“Bà mối” đưa hàng Việt ra nước ngoài

(PLO) - Dù cách xa nhau về địa lý, nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Iran đang đẩy mạnh những cơ hội hợp tác đáng giá qua “bà mối” mát tay là Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Iran. Ngày đầu Xuân, Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch có cuộc trò chuyện với PLVN.
Ông Nguyễn Hồng Thạch (đứng giữa) tại Lễ ra mắt Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Iran
Ông Nguyễn Hồng Thạch (đứng giữa) tại Lễ ra mắt Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Iran

Thưa Đại sứ, ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường Iran với DN Việt Nam?

- Hai thị trường có những điều bổ sung cho nhau, những sản phẩm Việt Nam có thì Iran không có, và ngược lại. Ví dụ các sản phẩm hóa dầu là thế mạnh của Iran nhưng không phải là thế mạnh của Việt Nam; hay các sản phẩm công nghiệp nhẹ như giày dép, quần áo, đồ điện tử của Việt Nam thì Iran lại rất thiếu vắng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp hai nước cũng có tính chất bổ sung cho nhau. Iran có nhiều sản phẩm nông nghiệp rất ngon và rẻ như chà là, nho; còn Việt Nam lại có nhiều loại trái cây mà Iran không có như chuối, café, cam, bưởi… 

Tiềm năng trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước cũng khá lớn vì Iran là thị trường có sức mua lớn, dân số hơn 80 triệu người. Không chỉ đông dân, mức thu nhập của người Iran cũng cao gấp đôi thu nhập người Việt. Trên thế giới, thị trường có đến 80 - 90 triệu dân mà chưa khai thác, có lẽ chỉ còn Iran. 

Đâu là hạn chế khiến thương mại Việt Nam – Iran thời gian qua chưa được như tiềm năng?

- Có hai vấn đề. Thứ nhất là thanh toán vì Iran hiện vẫn chưa kết nối được với hệ thống thanh toán của thế giới. Chuyện này ảnh hưởng tới thương mại hai nước vì DN hai bên khó có thể thanh toán cho nhau mà phải thanh toán vòng vèo, nhiều khi mạo hiểm. Thứ hai là thiếu thông tin, các DN hai nước đều ít biết về thị trường của nhau. Nhiều người Iran thậm chí bây giờ vẫn nghĩ Việt Nam còn chiến tranh; còn người Việt thì nghĩ Iran là đất nước bị khủng bố, chiến tranh; trong khi cả hai nước hơn 40 năm nay đều sống trong hòa bình, ổn định. Hai vấn đề này khiến giao thương hai nước trở nên hạn chế. Hy vọng ngày càng nhiều người Việt Nam và Iran biết về nhau để từ đó thúc đẩy giao thương hai nước.

Ông có thể chia sẻ về thương vụ “làm bà mối” tâm đắc nhất?

- Tôi xin nói về lần gặp anh Trần Văn Trí - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ba Tư Bình An, hiện là Chủ tịch Hội đồng DN Việt Nam – Iran. Khi sang Iran tìm cơ hội xuất khẩu thủy sản, anh có đến ĐSQ. Biết được ý định của anh, tôi đã nói “anh cứ đi tìm hiểu xem sao, nhưng nhiều khả năng anh sẽ nhập cá về Việt Nam vì người Iran không ăn nhiều cá”. Đúng là bây giờ anh ấy đang chuẩn bị nhập cá về. 

Thế nhưng, DN khi vào tìm hiểu thị trường, với con mắt nhà nghề, họ nhìn ra được nhiều vấn đề. Kết quả là hiện anh Trí đang chuẩn bị làm nhà máy sản xuất nước mắm ở Iran. Chúng ta không thể hình dung được rằng nước mắm Việt Nam lại sang Iran sản xuất rồi từ đây xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, như châu Âu và các nước khác. 

Được biết mới đây ông có tiết lộ về kế hoạch “máy bay thuê bao” – một kế hoạch được ông nhận định nếu thành công sẽ là bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - Iran. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?

- Nhiều năm nay, ĐSQ luôn đặt trọng tâm vào du lịch. Tuy nhiên, trong điều kiện không có máy bay bay thẳng thì làm du lịch rất khó. Việc di chuyển giữa 2 nước mất đến gần 20 tiếng gồm cả thời gian trung chuyển, trong khi nếu bay thẳng chỉ mất 6 tiếng. Yếu tố khác “giằng co” nhau là có khách thì mới có bay thẳng, và có bay thẳng thì mới có khách. Do đó, ĐSQ xác định thúc đẩy theo hướng máy bay thuê bao. 

ĐSQ đã bàn với các DN nhiều lần, đến lần này thì khả năng thành công rất cao vì DN đã bàn với hãng hàng không, hãng hàng không cũng đã đặt vấn đề với phía Việt Nam về giá dịch vụ tại Việt Nam. Mới đây tôi nhận được thông tin giá dịch vụ tại Việt Nam được đánh giá rất hợp lý nên nhiều khả năng sẽ có máy bay thuê bao vào dịp Tết Now Ruz của người Iran (tháng 3/2018). 

Thêm một điều nữa, nếu có máy bay thuê bao sang Việt Nam thì khi trở về sẽ bay rỗng. Trong chính sách, máy bay thuê bao có thể không được lấy khách. nNưng chính sách là do chúng ta, nếu chúng ta thấy cần thay đổi một số điểm cho phù hợp thì cũng nên thay đổi. Tôi tạm tính với máy bay này, người Việt Nam có thể sang thăm Iran với giá vé rất rẻ là khoảng 300 USD, bằng 1 nửa vé của Thai Airway mà Thai Airway lại đi vòng và thời gian bay dài. Như vậy người Việt có thể sang thăm Iran, tạo điều kiện cho du lịch hai chiều để hai bên có thể hiểu nhau hơn, thúc đẩy quan hệ kinh tế khác.

Từ thực tiễn hoạt động, ông có lời khuyên gì cho  DN Việt muốn thâm nhập thị trường Iran?

- DN có thể phát hiện ra những cơ hội làm ăn khi trực tiếp đi tìm hiểu. Tôi luôn khuyên các DN là muốn làm ăn thì phải đến tận nơi mới nhìn được cơ hội, không thể ngồi nhà được. DN muốn thâm nhập vào thị trường nước ngoài thì phải làm thị trường, phải làm sao để thị trường đó biết đến mặt hàng của mình. Việc này không thể ngày một ngày hai mà phải đầu tư cả thời gian, công sức tiền bạc, phải nhẫn nại. 

Một lưu ý khác, trong tất cả các hoạt động đều cần phải chặt chẽ. Thời gian qua ĐSQ phải giải quyết một số trường hợp phát sinh do hợp đồng không chặt chẽ. Nếu hợp đồng không chặt chẽ thì làm ăn ở đâu cũng vậy, dễ bị thiệt thòi.  

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm