Kinh tế tháng 7: Duy trì xu thế tích cực

Tiếp tục phát huy mức tăng trưởng khả quan 6,16% nửa đầu năm, tuy gặp một số khó khăn nhưng kinh tế nước ta trong tháng 7 và tính chung 7 tháng qua tiếp tục xu thế phát triển tích cực- ông Đỗ Thức, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét.

Tiếp tục phát huy mức tăng trưởng khả quan 6,16% nửa đầu năm, tuy gặp một số khó khăn nhưng kinh tế nước ta trong tháng 7 và tính chung 7 tháng qua tiếp tục xu thế phát triển tích cực- ông Đỗ Thức, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét.

Kết quả khả quan
Sản xuất nông nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung vào gieo cấy lúa mùa, lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm. Tình hình nắng nóng kéo dài ở các tỉnh phía Bắc vào thời điểm đầu vụ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất nông nghiệp của một số địa phương như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Kạn. Khô hạn gay gắt khiến trên 32 nghìn ha lúa và hơn 10 nghìn ha hoa màu bị thiếu nước. Nghệ An có tới 18,3 nghìn ha lúa bị thiếu nước nặng; Hà Tĩnh 10 nghìn ha; Quảng Bình 3 nghìn ha; Quảng Trị 2,4 nghìn ha.
Nuôi trồng thủy sản trong tháng có nhiều thuận lợi do giá thu mua tôm sú nguyên liệu đang ở mức cao. Bên cạnh đó, một số loại thủy sản khác được nuôi kết hợp nhiều hình thức tiếp tục phát triển tại nhiều địa phương nên sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng  có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 1994, tháng 7-2010 ước tính tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 1994, ước tính đạt 434,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế phục hồi, tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng có sự cải thiện rõ nét. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2010 ước tính đạt 877,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2009, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 16,3%.

Thực hiện thanh tra, kiểm soát chi phí đầu vào đối với sản phẩm hàng hóa như sữa, sắt, thép nhằm hạn chế tăng giá bất hợp lý trong những tháng tiếp theo. Trong ảnh: Khách lựa chọn mua sản phẩm sữa nhập ngoại tại siêu thị. Ảnh: Phương Duy

Thực hiện thanh tra, kiểm soát chi phí đầu vào đối với sản phẩm hàng hóa như sữa, sắt, thép nhằm hạn chế tăng giá bất hợp lý trong những tháng tiếp theo.
Trong ảnh: Khách lựa chọn mua sản phẩm sữa nhập ngoại tại siêu thị.
                                                                                                   Ảnh: Phương Duy

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7-2010 ước tính đạt 5,8 tỷ USD, tuy giảm 8,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 38,3 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2009. Trong 7 tháng năm 2010, nhiều mặt hàng chủ yếu vẫn duy trì được mức kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử máy tính, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, hạt điều... Tuy nhiên, cần lưu ý một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gạo, cao su, cà phê, sắn và sản phẩm của sắn có kim ngạch tăng nhưng lượng giảm hoặc ngược lại.

Kim ngạch nhập khẩu của hầu hết mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 45,7 tỷ USD, tăng 25,5%, đưa con số nhập siêu trong thời gian này lên 7,4 tỷ USD, bằng 19,4% kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2010 thể hiện xu thế ổn định, tăng nhẹ ở mức 0,06% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4-2009.

Thúc đẩy sản xuất, kiềm chế nhập siêu
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đỗ Thức cho rằng, kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với một số khó khăn. Kinh tế thế giới mặc dù đang hồi phục nhưng chưa ổn định với nhiều yếu tố bất thường, ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và giá cả trong nước. Thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là thời tiết đang vào mùa mưa bão. Do đó, thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho rằng, tiến độ xây dựng các công trình nguồn và lưới điện cần được đẩy nhanh, khẩn trương đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất và cung ứng điện cần tích cực phối hợp chặt chẽ nhằm huy động tối đa công suất các nhà máy điện để bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục và chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Giá cả tháng 7 thể hiện xu thế ổn định, tuy nhiên vẫn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả, đi đôi với việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, không để tình trạng tăng giá bất hợp lý. Trong đó, đặc biệt thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên và kiểm soát chi phí đầu vào của các sản phẩm hàng hoá, đồng thời thực hiện nghiêm việc đăng ký, kê khai giá đối với một số mặt hàng như sữa, sắt thép. Ông Đỗ Thức lưu ý, cần sớm hoàn thiện các văn bản về tăng mức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm về giá để giữ ổn định giá thị trường.

Sau hai tháng giảm, nhập siêu tháng 7 tăng trở lại do giá trị xuất khẩu giảm mạnh hơn giá trị nhập khẩu. Tổng cục Thống kê đề ra một số giải pháp cần được tập trung chú ý để bảo đảm  kiềm chế nhập siêu. Đó là rà soát việc nhập khẩu thiết bị máy móc cần thiết và bảo đảm chất lượng, phục vụ sản xuất ở mức hợp lý; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách nhập khẩu hàng tiêu dùng. Những biện pháp mang tính dài hơi như: tăng cường cải tiến công nghệ, phát huy sử dụng các thiết bị đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư, góp phần giảm nhập siêu. Nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Có cơ chế thuế suất đúng mức nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm và người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Nguyễn Huyền

Đọc thêm