Kinh doanh trong làn sóng dịch COVID-19: Doanh nghiệp cần chủ động, giảm thiểu tối đa thiệt hại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là khuyến nghị của bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) trong cuộc chuyện trò với Báo PLVN. 
Bà Phạm Ngọc Thủy.
Bà Phạm Ngọc Thủy.

Trong 2 năm, Việt Nam 4 lần bị COVID-19 tấn công trong cộng đồng. Theo bà, việc này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp (DN)? Những khó khăn này khác gì so với các đợt dịch trước đây?

- Kết quả khảo sát của Ban IV khi dịch bùng phát lần 3 đã chỉ ra một số khó khăn lớn mà DN phải đối mặt như: Chuỗi cung ứng, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong nước bị gián đoạn tạm thời, áp lực đảm bảo dòng tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, áp lực trả tiền vay ngân hàng, rồi các khoản tiền phải trả cho nhiều hạng mục khác như nhiên liệu đầu vào, thuê kho bãi, nhà xưởng, chi phí văn phòng…

Bài toán đảm bảo đủ lao động cho sản xuất cũng là thách thức với các DN khi lệnh phong tỏa, giãn cách liên tục được ban hành ở nhiều tỉnh khi dịch lan rộng. Thêm vào đó, sự trái ngược trong mệnh lệnh chống dịch ở các địa phương khác nhau cũng gây rất nhiều khó khăn cho DN.

Hầu hết vấn đề nêu trên vẫn tiếp tục là thách thức của DN trong đợt bùng phát dịch lần 4 này. Tuy nhiên, cũng có 1 điểm khác biệt đó là nhờ sự chỉ đạo mạnh, quyết liệt và đồng bộ từ phía Chính phủ về các biện pháp đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa duy trì, phát triển kinh tế” nên nhiều hoạt động “ngăn sông, cấm chợ”, các mệnh lệnh trái ngược giữa các địa phương như biểu hiện đợt dịch lần 3 chưa thấy DN phản ánh ở lần dịch này.

Theo bà, DN Việt Nam đã có những nỗ lực như thế nào trong các đợt COVID-19 trước?

- Đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 này, nhận thức của DN Việt Nam đã khác. Họ kiên cường hơn và đã có những phương án để đối phó với tình hình dịch bệnh. Nếu như tại thời điểm đại dịch mới xuất hiện tại Việt Nam hồi tháng 01/2020, các DN hoang mang trước những rủi ro chưa từng xảy ra, không xoay xở kịp trước sự thay đổi đột ngột, dẫn đến con số kỷ lục hơn 100.000 DN rút khỏi thị trường trong năm 2020 thì sau này, với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự tương hỗ trong cộng đồng DN, sự tư vấn của giới chuyên gia, đặc biệt là sự năng động của chính DN, nhiều DN đã chuyển biến trong nhận thức, tự tìm cho mình phương án phù hợp để duy trì và tồn tại được trong bối cảnh dịch.

Một số ngành xuất khẩu vẫn giữ được tốc độ tốt so với các nước “đối thủ” trên thế giới bởi DN đã tìm cách chủ động hơn với nguồn cung nguyên liệu, tìm kiếm các sản phẩm thay thế, mở rộng thị phần... Ở nhiều mảng, nhất là ngành sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhiều DN thấy được “trong nguy có cơ”, mạnh dạn tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa... Chúng ta phải ghi nhận đó là sự nhạy bén, kiên cường tự thân của cộng đồng DN Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bà có lời khuyên gì với cộng đồng DN trong đợt dịch được dự đoán là sẽ khá nghiêm trọng lần này?

- Như tôi đã nói ở trên, bản thân DN luôn có sự chủ động để thích ứng, tồn tại. Tuy nhiên, với việc đại dịch bùng phát theo từng đợt ngắt quãng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tất nhiên không thể bình thường được. Tương lai cũng còn nhiều yếu tố bất ổn và bất định bởi đại dịch vẫn chưa có khả năng khống chế dù các nước hiện rất nỗ lực để phát triển vắc xin và các biện pháp chống dịch đi kèm. Vì thế DN cũng không thể kiểm soát hay can thiệp vào tương lai nói trên mà chỉ có thể làm chủ được các hành động của chính DN để giảm thiểu tối đa các thiệt hại.

Trong bối cảnh như vậy, cá nhân tôi muốn khuyến nghị một số nguyên tắc cơ bản mà mọi DN nên làm. Thứ nhất, cần ưu tiên cao các hành động tối ưu hóa hoạt động DN, mang lại hiệu quả tức thì. Điều này nằm hoàn toàn trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi DN như: Rà soát để tối ưu hóa dòng tiền chi ra, cắt giảm các dòng chi chưa/không cần thiết; đối chiếu công nợ để tối ưu hóa chuỗi cung tài chính, giãn nợ hiệu quả hơn; tối ưu hóa hoạt động, tập trung vào duy trì hoạt động thiết yếu và liên quan trực tiếp chuỗi cung ứng của DN.

Thứ hai, các hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và DN cũng hoàn toàn chủ động được trong khâu thực thi. Đó là nhận diện lại khách hàng và thị trường bởi các chủ thể/yếu tố này cũng có nhiều biến đổi về nhu cầu, hành vi trong bối cảnh đại dịch (ví dụ hành vi mua hàng trên online nở rộ trong suốt thời gian dịch vừa qua); xây dựng, làm mới các chương trình tập trung vào chiến lược “giữ chân khách hàng” dựa trên phân tích nhu cầu, hành vi trước đó; xây dựng các chính sách để gắn kết, ràng buộc chặt chẽ (về lợi ích) với các nhà mua/nhà cung ứng trong cùng chuỗi.

Cuối cùng là các hành động mang tính chiến lược, dài hạn, là sự lựa chọn khôn ngoan của DN để phục hồi kiên cường, bền vững gồm: Điều chỉnh các sản phẩm/dịch vụ của DN ngày một hiệu quả hơn; điều chỉnh giá của sản phẩm và tái thiết các nhóm sản phẩm trọng tâm; tạo kênh tiếp cận dễ dàng hơn cho khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của DN (ví dụ sử dụng nhiều hơn các nền tảng online).

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm