Kinh nghiệm vàng trong vụ kiện tôm

Việt Nam đã gửi  một thông điệp ra thế giới, rằng sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá tại bất kỳ nước nào…

Trước nguy cơ Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục rà soát hành chính lần thứ 4 (POR4) đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, ngày 01/02/2010, Chính phủ Việt Nam gửi yêu cầu tham vấn tới Chính phủ Hoa Kỳ. Vừa qua, Ban Hội thẩm (WTO) đã ban hành và gửi Báo cáo giải quyết tranh chấp tới các bên liên quan. Việt Nam đã thắng kiện, thu nhận những kinh nghiệm vàng …

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tóm tắt vụ việc

Vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng tháng 1/2004. Việc điều tra được tiến hành đối với 3 DN bị đơn có lượng xuất khẩu lớn nhất là Minh Phú, Minh Hải và Camimex – gọi là bị đơn bắt buộc. Tính tới thởi điểm tháng 2/2010 (thời điểm Việt Nam đệ đơn yêu cầu tham vấn CP Hoa Kỳ), DOC đã tiến hành 3 cuộc rà soát hành chính (POR).

Trước nguy cơ có thể  phải chịu kết quả rất bất lợi, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ động đưa ra phân tích và kiến nghị đề xuất với Chính phủ về việc kiện Hoa Kỳ ra WTO.

Ngày 1/2/2010, Chính phủ Việt Nam gửi yêu cầu tham vấn tới Chính phủ Hoa Kỳ liên quan tới các biện pháp chống bán phá giá (CBPG) mà Hoa Kỳ đã áp dụng đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Tham vấn giữa hai bên nhằm giải quyết ổn thỏa, nhanh chóng vụ việc đã không thành công. Ngày 7/4/2010, Việt Nam chính thức đề nghị WTO thành lập Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp này theo Cơ chế giải quyết trong khuôn khổ WTO (DSU).

“Phân xử” của Ban Hội thẩm

Ngày 11/07/2011, Ban Hội thẩm đã có Báo cáo, ủng hộ lập luận của Việt Nam rằng việc sử dụng phương pháp “Quy về 0” của DOC trong xác định biện độ phá giá đối với các bị đơn bắt buộc trong rà soát hành chính lần 2 và lần 3 là trái với Điều 2.4 trong Hiệp định về Chống bán phá giá. Việc sử dụng phương pháp “Quy về 0” trong bất kỳ rà soát hành chính nào của Hoa Kỳ là vi phạm Điều 9.3 của Hiệp định về Chống bán phá giá và Điều VI:2 GATT 1994.

Thứ hai, ngoài 2 loại thuế suất là “thuế suất riêng cho bị đơn bắt buộc”, “thuế suất cho các bị đơn còn lại”, DOC còn áp dụng thêm loại “thuế suất toàn quốc” cho các trường hợp bị đơn không được lựa chọn điều tra và không thỏa mãn điều kiện “hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm soát của Nhà nước” để được hưởng mức “thuế suất cho các bị đơn còn lại”. Ban Hội thẩm ủng hộ lập luận của Việt Nam rằng quy định này của Hoa Kỳ là vi phạm WTO. Đây có thể xem là thắng lợi rất đáng kể của Việt Nam trong vụ việc này.

Kinh nghiệm vàng

Đây là vụ kiện đầu tiên mà Việt Nam khởi xướng với tư cách người đi kiện – nguyên đơn - trong khuôn khổ WTO. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vụ kiện được xem là thành công lớn ở cả hai phương diện: lựa chọn trúng và đúng vấn đề - những vấn đề có khả năng thắng cao; đồng thời là những biện pháp, phương pháp, thông lệ mà Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả các cuộc điều tra đã hoặc sẽ xảy ra trong tương lai - và chuẩn bị các lập luận xác đáng, thuyết phục để đạt được kết quả tốt nhất.

Với thành công này, vụ việc có ý nghĩa đảm bảo rằng Mỹ sẽ không áp dụng các biện pháp bất lợi liên quan  đối với hàng hóa Việt Nam. Vấn đề kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam có thể sẽ bớt khắc nghiệt hơn; mức độ thiệt hại từ các vụ kiện được hy vọng sẽ giảm đáng kể. Đây là một kinh nghiệm thực tế quý báu, khích lệ Việt Nam tự tin, chủ động sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong thương mại quốc tế mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Cũng thông qua vụ việc, Việt Nam gửi  một thông điệp ra thế giới, rằng sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá tại bất kỳ nước nào…

Đã có tới 7 nước đăng ký tham gia với tư cách bên thứ ba vào vụ kiện này (bao gồm: Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ). Đa số các nước này trong quá trình xem xét của Ban Hội thẩm đều có ý kiến ủng hộ quan điểm của Việt Nam.

Mai Hoa  

Đọc thêm