần lên sẽ làm đất ở ĐBSCL bị ngập mặn, không trồng được lúa.

Muốn ổn định phải hội nhập

Nhà báo Nguyễn Hiệp - Trưởng đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam tại Campuchia, cho rằng: Kiều bào phải xác định rõ, nếu muốn ở lại định cư lâu dài thì trước tiên phải nhanh chóng hội nhập, trước hết là về tiếng nói, chữ viết để trở thành người Campuchia thực thụ. Muốn được vậy bà con phải học song song hai thứ tiếng. Tiếng Việt để không quên nguồn gốc, tiếng Campuhchia để giao tiếp và giao dịch và thực hiện các thủ tục hành chánh pháp lý…

Bà Phan Thanh Thủy - Phó chủ tịch kiểm tổng thư ký Tổng hội người Campuchia gốc Việt tại Campuchia – Trước hết, theo tôi cần quan tâm đầu tư cho giáo dục để giúp con em Kiều bào sống không phụ thuộc vào khai thác. Tương lai có hướng chuyển đổi ngành nghề, thoát nghèo bền vững. Bởi trong năm 2012, toàn Campuchia chỉ có 11 điểm trường Tiểu học, mới đáp ứng được khoảng 4.000 con em kiều bào. Trong khi nhu cầu cần thêm nhiều trường học nữa và phải được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho giáo viết trực tiếp đứng lớp gieo chữ. Cùng với đó, cộng đồng người Việt tại Campuchia rất mong nhận được sự quan tâm của đại sứ quán Việt Nam tại Campuhcia, can thiệp, hỗ trợ về ngoại giao để giải quyết tốt các vấn đề về pháp lý, giấy tờ tùy thân cho kiều bào sở tại.

Đồng tình với quan điểm và đề xuất của bà Thủy, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ cho biết thêm: Cần có chính sách, hỗ trợ đời sống kiều bào tại Campuchia theo hướng ít phụ thuộc hơn vào tài nguyên thiên nhiên. Muốn vậy, theo tôi nên quan tâm hơn về giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm đi kèm với việc thực hiện tốt kế hoạch hóa. Cùng với đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con biết các chính sách về môi trường, tài nguyên thiên nhiên theo hướng quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững. Muốn vậy cần có sự hợp tác giữa các cấp chính quyền, nhà khoa học, cộng đồng xã hội…

Là nhà nghiên cứu khoa học và nhiều lần thực tế tình hình dân sinh tại Campuchia, đặc biệt là đời sống bà con kiều bào khu vực ven dòng Tông-Lê-Sáp và khu vực Biển Hồ Tông-Lê-Sáp, theo tôi để cải thiện và ổn định đời sống kiều bào, chính phủ hai nước nên có những cam kết nhất định để giải quyết tốt vấn đề di dân tự do ngược dòng Mekong. Nếu cần thiết nên vận động bà con về nước, hỗ trợ định canh, định cư, tạo công ăn việc làm.

Bằng ngược lại, cần phải hỗ trợ ngoại giao để Kiều bào được nhập quốc tịch, hưởng những chính sách an sinh xã hội như người Campuchia bản địa. Bởi kiều bào tại Campuhcia được coi như đồng bào dân tộc thiểu số, giống như tại Việt Nam, người Khmer là dân tộc thiểu số, được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ rất nhiều Chính sách an sinh xã hội, như: Cấp đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách về y tế…

Ngay cả chuyện giáo dục, con em Khmer đi học cũng được hỗ trợ tiền, miễn, giảm học phí và ưu tiên nhận vào công tác ở các Ban, ngành địa phương khi ra trường…Ngay cả những vùng có đông đồng bào Khmer, chính phủ Việt Nam cũng ưu tiên hơn trong việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, các thiết chế văn hóa…

Song, do điều kiện đất nước còn khó khăn hơn Việt Nam nên việc hỗ trợ cho Kiều bào của Chính phủ Campuchia đôi lúc còn nhiều hạn chế về tài chính. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ Việt Nam nên có những hỗ trợ cần thiết hơn cho Chính phủ Campuchia để chăm lo tốt hơn cho đời sống kiều bào.

Ghi chép của Ngọc Long

Đọc thêm