Bà con bấp bênh theo giá… chuối, dứa

(PLO) - Những năm qua, chuối, dứa ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Lào Cai  được chuyên canh theo hướng hàng hóa, không những trở thành cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của đồng bào người Mông nơi đây. Thế nhưng, do đầu ra của sản phẩm không ổn định nên vài năm gần đây, nhiều đợt chuối, dứa rớt giá khiến người trồng lao đao.
Bà con bấp bênh theo giá… chuối, dứa

Những triệu phú chuối, dứa 

Trước đây, đường xá cách trở, đời sống khó khăn khiến thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu cách biệt với bên ngoài. Người dân có việc ra trụ sở UBND xã hay chợ Bản Lầu để mua nhu yếu phẩm sinh hoạt phải dậy từ gà gáy, cuốc bộ gần 20 km theo đường mòn; nhà nào khá giả thì có ngựa thồ.

Từ những nỗ lực làm giàu từ cây chuối, cây dứa, Bản Lầu từ địa phương thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, đến nay có nhiều người thành triệu phú. Thôn Cốc Phương không còn hộ nghèo, hai phần ba số hộ là triệu phú, có thu nhập hằng năm từ 80 đến 400 triệu đồng, nhiều gia đình người Mông sử dụng thành thạo máy vi tính và sắm xe ô tô đời mới. 

Những triệu phú đầu tiên ở xã Bản Lốc là người thôn Cốc Phương, những người dòng họ Thào. Đó là bố con ông Thào Minh và Thào Thắng, là chú cháu ông Thào Diu, Thào Dìn... Họ có gốc gác là người Mông ở xã Dìn Chin, huyện Mường Khương. Do thiếu nước nên họ Thào và nhiều họ khác đã cùng nhau di cư đến mảnh đất này từ năm 1989, mở đất lập thôn. 

Ông Thào Minh kể lại: Nhà mình trước đây nằm trên đầu nguồn sông Chảy. Thiếu nước, vào mùa khô vợ con mình phải đi cả ngày mới cõng được can nước về dùng, nước để làm ruộng không đủ. Năm nào mưa nhiều thì đủ nước cấy, năm nào mưa ít mất mùa thiếu đói quanh năm, mèn mén cũng không đủ ăn. Nhiều gia đình bỏ đất Dìn Chin sang Sơn La, Lai Châu rồi vào tận Tây Nguyên nơi có nhiều rừng để sinh sống. 

“Năm 1989 ăn Tết xong mình đang chuẩn bị đưa vợ con di cư tự do thì gặp bác Hoàng Chúng - Chủ tịch UBND huyện Mường Khương. Bác Chúng bảo: Sao không về Na Lốc - Cốc Phương mà ở? Ở đó đất rộng, nước nhiều, chịu khó làm ăn thì lo gì đói”, ông Thào Minh nhớ lại. 

Lúc đầu về vùng đất bên suối Na Lốc, những người di cư hăm hở phát rừng làm nương rẫy, nhưng chỉ trồng vài vụ lúa, vụ ngô, đất trở nên hoang hóa, ngô lúa không mọc nổi, đói nghèo tiếp tục quẩn quanh. Làm gì khi bản toàn núi cao chót vót, không làm được ruộng nước và người Mông nơi đây chỉ biết phát nương, chọc lỗ tra bắp, trông chờ mưa nắng cho đến kỳ thu hoạch? 

Thậm chí, năm nào mất mùa là đói, Nhà nước phải thuê nhân công cõng gạo vào cứu trợ. Đói nghèo buộc những người đàn ông của thôn vượt qua con suối Na Lốc sang Trung Quốc làm thuê. Bên đó, cũng đồi đất dốc như mình nhưng nương rẫy của những người Mông, người Nùng lại xanh rì chuối dứa, mùa thu hoạch tấp nập người làm thuê đến thu hái.

Phát triển vùng chuyên canh chuối, dứa

Người đầu tiên trồng dứa ở Cốc Phương là ông Thào Diu khi mười nghìn gốc dứa được vợ chồng Thào Diu cặm cụi “cắm” lên đồi thành hàng lối, nhìn thật đẹp mắt. 

Nhưng vụ đầu tiên, khi chuẩn bị thu hoạch thì mưa kéo dài cả tuần, dứa thối nhũn. Vụ sau, Thào Diu trồng dứa sớm hơn, chăm sóc đúng kỹ thuật, để khi quả chín tránh được mưa rừng kéo dài, không bị thối hỏng. Trúng mùa lớn, lần đầu tiên trong đời, cầm hơn 10 nghìn Nhân dân tệ bằng 17 triệu đồng, vợ chồng Thào Diu cả đêm không ngủ.

Tiếng lành đồn xa, 34 hộ dân ở Cốc Phương học theo gia đình Thào Diu trồng dứa. Trong số những người trẻ học theo Thào Diu trồng dứa có Thào Dìn (là cháu gọi Thào Diu bằng chú ruột). Ðược học hành hơn chú Thào Diu, Thào Dìn nhận thấy có hộ neo đơn, ít nhân lực lao động hoặc có hoàn cảnh khó khăn thì không trồng được nhiều, khó có điều kiện chăm sóc, thu hoạch, khi dứa chín rộ, chất lượng quả bị xuống cấp, bị tư thương ép giá. 

Ðược bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, Thào Dìn đứng ra lập tổ đổi công, giúp nhau trồng dứa thành vùng hàng hóa xuất khẩu. Nhờ tổ đổi công, nhà nào cũng có nương dứa từ năm nghìn đến hai, ba mươi nghìn gốc. Cây dứa được trồng theo quy trình đúng thời vụ; làm cỏ đúng chu kỳ sinh trưởng; phun thuốc đậu quả và thu hoạch đồng loạt bán cho các nhà máy chế biến tại Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa và xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Đến nay, toàn xã Bản Lầu có trên 750 ha trồng cây dứa với gần 600 hộ dân trồng, chủ yếu tập trung tại hai thôn Na Lốc, Cốc Phương. Đến nay, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nên việc trồng dứa đã trở thành vùng chuyên canh, cho thu nhập kinh tế cao. Nhiều người đã trở thành nông dân sản xuất giỏi, trở thành triệu phú từ dứa. 

Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng Thào Dìn nằm bên mé đồi có nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2002, Thào Dìn là đại biểu dự hội nghị “Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc” ở Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được nhiều giấy khen của địa phương. Ông Thào Dìn là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017. 

Trưởng thôn Thào Dìn cho biết thêm: “Học tập người Mông ở Cốc Phương, đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản Na Lốc 1, Na Lốc 2, Na Lốc 3 và Pạc Bo, Ðồi Gianh cũng chuyển hướng trồng chuối, dứa xuất khẩu. Bây giờ, ở rẻo cao biên giới này đã có vùng nguyên liệu chuối, dứa hơn 600 ha, hàng năm xuất bán hàng trăm nghìn tấn sản phẩm chất lượng cao, thu về cho bà con mấy chục tỷ đồng”. 

Rớt giá do đầu ra không ổn định

Nếu như thời cao điểm chuối Bản Lầu được thương lái Trung Quốc mua với giá từ 10.000 đến 25.000 đồng Việt Nam/kg thì năm ngoái, vào đầu năm chuối được thu mua với giá từ 4.000-5.000 đồng/1 kg rồi tiếp tục rớt giá. Đến thời điểm cuối năm chuối rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/1 kg, tương đương với 3 hào Trung Quốc. 

Theo người dân địa phương, nếu với giá bán trung bình khoảng 4.000 đồng/kg cả xã thu về hơn 51 tỷ đồng. Do đó, ngoài các cây trồng như chè, dứa, thì chuối vẫn là cây trồng được bà con trong xã lựa chọn để xóa nghèo. Thế nhưng khi giá chuối rớt tới hàng chục lần như hiện nay, 1 triệu đồng cũng mua được cả tấn, khiến mặt hàng chuối vốn “sốt sình sịch” mỗi khi tới lứa, bỗng trở thành thứ “cho không ai lấy, bán không ai mua”. 

Dọc các nương chuối, nhiều diện tích phải bỏ mặc cho chín thối, vì có chở về bãi tập kết, trừ tiền công vận chuyển thì chẳng còn đồng lãi nào. Mặt khác, chuối Bản Lầu được trồng theo phương pháp cấy mô, thường chỉ xuất qua biên giới cho Trung Quốc để chế biến thực phẩm, còn đem ra chợ bán thì rất khó cạnh tranh với chuối truyền thống vốn dĩ luôn thơm ngon hơn. Gía dứa cũng rớt giá từ 5.000 đồng/1kg xuống 2.000 đồng/1kg.

Ông Phạm Đăng Năm - Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết: Năm 2017 diện tích trồng chuối toàn xã tăng gần 100ha so với năm 2016. Trong đó, chuối trồng tại xã khoảng 500ha, cùng hơn 100ha người dân đi thuê đất ở xã Nậm Chảy để trồng. “Năm ngoái, bà con nông dân khá vất vả bởi ngay từ đầu năm do ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt là dịp tháng 6 và tháng 7 vừa qua, gió lốc làm gãy đổ khoảng 40ha chuối của bà con. Việc mất giá chuối tại Bản Lầu hoàn toàn không phải do người dân được mùa hay mở rộng diện tích tràn lan mà đơn thuần bởi thị trường Trung Quốc năm nay nhu cầu về nhập khẩu chuối hạn chế khiến cung vượt quá cầu, dẫn đến giá thu mua hạ thấp” - ông Năm nói. 

Nguyên nhân của tất cả những câu chuyện buồn trên có lẽ chỉ bắt nguồn từ một lý do duy nhất là đầu ra của sản phẩm không ổn định. Tiêu thụ nông sản qua biên giới trước giờ vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái nước ngoài, chủ yếu là hợp đồng miệng nên đầy rủi ro. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để cây chuối Bản Lầu tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế, chính quyền địa phương cần có biện pháp mở rộng thị trường chính ngạch và thị trường trong nước để chủ động đầu ra cho sản phẩm. 

Từ thành công của cây dứa, người Mông bản Cốc Phương còn trồng chuối bằng giống nuôi cấy mô để xuất khẩu. Chỗ thấp ven suối thì trồng chuối, trên núi cao thì trồng dứa, mầu xanh của sự no ấm, trù phú phủ kín những vùng đất hoang dại. Bản Lầu là vựa chuối lớn nhất của tỉnh Lào Cai với diện tích xấp xỉ 500 ha. Nông dân bắt đầu trồng chuối hàng hóa từ năm 2001 xuất sang Trung Quốc. Năm 2006, nắm bắt được thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ chuối lớn, nông dân các thôn Cốc Phương, Na Lốc 1, Na Lốc 2 và Na Lốc 3 đã tập trung vào mở rộng diện tích cây chuối. 

Đọc thêm