ACV sẵn sàng khởi công sân bay Long Thành

(PLVN) - Hai điều kiện thuận lợi để Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm khởi công sân bay Long Thành là mặt bằng sạch đã được giao và tiền vốn đã sẵn sàng.
Phối cảnh sân bay Long Thành.
Phối cảnh sân bay Long Thành.

Chuẩn bị hơn 29.000 tỷ đồng tiền mặt

Thủ tướng đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong đó, dự án thành phần 3 các công trình thiết yếu của sân bay này được Chính phủ giao cho ACV làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của chính ACV.

Những công việc quan trọng mà ACV phải làm là xây dựng hạ tầng chung như rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ô tô, cầu hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông.

AVC cũng xây dựng các công trình quan trọng tại khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME, sân đỗ bay, hệ thống cung cấp nhiên liệu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành cảng và các công trình phụ trợ khác.

Như vậy có thể thấy, ACV là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng các hạng mục “xương sống”, quan trọng nhất của một sân bay. Tổng vốn đầu tư các hạng mục mà ACV phụ trách lên đến hơn 99.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tất cả vốn này đều do ACV tự chủ động bằng vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

Trong bối cảnh ngành hàng không trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, doanh thu giảm sâu, rõ ràng nhiệm vụ trên của ACV là nặng nề và đầy thách thức. Tuy nhiên, lãnh đạo ACV lại tỏ ra rất lạc quan với dự án này.

Theo Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh, đơn vị này đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho dự án. Về tài chính, ông Thanh cho biết, tổng số vốn ACV phải “lo” là khoảng 99.000 tỷ đồng để phục vụ dự án. Hiện, ACV đã có trong tay 29.225 tỷ đồng tiền mặt gửi trong ngân hàng.

Đây là số tiền ACV tích lũy được từ kinh doanh các năm trước đến nay. Ngoài ra, từ nay đến thời gian hoàn thành dự án là năm 2025, ACV ước tính sẽ tích lũy được thêm khoảng 6.877 tỷ đồng. Như vậy, số vốn ACV tự chuẩn bị được là khoảng 36.100 tỷ đồng.

Số còn lại khoảng 63.000 tỷ, theo ông Thanh, ACV sẽ huy động bằng cách vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ tịch ACV tỏ ra lạc quan sẽ huy động được số vốn trên do đã có sự chuẩn bị từ trước.

Theo đó, ông Thanh cho biết đã có 22 tổ chức trao đổi về dự án, trong đó có 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ và sẵn sàng tài trợ vốn cho dự án với tổng giá trị đề xuất lên hơn 143.000 tỷ đồng.

Khởi công trong năm 2020

Liên quan đến việc dịch Covid-19 có ảnh hưởng gì đến phương án tài chính như kế hoạch trên hay không, ông Thanh cho rằng có ảnh hưởng nhưng đơn vị đã có các phương án dự phòng. “Chúng tôi sẽ điều chỉnh tiến độ, quy mô một số dự án mà ACV đang thực hiện, cân đối lại cả nguồn lực và vốn vay trong cũng như ngoài nước để vốn dự án sân bay Long Thành được đảm bảo”- lãnh đạo ACV cho biết.

Một việc rất quan trọng ảnh hưởng đến việc dự án sân bay Long Thành có được ACV sớm triển khai hay không là công tác giải phóng mặt bằng. Theo chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh, phần đất cần thiết để triển khai giai đoạn 1 đã được tỉnh Đồng Nai thực hiện xong và bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải.

“Tiền đã có, mặt bằng sạch đã có, chúng tôi sẵn sàng khởi công sân bay Long Thành trong năm 2020”- Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh nói và cho biết, công việc cần kíp trước mắt phải làm lúc này là hoàn thành các hồ sơ, tài liệu, quy trình thủ tục đầu tư…

Ông Thanh cũng cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sân bay Long Thành phải được đầu tư xây dựng một cách hiện đại, tương đương với các sân bay tiên tiến của thế giới, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn về sinh thái và môi trường. Do đó, song song với việc đầu tư xây dựng, phương án vận hành, cung cấp dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng sẽ được ACV chuẩn bị từ bây giờ.

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD; công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện từ 2020 đến 2025.

Dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; Dự án thành phần 2 gồm các công trình phục vụ quản lý bay; Dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; Dự án thành phần 4 là các công trình khác.

Đọc thêm