Bài học từ Đài Loan góp phần tạo “sóng du lịch nông nghiệp” tại Việt Nam

(PLO) - Việt Nam miệt vườn sum xuê, hoa trái thơm ngát nhưng Du lịch Nông nghiệp Việt vẫn thưa thớt. Dân thích nghỉ dưỡng, check in ở các nông trại Việt trù phú nhưng du lịch nông nghiệp vẫn hờ hững. Tại các nước khác, du lịch nông nghiệp  tăng 16 lần so với thu nhập từ cùng 1 diện tích đất nông nghiệp.

Thiếu tính liên kết

Du lịch được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tới năm 2020. Trong khi đó sự phong phú của văn hóa Nông nghiệp Việt Nam trải dài từ Bắc tới Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển Du lịch nhưng chưa được khai thác xứng tầm.

Những vườn nhãn lồng Hưng Yên, những nông trường Mộc Châu Sơn La, Làng rau Trà Quế Quảng Nam, vườn rau, trái cây Đà Lạt hay miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long… đang có xu hướng trở thành những điểm đến mới rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước nhưng thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. 

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển Du lịch nông nghiệp. Ảnh minh họa
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển Du lịch nông nghiệp. Ảnh minh họa

Việt Nam là đất nước nông nghiệp, 70% dân số làm nông nghiệp. Với truyền thống văn hóa lịch sử gắn với nền văn minh lúa nước. Do có thế mạnh là sự đa dạng về nông nghiệp nên việc khai thác các loại hình nông nghiệp tại các vùng nông thôn,miệt vườn, khu chăn nuôi đang mở ra một cơ hội lớn về du lịch, mang lại giá trị lớn về gia tăng kinh tế cho cả hai lĩnh vực: Nông nghiệp và du lịch.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ là hai vấn đề được đặt ra, có ý nghĩa trong việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp bởi từ trước tới nay, người nông dân vẫn chỉ quen làm nông thuần túy, không có kỹ năng làm du lịch. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khó khăn nhất.

Vụ trưởng Lữ hành- Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng: Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp; sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn và chưa được chú trọng về thương hiệu. Bà con nông dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du lịch.

Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều nơi thậm chí không có nhà vệ sinh. Thêm nữa, tính liên kết giữa điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, dẫn tới khả năng thu hút khách không cao.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ ý kiến, để phát triển mô hình Du lịch Nông nghiệp, về giải pháp chính sách, ngành du lịch và nông nghiệp đã phối hợp xây dựng, triển khai xây dựng mô hình Quốc gia phát triển Du lịch Nông nghiệp gắn với mô hình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chú trọng khai thác bản sắc văn hóa vùng miền, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Nếu chúng ta biết làm chính sách tốt, thúc đẩy người nông dân thì người nông dân sẽ làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch cho đất nước và đồng thời đó cũng chính là sản phẩm sạch của du lịch. Mặt khác, bản thân ngành Du lịch phải tiêu thu sản phẩm cho người nông dân. Như vậy sự liên kết giữa nông nghiệp và Du lịch hết sức quan trọng.

Du lịch nông nghiệp gia tăng doanh thu gấp 16 lần - sao Việt Nam lại “bỏ qua”?

Học tập các mô hình Du lịch Nông nghiệp ở Đài Loan đã phát triển hơn 30 năm nay, ông Ngô Quốc Khang- Giám đốc Công ty TNHH Wiseking đại diện tại Việt Nam của Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan (Taiwanfarm.org.tw) cho biết: Du lịch trải nghiệm nông nghiệp đang mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người nông dân. Ngành du lịch nông nghiệp đã phát triển mạnh hơn 30 năm nay ở Đài Loan. Những người nông dân đã có nhiều cách làm để thu hút khách du lịch.Nông nghiệp du lịch Đài Loan gia tăng trung bình 4 lần đến 16 lần thu nhập từ cùng 1 diện tích đất nông nghiệp so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Du lịch nông nghiệp ở Đài Loan. Ảnh minh họa
Du lịch nông nghiệp ở Đài Loan. Ảnh minh họa

Việt Nam hoàn toàn có thể học tập mô hình phát triển du lịch của Đài Loan.Ở Đài Loan, vùng trồng trái cây, họ đưa ra các khẩu hiêu như: Hãy đến Đài Loan để hái trái cây. Tại vùng đầu tiên của Đài Loan trồng dâu tây đã có thâm niên 50 năm, ông Phạm – Chủ nông trại, cho biết: Ông không trồng dâu Tây dưới đất như truyền thống mà trồng dâu ở trên kệ cao giúp cho khách tới thăm có thể chụp ảnh được. Ông dùng xơ dừa khô của Việt Nam. Ông còn sắm cả máy đo độ đường ở mỗi vườn dâu. Khách muốn mua dâu mà băn khoăn về độ đường thì có thể đo ngay độ đường. Dâu không chỉ để ăn tươi mà còn được chế biến thành các dạng thực phẩm phong phú, hấp dẫn khác: Nước dâu mát lạnh, dâu ăn với kem, dâu nướng gà… để mời khách du lịch tới.Trong khi đó, ở Việt Nam có rất nhiều nông trại xoài ở miền tây, cam, táo… nho, dâu tây ở Đà Lạt… hoàn toàn có thể áp dụng mô hình hiệu quả này. 

Ngoài ra, 40 năm trước, Đài Loan đã phát triển nhiều nông trại bò sữa quy mô lớn. Sữa làm ra nhiều mà lượng tiêu thụ ít, nhiều người phải bán trang trại. Trước nguy cơ phá sản, ông Thi Thượng Tân- Chủ trang trại Bò bay tại Đại Loan cho biết đã chuyển từ tư duy đơn thuần là nuôi bò vắt sữa sang làm du lịch nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan nông trại, trải nghiệm các hoạt động với vật nuôi và thưởng thức các đồ ăn ngon được gia công từ sữa. Ông Thi chọn triết lý gia đình cho nông trại của mình, tạo ra một địa điểm để: những đứa trẻ đến vui chơi, người trẻ tuổi đến để hẹn hò, chụp ảnh, còn người già đến để thư giãn, nghỉ ngơi.  

Một mô hình nông trại du lịch nổi tiếng khác của Đài Loan mà các nông trại Việt Nam có thể áp dụng đó là nông trại Long Vân. Xuất phát điểm từ một người nông dân nghèo sống dựa vào những sản vật của núi rừng cách đây 20 năm, ông Minh Nhật Diệp đã chuyển hướng làm nông nghiệp du lịch và tạo ra một trang trại nghỉ dưỡng tuyệt đẹp trên đỉnh núi.

Trang trại Long Vân, đúng như tên gọi của nó, mang đến cho du khách cảm giác sống trong những ngôi nhà trong mơ, được bao phủ bởi những đám mây bồng bềnh. Khách đến thăm và nghỉ ngơi có thể ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp, tắm mình trong nguyên khí của núi rừng, thưởng thức bữa ăn từ những sản phẩm được nuôi trồng trực tiếp ở trang trại. Khách còn được trải nghiệm các hoạt động đa dạng như làm bánh, hái trà, làm nghề nông… 

Ngày 12/9 này, sẽ diễn ra buổi chia sẻ “Kì tích xanh – chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp du lịch Đài Loan - Việt Nam”. Buổi chia sẻ sẽ có sự có mặt của các đơn vị chỉ đạo phát triển nông nghiệp, du lịch, các trang trại và các đại diện từ Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan

Đọc thêm