5 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu

(PLO) - Tổng cục Hải quan đã quyết định sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin này được lãnh đạo Tổng cục Hải quan đưa ra trong buổi họp báo chuyên đề về vấn đề này, diễn ra chiều nay (18/6), tại trụ sở Tổng cục Hải quan.

Theo Tổng cục Hải quan, giải pháp đầu tiên để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK là kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện cải cách toàn diện thể chế, chính sách, cách thức, phương pháp kiểm tra liên quan đến hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 và Chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016.

Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và mục tiêu, chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết 19/2016, Tổng cục Hải quan tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.  

Mục tiêu của biện pháp này là phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, KTCN với các nội dung: Áp dụng quản lý rủi ro (phân tích thông tin, đánh giá rủi ro); đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng DN để áp dụng mức độ kiểm tra phù hợp đối với hàng hoá của từng DN; Chuyển thời điểm KTCN tại giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan.

Giải pháp này cũng nhằm minh bạch hoá quản lý, kiểm tra chuyên ngành với các nội dung; hiện đại hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế;  đẩy mạnh tiến độ triển khai, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giữa doanh nghiệp với các đơn vị có liên quan trong lĩnh vực KTCN.

Nhóm giải pháp thứ hai là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung (KTCNTT) tại các cửa khẩu nơi có lưu lượng hàng hóa XNK lớn tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa.

Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 giao Bộ Tài chính “Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện KTCN tại các địa điểm KTCN tập trung ở các cửa khẩu trong thông quan”.

Với những hiệu quả, lợi ích bước đầu có được từ việc triển khai hoạt động của các địa điểm KTCN tập trung tại các cửa khẩu thời gian qua, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, sơ kết đánh giá hiệu quả hoạt động của các địa điểm KTCN tập trung, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về hoạt động KTCN tại các địa điểm này, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các địa điểm KTCN tập trung.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến hàng hóa XNK thuộc đối tượng KTCN là giải pháp thứ 3 của mục tiêu để nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo Cục Hải quan, các doanh nghiệp XNK cần có nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia hoạt động KTCN; hiểu và nắm bắt được lợi ích của việc KTCN tại các địa điểm KTCN tập trung. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành cần phải chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến những quy định về kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu. Các doanh nghiệp phải tự nâng cao tính tự giác, tuân thủ pháp luật về KTCN, tích cực phối hợp với cơ quan hải quan, cơ quan quản lý chuyên ngành để thực hiện.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải Quan cũng sẽ sớm thành lập và đưa vào hoạt động Tổ Công tác liên ngành để triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại Điều 2 Quyết định số 2026/QĐ-TTg. Tổng cục Hải quan đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ và ban hành Quyết định số 459/QĐ-TCHQ ngày 14/3/2016 về việc phân công triển khai thực hiện Quyết định số 390/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. 

Bộ Tài chính đã có Công văn số 19294/BTC-TCHQ đề nghị 13 bộ có liên quan cử cán bộ tham gia Tổ Công tác liên ngành triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg. Tổng cục Hải quan đã dự thảo quy chế làm việc của Tổ Công tác liên ngành quy định nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc, thông tin báo cáo, mối quan hệ phối hợp công tác để Tổ Công tác liên ngành có cơ sở triển khai thực hiện.

Tổ chức triển khai công tác kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục Kiểm định hàng hóa XNK thuộc Tổng cục Hải quan là giải pháp cuối cùng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. 

Để thực hiện giải pháp này, Cục Hải quan sẽ thí điểm tiếp nhận một số mặt hàng Cục Kiểm định hàng hóa XNK đủ năng lực triển khai (phân bón, đồ chơi bằng nhựa); trang bị phòng kiểm định di động (xe mobile lab) để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai); nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyên sâu cho Cục Kiểm định và các Chi cục Kiểm định hiện có. Phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành xác định nhu cầu đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các khu vực có lưu lượng XNK hàng hóa nhiều phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng trong buổi họp báo chiều 16/8, Tổng cục Hải quan cũng thông tin từ thực tế hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu). Ngày 17/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Những việc đã được Tổng cục Hải quan thực hiện: Phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý về thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành; chủ động làm việc với các đơn vị chức năng chuyên môn thuộc Bộ quản lý chuyên ngành cùng trao đổi xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác kiểm tra chuyên ngành; triển khai và đưa vào hoạt động các địa điểm kiểm tra tập trung; xây dựng cổng thông tin về KTCN trong Cổng Thông tin một cửa quốc gia; Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong hoạt động KTCN. 

Đọc thêm