3 kịch bản tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam

(PLVN) - Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa đưa ra đưa ra 3 kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực). 
3 kịch bản tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam

Kịch bản cơ sở

Theo Nhóm Nghiên cứu, đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất.

Theo kịch bản này, dịch bệnh tiếp tục diễn biến như trong thời gian qua, nhưng được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới, nhưng số ca được phát hiện nhiễm nCoV tăng trong vùng đã có dịch hoặc có người nhiễm; các biện pháp ngăn chặn dịch được kéo dài cho tới khi thời tiết ấm lên, không còn là môi trường phù hợp cho sự phát triển của bệnh; các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý II/2020. 

Theo kịch bản này sự sụt giảm của lĩnh vực du lịch quốc tế khiến GDP của Việt Nam giảm 5,49 điểm % trong quý 1, giảm 4,27 điểm % trong quý 2 so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 1,22 điểm % cả năm 2020; Xuất khẩu giảm khoảng 10%, nhập khẩu giảm khoảng 11%, cân cân thương mại thặng dư, giúp GDP tăng thêm 0,58 điểm % so với năm 2019; Lĩnh vực bán lẻ (tiêu dùng cá nhân), cả năm giảm nhẹ 0,5% và khiến GDP giảm 0,07 điểm %; Lĩnh vực GTVT, vận tải hàng không có thể vẫn giảm khoảng 20% và khiến GDP giảm 0,02 điểm %; Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong Quý I, các hoạt động, giao dịch tài chính - ngân hàng giảm khiến GDP giảm 0,11 điểm % cả năm.

Với kịch bản cơ sở này, GDP năm 2020 Việt Nam giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý I giảm 1,23 điểm % và GDP quý II giảm 0,71 điểm %.

Kịch bản tích cực

Dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không lây lan rộng, các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh (như đóng cửa khẩu, hạn chế du lịch, thương mại,…) sớm được gỡ bỏ và các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý II/2020. 

Tương tự như đánh giá tại kịch bản cơ sở, dịch bệnh nCoV dự báo sẽ khiến du lịch quốc tế giảm đến 90% trong quý I, giảm 50% quý II và cả năm giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu quý I giảm 19-20%, quý II giảm 12-13% và cả năm giảm 7%; tiêu dùng cá nhân quý I giảm 1%, quý II giảm 0,5% và cả năm giảm nhẹ 0,1%. Trong khi đó, dịch vụ vận tải hàng không quý I  giảm 25%, quý II giảm 15% và cả năm giảm 15%; và dịch vụ tài chính-ngân hàng-bảo hiểm quý I và quý II giảm nhẹ 1%, cả năm giảm 0,5%. 

Với diễn biến như vậy, GDP Việt Nam quý I có thể giảm khoảng 1,22 điểm %; GDP quý II giảm 0,39 điểm %, và GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %.

Kịch bản tiêu cực

Dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch toàn cầu cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy rất xấu, thậm chí làm kiệt quệ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nước ta.

Theo đó, dịch bệnh nCoV dự báo sẽ khiến du lịch quốc tế giảm đến 90% trong quý I, giảm 70% quý II và cả năm giảm khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu quý I giảm 20-25%, quý II giảm 20% và cả năm giảm 21-23,5%; tiêu dùng cá nhân quý I giảm 1%, quý II giảm 0,5% và cả năm giảm mạnh 5%. Trong khi đó, dịch vụ vận tải hàng không quý I giảm 40%, quý II giảm 30% và cả năm giảm 30%; và dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm quý I và quý II giảm nhẹ 1% và 1,5%, cả năm giảm 0,5%. 

Theo kịch bản này, do dịch bệnh, GDP quý 1 có thể giảm 1,24 điểm %, GDP quý II giảm 1,46 điểm % và GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm %.

Theo TS Cấn Văn Lực, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV việc đánh giá tác động theo tổng cầu, dựa trên 6 cơ sở chính: Kinh nghiệm, đánh giá tác động từ trường hợp tương tự, như dịch SARS (2003); Rủi ro và nguy cơ sụt giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới và đặc biệt là của kinh tế Trung Quốc; Đánh giá sự phụ thuộc và tác động trong quan hệ kinh tế (thương mại, đầu tư, du lịch…) giữa Việt Nam và Trung Quốc; Phân tích thực tiễn cơ cấu ngành và đóng góp vào GDP của một số ngành (lĩnh vực) chịu nhiều tác động; Tính toán trên cơ sở ngành nghề có số liệu và không bị trùng lặp: Và tham khảo kinh nghiệm, mô hình đánh giá, dự báo của một số tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế…. 

TS Lực cũng cho biết, mô hình đánh giá được thực hiện với hai giả định chính: Những biến động khác (ngành nghề, lĩnh vực khác) vẫn duy trì đà tăng trưởng như thường lệ; Và Chính phủ chưa có động thái quyết liệt, chưa có gói kích thích kinh tế hay chưa điều chỉnh chính sách kinh tế (nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa, công thương và giá cả…).

Đọc thêm