"Kiều nữ" đạp xe và tự chèo xuồng quanh thế giới

Sarah Outen là một cô gái người Anh đặc biệt. Kể từ năm ngoái, cô đã bắt đầu một hành trình đi vòng quanh thế giới. Nay Outen đang ở chặng cuối của hành trình, nhưng cũng là chặng đặt ra thách thức lớn nhất: Cô phải một mình chèo thuyền vượt Thái Bình Dương để về đích.

 Sarah Outen là một cô gái người Anh đặc biệt. Kể từ năm ngoái, cô đã bắt đầu một hành trình đi vòng quanh thế giới. Nay Outen đang ở chặng cuối của hành trình, nhưng cũng là chặng đặt ra thách thức lớn nhất: Cô phải một mình chèo thuyền vượt Thái Bình Dương để về đích. 

Outen chụp hình cùng chiếc Gulliver ở Chosi, Nhật Bản, nơi cô đang chuẩn bị cho chuyến đi.

Một năm và 17.700 km

Kể từ khi rời quê nhà vào tháng 4/2011, Sarah Outen đã di chuyển trên một hành trình dày 17.700km, xuyên qua châu Âu, Trung Á, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Trong các hành trình đó, cô luôn dùng sức lực của chính bản thân mình và sử dụng các phương tiện không gắn động cơ như xuồng kayak, xe đạp và một chiếc thuyền dài 6,4 mét tên Gulliver.

Trên blog cá nhân, Outen đã kể lại hành trình của mình như sau: "Pháp là điểm dừng chân đầu tiên của tôi sau London. Tôi đã chèo thuyền dọc theo sông Thames, băng qua eo biển Manche. Tại Calais, tôi đã nhảy lên chiếc xe đạp Hercules của mình và chạy theo hướng Đông theo phía nhằm tới Nga. Chiếc xe đạp đưa tôi ra khỏi khung cảnh châu Âu quen thuộc, từ Đức tới Ukraina và tới tận rìa phía Đông của châu Á.

Tôi đã băng qua các đồng cỏ thảo nguyên rộng lớn ở Kazakhstan, nơi các con đường đầy ổ gà và lạc đà được nuôi nhan nhản như cừu ở quê nhà. Tiếp đó, Trung Quốc níu chân tôi suốt hai tháng trời, trước khi tôi đạp xe vào vùng Viễn Đông của Nga. Chuyến đi đó của tôi đã kết thúc ở đảo chính Honshu của Nhật Bản. Tôi tới đây nhờ việc đạp xe và chèo thuyền kayak qua đảo Sakhalin. Hai người trong đội hỗ trợ  đã bay từ Anh tới Nhật để giúp đỡ tôi. Hoạt động hậu cần rối rắm khiến tôi thấy điên cái đầu.

Sau chặng đầu, tôi nghỉ ngơi trong mùa đông Nhật Bản. Mấy tháng gần đây tôi khá bận rộn, vừa phải phục hồi nhanh sau chặng đầu tiên, vừa phải chuẩn bị cho chặng tiếp theo, lại vừa tới thăm các ngôi trường và làm công việc tình nguyện ở thành phố Ishinomaki bị sóng thần tàn phá".

Cô gái đầu tiên chèo thuyền vượt Đại Tây Dương

"Chặng tiếp theo" mà Outen nói tới là hành trình một mình chèo thuyền vượt Thái Bình Dương tới Canada. Thực tế cô không phải là kẻ tay mơ trong việc lập kỷ lục kiểu này. Ngày 5/8/2009, Sarah Outen đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới một mình chèo thuyền vượt Ấn Độ Dương thành công.

Outen đã từng định chèo thuyền vượt Đại Tây Dương cùng một nhóm người. Song sau khi người cha đột ngột qua đời năm 2006, cô quyết định đi một mình để gây quỹ và muốn dành tặng toàn bộ số tiền quyên góp được cho công trình nghiên cứu căn bệnh viêm khớp đã hành hạ cha đẻ.

Outen vượt biển trên Serendipity, một chiếc thuyền dài 6m được thiết kế để vẫn nổi trên mặt nước sau khi bị lật. Thuyền có thiết bị lọc nước biển, cabin để ngủ và nơi chứa thực phẩm. Outen có hai chiếc camera trên thuyền để ghi lại cuộc hành trình. Cô cũng có các thiết bị truyền thông vệ tinh để thường xuyên cập nhật trang web sarahouten.co.uk trong suốt chuyến đi.

Tháng 4/2009, Outen lên đường. Mỗi ngày cô chèo thuyền 12 giờ. Outen phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong suốt chuyến đi như giông bão, biển động, những con sóng cao, các luồng nước nghịch, ánh nắng mặt trời như thiêu đốt và nguy cơ bị các tàu vận tải lớn va phải. Outen dự định thực hiện hành trình trong 100 ngày, tuy nhiên kết cục là phải hơn 120 ngày, cô mới về đến đích.

Chuyến đi của Outen chỉ thiếu chút nữa là thất bại. Khi còn cách bờ biển Mauritius vài trăm mét, thuyền của cô đã bị những con sóng mạnh đánh lật úp tới 3 lần. "Tôi chỉ nhớ mình đã lộn mấy vòng trong nước biển. Có lúc người tôi bị kéo lê dọc theo dải đá ngầm. Chân tôi bị nhiều mảnh đá nhọn găm vào, còn vết xước thì đầy trên tay và chân” - cô kể và cho biết chỉ nhờ may mắn mà mình đã không trở thành "mồi cho cá".  

Thách thức ngổn ngang

Những trải nghiệm từ chuyến vượt Đại Tây Dương khiến Outen hiểu rõ những gì đang chờ đón mình trong hành trình vượt Thái Bình Dương. “Tôi nghĩ rằng Thái Bình Dương sẽ là phần thách thức nhất trong hành trình trở lại London của tôi. Chuyến đi này sẽ rất thú vị, nhưng cũng khá là khó khăn" - Outen thổ lộ với hãng tin Reuters mới đây khi hoàn tất nốt hoạt động chuẩn bị ở cảng Chosi, cách phía Đông Tokyo 130km - "Nhìn lên bản đồ và thấy rõ hàng ngàn cây số đường biển mà tôi và chiếc thuyền mới Gulliver phải vượt qua, khiến khó khăn càng trở nên rõ ràng. Nhưng tôi cũng rất nóng lòng được trở lại với biển khơi".

Outen đã dự định sẽ khởi hành chuyến đi kéo dài 8.334km của cô vào ngày 20/4 tới đây, khi thời tiết thuận lợi. Đích tới của cô sẽ là Vancouver, Canada. Để hoàn tất hành trình này, cô sẽ có 7 tháng phải ngủ trong một cabin chật chội, ăn đồ khô và uống nước biển đã khử muối. Giống như Serendipity, thuyền Gulliver có hệ thống định vị vệ tinh GPS hoạt động nhờ năng lượng mặt trời, sẽ cung cấp thông tin về phương hướng cho chuyến đi của cô. Ngoài ra thuyền còn có tích hợp một máy nghe nhạc iPod để cô đỡ cảm thấy cô đơn.

 Những sự động viên khác sẽ tới từ blog cá nhân, nơi Outen đã liên tục tải lên những bức hình, đoạn video và nhận xét riêng trong hành trình. Hàng trăm người khác nhau trên thế giới đã chia sẻ với cô những ý nghĩ của họ về hành trình và gửi tới rất nhiều thông điệp khích lệ.  Đó là lý do vì sao tôi muốn thực hiện chuyến đi này. Tôi muốn học hỏi về thế giới qua cách tiếp cận này" - Outen thổ lộ - "Tôi biết khi ra biển có lúc tôi sẽ rất sợ hãi, hoặc rất mệt mỏi. Tôi cũng biết mình sẽ bị thách thức ghê gớm về thể xác và tinh thần. Nhưng tôi đã sẵn sàng cho hành trình".

Tường Linh

Đọc thêm