Lớp học “đặc biệt” bên dòng sông La

Lớp học hoàn toàn miễn phí dành cho trẻ em nghèo và cho bất cứ ai có tinh thần học hỏi, cầu tiến.

Lớp học hoàn toàn miễn phí dành cho trẻ em nghèo và cho bất cứ ai có tinh thần học hỏi, cầu tiến. Lớp học do một phụ nữ nông dân mở và do một cựu chiến binh đứng lớp với mong muốn mọi trẻ em đều phải được học hành..

Đó là lớp học của chị Phan Thị Tuyết Thơ, ở khối 7, thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Lớp học bắt đầu được mở cửa vào năm 2005. Lớp chỉ có 6 bộ bàn ghế, khiêm tốn nép mình trong căn nhà nho nhỏ bên dòng sông La.

Từ giấc mơ cái chữ cho trẻ em nghèo…

Chị Phan Thị Tuyết Thơ sinh ra trong một gia đình giáo dân nghèo lại đông anh em. Dù rất ham học nhưng hết lớp 9, chị phải ở nhà đỡ đần bố mẹ lo cho các em. Hơn ai hết chị hiểu nỗi khổ của những học sinh nghèo ham học. Nơi chị ở là xóm công giáo toàn tòng, nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến chuyện học hành của con cái, số trẻ em học lực yếu, bỏ học rất nhiều.

Một lớp học miễn phí được chị thai nghén từ rất lâu nhưng mãi vẫn chưa có điều kiện để thực hiện. Muốn mở lớp thì phải có tiền. Nhưng tiền lấy đâu ra? Đồng lương ít ỏi của chồng chị là anh Nguyễn Đình Hải (cán bộ UBND thị trấn Đức Thọ) chưa đủ để lo cho gia đình, chưa nói đến giúp chị thực hiện ước mơ.

Rồi chị quyết tâm lập chuồng trại nuôi lợn. Trời thương cho chị những lứa lợn thắng lớn. Năm 2005, kinh tế đã bắt đầu ổn, chị bàn với chồng mở lớp học tình thương giúp các em học sinh nghèo. Ý kiến của chị được anh nhiệt tình ủng hộ.

Chị Thơ lau bàn ghế sạch sẽ để các em đến học
Chị Thơ lau bàn ghế sạch sẽ để các em đến học

Chị vận động bà con trong xóm góp tiền mua được 6 bộ bàn ghế trang bị cho lớp học. Hàng xóm tốt bụng lại cho chị mượn một tấm gỗ làm bảng.

Có tiền để mở lớp rồi nhưng ai là người đứng lớp dạy cho các em? Suy đi tính lại chị thấy chỉ có bác Nguyễn Hữu Khi cùng xóm. Đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bác vẫn minh mẫn lắm. Nghe chị Thơ trình bày, thấy đây là việc làm có ý nghĩa, bác Khi đồng ý làm thầy giáo dạy miễn phí cho lớp. Lớp học của chị ra đời, học sinh đến học rất đông.

Nhà bác Khi cũng nghèo xơ nghèo xác nên ông phải bỏ học từ lớp 5. Nhưng “không được đi học không có nghĩa là mình phải chịu thất học, không học thì dần dần mình sẽ dốt nát, chẳng làm được gì cho đời. Phải học!”, bác Khi chia sẻ. Bác cho biết những kiến thức mình truyền cho đám trẻ bây giờ đều do bác tự học, tự thâu nạp. Bất cứ lúc nào, ở đâu có điều kiện là bác học.

Tinh thần ham học giúp bác có được tấm bằng tốt nghiệp bổ túc văn hoá do Bộ GD- ĐT cấp, khi bác đã 41 tuổi.

Những kiến thức ấy nay bác truyền lại cho đám trẻ nghèo, say mê, nhiệt huyết và miễn phí.

Thầy giáo già nhiệt huyết.
Thầy giáo già nhiệt huyết.

… đến lớp học của tình thương và trách nhiệm

Có thầy rồi thì việc tìm một địa điểm thuận lợi cho việc dạy và học cũng là một vấn đề. Vợ chồng chị Thơ tìm một căn nhà yên tĩnh trong xóm, thuê lại làm lớp học. Mới học được một thời gian ngắn đã thấy phát sinh vấn đề. “Các cháu đang tuổi ăn tuổi chơi. Chỉ một mình thầy thì không thể quản lý được. Mà các cháu ồn ào còn ảnh hưởng đến những cháu khác nữa”. Chị Thơ cho biết. Vậy là vợ chồng chị quyết định đưa lớp học về nhà mình. Cái sân nhỏ trước nhà được lợp mái tôn, bắt thêm mấy bóng điện, lắp thêm cái quạt để thành lớp học. Còn vợ chồng chi trở thành “bảo vệ” của lớp.

Lớp học mở tại nhà, vợ chồng chị Thơ - anh Hải càng thấy trách nhiệm của mình lớn hơn. Không chỉ tạo mọi điều kiện vật chất cho các cháu học, anh chị còn tự mình liên lạc với các phụ huynh để kết hợp giáo dục, quản lý các cháu.

Đến giờ học, anh chị “quán triệt” các con không được mở tivi, gây ồn ào ảnh hưởng đến lớp. Tất cả các sinh hoạt gia đình đều được thực hiện sớm hoặc dời lại sau khi lớp học kết thúc. Vì vậy, chuyện ăn cơm tối lúc gần 10 giờ đêm chẳng có gì lạ ở gia đình chị.

Những lúc rảnh rỗi, chị lại bê ghế ra sân, vừa giám sát, không để cho các em ồn ào, gây mất trật tự, vừa “học lỏm”, bổ sung những kiến thức thiếu hụt. Chị cũng trích một khoản chi tiêu trong gia đình để làm phần thưởng cho các em học sinh có nhiều tiến bộ trong học tập để động viên các em. Từ lớp học này, từ những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của thầy Khi, của chị Thơ và gia đình, các em học sinh đã có những tiến bộ vượt bậc. Từ những học sinh học lực trung bình, thậm chí có em học lực yếu sau thời gian theo học ở lớp này đã đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Thầy Khi đang hướng dẫ các em học bài.
Thầy Khi đang hướng dẫ các em học bài.

Thầy Khi cần mẫn mỗi tuần 7 buổi lên lớp. Cứ đúng 18h45 là thầy ra khỏi nhà, đến lớp dạy học. Có hôm chưa kịp ăn cũng đi. “Các cháu đã có lòng đến với lớp học. Không thể để chúng phải chờ lâu được”, thầy bảo.

Để theo kịp, bắt nhịp với lực học cũng như chương trình các em ở trường, thầy Khi lại tìm thêm sách giáo khoa, sách tham khảo… Những chương trình giáo dục trên kênh VTV2, bác không bỏ sót buổi nào. Sau những buổi lên lớp, về đến nhà cũng đã hơn 9 giờ tối, bác lại ngồi nghiên cứu bài giảng hôm sau, soạn giáo án.

Năm học 2008 - 2009, tại lớp học của chị Thơ, thầy Khi đã có 6 em đạt học sinh giỏi huyện, 2 em đạt học sinh giỏi tỉnh. Đó là món quà lớn nhất mà chị Thơ và bác Khi luôn mong muốn được nhận.

5 năm trôi qua, 6 bộ bàn ghế trong lớp cũng đã đến thời kỳ cần phải thay mới. Tháng 5 vừa rồi, cả chị và bác Khi đều được ra Thủ đô báo công với Bác. Với tinh thần “kính Chúa yêu nước”, sống tốt đời đẹp đạo như lời Bác Hồ căn dặn, trước anh linh của Người, bác và chị thầm hứa sẽ cố gắng để ngày càng nhiều các cháu nghèo có điều kiện học hành tốt hơn nữa.

Theo Dân trí

Đọc thêm