Kinh doanh thực phẩm sắp… dễ thở?

(PLO) - Tin từ đại diện Bộ Công Thương, cuối tuần qua, Tổ công tác về cải cách hành chính đã báo cáo Bộ trưởng 2 phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện hiện hành. Theo đó, có thể sẽ có đến 50% điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm. 
Kinh doanh thực phẩm là lĩnh vực được đề xuất, cắt giảm nhiều điều kiện nhất
Kinh doanh thực phẩm là lĩnh vực được đề xuất, cắt giảm nhiều điều kiện nhất

Đề xuất cắt giảm mạnh trong lĩnh vực thực phẩm

Báo cáo cho thấy, ở phương án 1 Tổ công tác đề xuất cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện. Với phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương khoảng 50,3% tổng số điều kiện kinh doanh ở 17 ngành nghề (trong số 27 ngành nghề thuộc diện rà soát); riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, số điều kiện đề xuất cắt giảm lên đến 331/350 điều kiện kinh doanh

17 ngành, nghề kinh doanh còn lại được đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy. Theo tính toán của Tổ công tác, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại là 752 (nếu áp dụng theo phương án 1) hoặc 604 điều kiện (nếu áp dụng phương án 2). 

Vụ Pháp chế nhận định, ở lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nếu thực hiện theo phương án 1 thì chỉ cần căn cứ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm mà Chính phủ phân công 03 Bộ quy định chi tiết các điều kiện chung đang được quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 là đủ. 

Nói về phương án 2, đại diện Vụ Pháp chế khẳng định, nếu Bộ thực hiện theo phương án này, tức là sẽ có sự thay đổi lớn về tư duy quản lý theo hướng chuyển từ tiền kiểm (quy định điều kiện - kiểm tra đáp ứng đủ điều kiện - chứng nhận đủ điều kiện) sang hậu kiểm (quy định tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn - kiểm tra việc thực hiện trong quá trình kinh doanh). Phương án này sẽ tốn nhiều thời gian, không kịp thời do việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phải thực hiện theo quy trình của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ngoài ra, không thể xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về an toàn thực phẩm cho các ngành sản xuất các thực phẩm khác nhau. 

Từ những phân tích và đánh giá tính khả thi cũng như điều kiện thực tế tại Việt Nam, các đơn vị của Bộ Công Thương thống nhất song song thực hiện cả hai phương án, trên cơ sở điều kiện nào có thể cắt giảm ngay, điều kiện nào không còn phù hợp và bị coi là rào cản thì cần cắt bỏ ngay. Điều kiện nào đã là quy chuẩn và theo thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế thì cần tiếp tục nghiên cứu rà soát để đề ra lộ trình cắt giảm cụ thể, đồng thời cần ban hành kế hoạch hành động và giám sát cụ thể đối với quá trình thực hiện

Rà soát thêm 100 điều kiện kinh doanh khác trong 1 tuần

Cũng theo báo cáo của Tổ công tác, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có những ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm, bao gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng.

Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh trong hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài; xuất khẩu gạo (lĩnh vực này đã được đề xuất đơn giản hóa theo hướng bỏ yêu cầu về quy mô trong từng điều kiện và thay vào đó áp dụng quy chuẩn) cũng không có trong đề xuất cắt giảm. 

Sau khi xem xét các báo cáo và đánh giá, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, công cuộc cải cách hành chính ở Bộ không chỉ dừng ở việc đề ra được danh mục cắt giảm, mà còn phải chuẩn bị được nguồn lực và cả nguồn ngân sách để đảm bảo việc giám sát, thực hiện có hiệu quả. Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần bắt tay vào đánh giá kết quả cũng như tác động của đợt đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Quyết định số 4846 (ban hành tháng 10/ 2016) đến đời sống doanh nghiệp cũng như người dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thống nhất với ý kiến của Tổ công tác, rằng, vẫn còn khoảng 100 điều kiện khác cần tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để cắt giảm bổ sung; đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị. Và gia hạn, đến ngày 21/9 tới, các đơn vị sẽ có báo cáo kết quả cụ thể trình Bộ trưởng xem xét quyết định. 

Liên quan đến công tác cải cách hành chính, sáng 18/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương quản lý. 

Đọc thêm