64 nền kinh tế

(PLO) - 30 năm đổi mới, chúng ta đã trải qua rất, rất nhiều “hội chứng”. Những năm 90 của thế kỷ trước là hội chứng xi măng lò đứng, mía đường (với quyết tâm 5 triệu tấn đường/năm); những năm đầu thế kỷ 21 là hội chứng khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển.
64 nền kinh tế

Kéo dài cho đến bây giờ là hội chứng sân bay (Mới đây, Bộ GTVT vừa công bố quy hoạch 3 sân bay ở khu vực Tây Bắc là Nà Sản (Sơn La), Lào Cai, Lai Châu đến năm 2020, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.800 tỷ đồng).

Vì sao? Nguyên nhân “đáng yêu” là tỉnh nào cũng sốt ruột về GDP, những năm gần đây là muốn về đích sớm mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Nguyên nhân đáng “thông cảm” là chúng ta chưa hiểu về thị trường (chưa nói đến loại thị trường khó nhất là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), chưa hiểu về liên kết, càng chưa hiểu về chuỗi giá trị.

Nguyên nhân “đáng trách” là tư duy tiểu nông là không muốn “kém cạnh” tỉnh bạn, họ có mình cũng phải có. Tư duy “đáng lên án” là chạy “cửa sau”, tư duy nhiệm kỳ, quy hoạch đã được công bố luôn luôn phải bổ sung do nạn chạy “cửa sau”.

Các “hội chứng” trong 30 năm qua đã hình thành nên một trạng thái “kỳ dị” của nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay: nền kinh tế quốc gia được cấu thành từ 64 nền kinh tế giống hệt nhau nhưng độc lập với nhau (63 nền kinh tế địa phương cộng với 1 nền kinh tế trung ương).

Làm sao khắc phục tình trạng 63 tỉnh = 63 nền kinh tế? Làm thế nào để nguồn lực có hạn không bị phân tán, phải tính tới lợi ích vùng chứ không phải lợi ích cục bộ? Ngoài ra, việc phân bổ dự toán và phân chia lợi ích cho các tỉnh trong vùng như thế nào, vai trò Nhà nước và vai trò thị trường như thế nào trong liên kết vùng? Đây đang là những câu hỏi lớn.

Đã có khái niệm mới được đưa ra là “kinh tế vùng” (thực tế mà nói là không có gì mới, chúng ta đã nhập tỉnh để rồi cuối cùng phải chia nhỏ, chúng ta đã có quy hoạh vùng, ví dụ: vùng Thủ đô, vùng TP Hồ Chí Minh, vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ…).

Liệu khái niệm vùng hiện nay có xóa bỏ được tình trạng manh mún, chia cắt và cát cứ theo tỉnh, tránh được chồng chéo, lãng phí, tránh được các xung đột cục bộ cũng như những phản đối xuất phát từ lợi ích nhóm? Chắc chắn là rất khó thực hiện bởi hơn ở đâu hết, Việt Nam luôn luôn “thiếu ghế” và ‘xung đột” lợi ích nhóm là vô cùng gay gắt.

Rõ ràng, điều thiếu nhất của Việt Nam hiện nay không phải “khái niệm” hay “cơ chế”. Điều thiếu nghiêm trọng nhất ở Việt Nam hiện nay chính là kỷ cương trong điều hành và quản trị quốc gia. Tất nhiên, đối với những người còn cần phải biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ. Đây chính là mấu chốt của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đọc thêm