Bà Rịa - Vũng Tàu: Hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh 4.0

(PLO) - Áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa trên các thiết bị điện tử thông minh, kết nối internet… là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Đó là nền nông nghiệp thông minh 4.0 mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đang xây dựng. 
Bà Rịa - Vũng Tàu: Hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh 4.0

Nông nghiệp 4.0 là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. Xu hướng nông nghiệp thông minh 4.0 là một quy trình khép kín bằng công nghệ: Giống xác nhận chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tại hội thảo “Xu hướng phát triển mô hình nông nghiệp thông minh 4.0” do Sở KHCN tỉnh BR-VT tổ chức ngày 5/12, HTX Nông nghiệp số (5/1, Phan Văn Bạch, Yên Hòa - Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã giới thiệu về mô hình sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng các thiết bị di động thông minh.

Ông Lê Anh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp số cho biết, khi sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc này, các cơ sở sản xuất thực hiện ghi chép đầu vào, nhật ký canh tác bằng cách quẹt thẻ, giám sát nhật ký canh tác qua hình ảnh và in tem truy xuất nguồn gốc. Theo ông Hoàng, đa số các HTX ứng dụng công nghệ này đều là những cơ sở sản xuất theo chuẩn VietGAP. Nhờ ứng dụng truy xuất nguồn gốc này, giá trị hàng hóa được tăng lên.

Ông Hoàng lấy ví dụ, 1kg cam loại 4 trái/1kg giá thị trường được bán khoảng 20.000 đồng. Nếu áp dụng chuẩn GAP và có mã code, truy xuất nguồn gốc thì giá sản phẩm có thể bán được với giá 35.000 đồng/kg, độ tin cậy của khách hàng cũng nhờ đó tăng theo.

Cũng quan tâm mô hình nông nghiệp thông minh, anh Cao Nhật Anh Tú, người sáng lập trang trại ViFarm (phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết, hiện ViFarm đang trồng rau bằng công nghệ thủy canh hồi lưu. Với công nghệ này, cây trồng không sử dụng đất mà sử dụng giá thể và nước. Toàn bộ chất dinh dưỡng cho rau được pha theo một quy trình được kiểm duyệt, theo hệ thống dẫn nước đi đến bên dưới các giá thể cung cấp cho cây phát triển.

Theo anh Tú, hệ thống tự động giám sát các điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…) của cây sẽ được thông báo và cập nhật qua ứng dụng trên smartphone. Cũng từ smartphone, người làm vườn ở ViFarm chỉ cần nhấn nút điều khiển theo các thông số để bổ sung điều kiện thiết yếu cho rau.

Theo Tiến sĩ Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nông nghiệp 4.0 là “hàm số mũ” của nông nghiệp thông minh, công nghệ thông minh, thiết kế thông minh và DN thông minh. Đó là nền nông nghiệp có thể điều chỉnh phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, lượng hạt giống gieo trồng... thông qua thiết bị định vị toàn cầu, mạng internet. Theo đó, nông nghiệp 4.0 giúp quản lý đến từng ô thửa để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, giảm thiểu tồn dư hóa chất, tăng lợi nhuận và duy trì chất lượng môi trường.

Tiến sĩ Lê Quý Kha nhận định, tuy chưa thể áp dụng mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ như các nước tiên tiến, nhưng ở Việt Nam đã và đang xuất hiện một số mô hình ứng dụng giải pháp thông minh như: Chăn nuôi bò sữa ở TH True Milk (Nghệ An); Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel (TP. Hồ Chí Minh); mô hình trồng rau sạch nhà kính của VinEco (Tập đoàn VinGroup); phần mềm SmartChick của Microsoft Việt Nam trong nuôi gà thông minh thông qua công nghệ IoT; ứng dụng thiết bị trên canh tác rau... 

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh cho biết, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân. Đây cũng là vấn đề mà Sở KHCN quan tâm nghiên cứu nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị nông sản, giải phóng sức lao động và tăng thu nhập.  

Đọc thêm