6 tháng cuối năm 2020: Những ngành được dự báo triển vọng

(PLVN) - Trong khi dệt may và cao su tự nhiên được đánh giá là tiêu cực thì một loạt ngành vẫn có “đất sống” trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như: công nghệ, bán lẻ, khu công nghiệp, dược ...
Ngành công nghệ được đánh giá là có triển vọng tích cực.
Ngành công nghệ được đánh giá là có triển vọng tích cực.

Công nghệ và khu công nghiệp được đánh giá tích cực

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (Rongviet Securities) vừa phát hành báo cáo chuyên đề về triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2020. 

Theo Báo cáo này, hầu hết các ngành công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong nửa đầu năm 2020. Ngoại trừ nhóm ngành dịch vụ tài chính, viễn thông và thực phẩm đồ uống ghi nhận tăng trưởng doanh thu cao hơn, chủ yếu do nền tăng trưởng thấp của năm 2019, các ngành còn lại đều cho thấy có sự tăng trưởng chậm hoặc sụt giảm so với cùng kỳ.

Cho nửa cuối năm 2020, các chuyên viên của Rongviet Securities cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình cung – cầu của các nhóm ngành. Ngoại trừ một số ngành sẽ thấy diễn biến tích cực nhẹ như Công nghệ, Khu công nghiệp, điện, bảo hiểm và chứng khoán.

Báo cáo của Rongviet Securities cũng cho rằng giá nhiều loại hàng hóa nguyên vật liệu giảm, chủ yếu do nhu cầu giảm, là yếu tố tích cực đối với nhiều nhóm ngành. “Dù vậy, chúng tôi cho rằng đây chỉ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ. Dài hạn hơn, việc giá nguyên vật liệu giảm có thể sẽ đi cùng với giá bán sản phẩm giảm. Ngoài ra, do sức tiêu thụ hàng hóa còn yếu, giá bán giảm nhưng sản lượng không tăng trưởng có thể khiến lợi nhuận nhìn chung giảm…”- Báo cáo phân tích.

Dù vậy, Rongviet Securities vẫn nhận định, tiềm năng tăng trưởng dài hạn được đánh giá là rất tích cực đối với hầu hết các ngành kinh doanh. Đặc biệt đi cùng với đó là những cải thiện về môi trường pháp lý.

“Cho nửa cuối năm 2020, chúng tôi giữ quan điểm trung lập với hầu hết các nhóm ngành. Một số ngành được đánh giá tích cực gồm: Công nghệ; Khu công nghiệp; Dược và Điện. Ở chiều ngược lại, chúng tôi đánh giá tiêu cực với ngành dệt may và cao su tự nhiên.”- Báo cáo đưa ra nhận định.

Khó khăn, vẫn có lãi

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong số 343 công ty công bố báo cáo tài chính quý II/2020, có 268 DN có kết quả hoạt động kinh doanh có lãi (chiếm 78,1%), với tổng giá trị lãi đạt 11.381,4 tỷ đồng giảm 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, tổng lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết HNX đạt 10.669,5 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 7/11 ngành đang niêm yết tại HNX có tổng lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, có 5/11 ngành có kết quả kinh doanh có lãi tăng so với cùng kỳ năm 2020, và hai ngành có mức tăng tổng lợi nhuận cao nhất là ngành Thương mại và Dịch vụ lưu trú, ăn uống và ngành Tài chính. Trong đó, ngành Thương mại và Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 56,8% (tương ứng 115,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019, ngành Tài chính tăng 11,7% (605,8 tỷ đồng). 

Ngành Thương mại và Dịch vụ lưu trú, ăn uống mặc dù có lợi nhuận tăng mạnh nhất, tuy nhiên chỉ 17/48 doanh nghiệp trong ngành này có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 tăng so với năm 2019. Đối với các công ty có lợi nhuận tăng mạnh, nguyên nhân được cho là do thoái vốn đầu tư. Còn lại 31/48 doanh nghiệp trong ngành này có kết quả kinh doanh giảm. Theo nhận định của HNX, đây vẫn là những ngành có triển vọng trong nửa cuối năm 2020.

Cũng theo nhận định của Rongviet Securities, chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng sẽ duy trì ở mức cao cho tới hết năm 2020 do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu. Trong bối cảnh đó, kênh bất động sản tỏ ra không quá hấp dẫn khi giá bán vẫn duy trì ở mức cao, giá vàng mặc dù đã tăng mạnh trong thời gian qua nhưng những tiến bộ trong vaccine có thể khiến giá vàng điều chỉnh trở lại,  Nghị định mới về quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ hạn chế nguồn cung phát hành mới trong Quý IV/2020, thì thị trường sẽ khó có khả năng chứng kiến một đợt bán tháo khác từ khối ngoại.

Trong số 20 ngành xếp hạng, có 2 ngành được đánh giá tích cực (công nghệ, bán lẻ); 4 ngành được đánh giá tốt (khu công nghiệp, dược, điện, ô tô và phụ tùng); 12 ngành được đánh giá trung lập (thép, bảo hiểm, bất động sản  dân dụng, chứng khoán, dầu khí, kho vận, thủy sản, ngân hàng, nông dược, thức uống, hàng không, xây dựng) và 2 ngành được đánh giá là tiêu cực nhẹ (dệt may, cao su tự nhiên).

Đọc thêm