Bài học “đau” từ đấu thầu với Trung Quốc

(PLO) - Có lẽ so với bà con nông dân bị thương lái Trung Quốc “lật kèo” bỏ không thu mua nông sản thì các nhà thầu xây lắp nội địa cũng “đau” không kém. Thống kê gần đây của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho thấy, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình rơi vào tay tổng thầu Trung Quốc. 
“Với con số nội địa hóa khiêm tốn 30% thì từ nay đến 2025, chúng ta có thể thực hiện được hơn 70 tỷ USD sản phẩm cơ khí”. Ảnh minh họa
“Với con số nội địa hóa khiêm tốn 30% thì từ nay đến 2025, chúng ta có thể thực hiện được hơn 70 tỷ USD sản phẩm cơ khí”. Ảnh minh họa
Lilama có thể là Tổng Công ty “thấm” nhất. Từng giành được nhiều gói thầu lớn tại không ít công trình trọng điểm quốc gia nhưng sau đó “cánh chim đầu đàn” của ngành cơ khí trong nước trượt dài trong cảnh ế ẩm vì thiếu việc làm mà nguyên nhân chính là cạnh tranh không lại được với các nhà thầu đến từ bên kia biên giới. 
Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Văn Tuấn – Tổng Giám đốc Tổng Công ty này không giấu giiếm tình hình khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua. Vốn chủ sở hữu thuộc diện “con nhà nghèo”, dù có cố gắng gói ghém thì nhà thầu này cũng khó lòng mà “chọi” lại được “làn sóng” nhà thầu Trung Quốc. 
Trúng “bẫy” đấu thầu giá rẻ
“Thời gian qua, chúng ta đã vô tình biến Luật Đấu thầu thành đấu giá. Thử hỏi trên thế giới này có nước nào có thể đấu giá lại được với các nhà thầu Trung Quốc? Đây cũng là nguyên nhân chính giải thích cho việc hầu hết các gói thầu của các dự án đầu tư mua sắm nước ta đều rơi vào tay các nhà thầu từ bên kia biên giới” – ông Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội  Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhận xét thẳng thắn.
Nhìn lại hàng chục công trình công nghiệp thực hiện thời gian qua, từ thủy điện đến nhiệt điện chạy than, nhiệt điện đốt khí, xi măng, các dự án chế biến oxýt nhôm từ bô xít, các dự án nhà máy hóa chất và lọc dầu…, quy mô đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD nhưng hầu hết đều do nước ngoài làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay), số doanh nghiệp nội được tin tưởng lựa chọn chỉ chiếm phần rất nhỏ. 
Riêng đối với các dự án do nhà thầu EPC của Trung Quốc thực hiện thì  gần như Việt Nam phải nhập khẩu 100%. Tất cả công việc đều do người Trung Quốc đảm nhận, từ những việc lao động phổ thông nhất như nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ... đến kỹ sư, công nhân xây dựng và lắp máy. Kể cả những vật tư, vật liệu có sẵn tại thị trường họ cũng nhập khẩu về từ bên kia biên giới. 
Con số thống kê do Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố trước đây xác thực, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. 
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu cơ khí, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu. Với xi măng, đối với các dự án do Trung Quốc làm tổng thầu (trong tổng số 24 dự án), tỷ lệ nội địa hóa cơ bản được xác định là 0%.
Không phải không có cách thắng cuộc
Đối với các gói thầu rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc thì ngoài mất mát về giá trị sản lượng, doanh thu và thị trường công ăn việc làm, một hệ lụy khác là Việt Nam có nguy cơ bị biến thành bãi rác công nghệ. 
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án công nghiệp có liên quan đến thị trường sản phẩm cơ khí giai đoạn 2013-2025 vào khoảng 289 tỷ USD. Với giá trị thiết bị thường chiếm từ 70 – 75%, tổng số ngoại tệ mà Việt Nam cần bỏ ra để nhập khẩu máy, thiết bị cho các dự án có thể lên đến 202 tỷ USD (= 289 tỷ x 70%).
“Đây thực sự là một con số rất lớn. Đương nhiên, chúng ta không có tham vọng sẽ thực hiện hết 100% hoặc kể cả 50%, mà với con số nội địa hóa khiêm tốn 30% thì từ nay đến 2025, chúng ta có thể thực hiện được hơn 70 tỷ USD” - ông Phạm Hùng phân tích.
Tuy nhiên, để “phần bánh” này không rơi hết vào tay nhà thầu nước ngoài, mà chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc, thì điều tiên quyết là “bẫy” chọn thầu giá rẻ phải được hóa giải hợp lý. Luật Đầu thầu sửa đổi vừa được ban hành kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới. Đương nhiên là mọi chuyện sẽ không hề dễ dàng. 
Mặc dù vậy, cũng theo vị này, không phải không có cách để cạnh tranh với Trung Quốc. Vấn đề là cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp phải chuyên tâm sáng tạo, đầu tư sâu cho chất lượng sản phẩm. Từ chính kinh nghiệm của ngành cơ khí cho thấy, nếu tìm được lối đi riêng, “lấy sở trường đánh sở đoản”, doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có thể thắng cuộc. 
Nhìn nhận thấu đáo thực trạng ngành cơ khí – công nghiệp nặng, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, năng lực thiết kế, chế tạo, đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đọc thêm