9 tháng qua hầu hết các mặt hàng nông nghiệp đều giảm giá

(PLVN) - Theo ông Vũ Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), 9 tháng qua hầu hết các mặt hàng nông nghiệp đều giảm giá. 
Gần đây thanh long rớt giá do nước ngoài tạm ngừng thu mua
Gần đây thanh long rớt giá do nước ngoài tạm ngừng thu mua

Hôm qua (27/9), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) điều hành giá đã chủ trì cuộc họp quý III của BCĐ nhằm tham mưu tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá từ nay tới cuối năm và dự kiến giải pháp điều hành cho năm 2020.

Dự đoán cuối năm thiếu hụt thịt lợn

Các báo cáo tại cuộc họp cho biết, từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng có biến động, theo hướng tăng tương đối cao vào tháng 2, giảm nhẹ trong tháng 3 và tháng 6, tăng dần trở lại từ tháng 7-9.

Trong quý III, CPI so với tháng trước đều tăng. Tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng từ 0,4%-0,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI trong quý III vẫn thấp hơn dự báo tại phiên họp quý II, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng khoảng 2,52%, là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 3 năm qua (năm 2017 là 3,79%, năm 2018 là 3,57%). Có được kết quả này là do các bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc các kết luận của Trưởng BCĐ, thực hiện cơ chế phối hợp tốt hơn và công tác truyền thông, thông tin ngày càng hiệu quả, kịp thời.

Ngoài ra, CPI tăng thấp hơn dự kiến còn do tác động của các mặt hàng cụ thể, như việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành làm ổn định lãi suất và tỉ giá, kiểm soát lãi suất cơ bản ở mức 1,91% trong 9 tháng. Thứ hai là giá xăng dầu giảm 2,9% so với tháng 8 tác động làm giảm CPI 0,12%, giá gas giảm 0,89% và vận tải đường sắt giảm giá vé tàu hoả 3,82% so với tháng trước làm dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,22%; giá điện giảm 0,16%,...

Một trong các nội dung có liên quan được thảo luận tại cuộc họp là vấn đề nguồn cung thịt lợn cho dịp cuối năm. Theo ông Vũ Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), 9 tháng qua hầu hết các mặt hàng nông nghiệp đều giảm giá.

Theo dự đoán, cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhưng không nhiều, khoảng 3-4%, tương ứng 200.000 tấn thịt lợn. Để khắc phục, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kiềm chế dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng; thúc đẩy sản xuất, nhất là trong chăn nuôi để giảm giá thực phẩm, góp phần ổn định giá cả.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT cần cẩn trọng hơn trong chỉ đạo tổ chức sản xuất và cung ứng thịt lợn ra thị trường. Ông Huệ cho biết, nguồn cung thịt lợn tại các nước láng giềng đang thiếu hụt, việc gom hàng ở Việt Nam bắt đầu gia tăng. Do đó, Bộ cần tính kỹ cung - cầu từng tháng, chứ không “áng chừng” tương đối; phối hợp với Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung, tránh chuyện tăng đột xuất nhu cầu thị lợn từ nay tới Tết Nguyên đán.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Phó Thủ tướng nhận định: “Mục tiêu điều hành lạm phát từ 3,3-3,9% của năm 2019 đã đặt ra tại phiên họp trước có thể trở thành hiện thực nếu không có gì đột xuất”.

Để đạt được kết quả này, ông Huệ nêu giải pháp chung là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu thị trường, giá cả để có giải pháp phù hợp, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu vào dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Bộ Công Thương chủ động điều hành các mặt hàng sản xuất, nhất là các giải pháp phối hợp các bộ khác đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu nhằm bảo đảm không chỉ kiểm soát giá mà còn bảo đảm an toàn cán cân thanh toán, cán cân vãng lai. NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài chính, thương mại để kiểm soát lạm phát cơ bản khoảng 1,9%.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong điều kiện lạm phát thấp, các bộ, ngành cần tiếp tục điều chỉnh giá thị trường các mặt hàng dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước quản lý, chủ động tính toán liều lượng phù hợp với thời điểm điều hành để báo cáo BCĐ.

Về giá điện, Bộ Công Thương rà soát giá bán lẻ điện bình quân quý III theo đúng Quyết định số 24 của Thủ tướng và thành lập Tổ công tác bao gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra chi phí đầu vào của giá điện năm 2018 và công bố công khai, chậm nhất vào tháng 11 tới.

Về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật một số dịch vụ y tế; trình BCĐ phương án triển khai mức 3 đưa chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế theo các thông tư của Bộ vào tháng 11/2019; Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy mạnh đấu thầu thuốc tập trung, thực hiện nghiêm và quy trách nhiệm tập thể, cá nhân trong quy trình đàm phán giá thuốc.

Ông Huệ cũng yêu cầu Bộ GTVT sớm báo cáo Chính phủ phương án giá dịch vụ BOT, tác động của việc điều chỉnh giá nếu có tới lạm phát, đời sống của người dân và xã hội; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý nghiêm hành vi gian lận trong quản lý, hạch toán doanh thu của các dự án BOT; hoàn thành thu phí không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Đọc thêm