Bài toán để phát triển công nghiệp hỗ trợ

(PLO) - Những năm gần đây ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông nhắc nhiều đến thuật ngữ “công nghiệp hỗ trợ” (CNHT). Đây là thuật ngữ khá mới mẻ với nhiều người. Trên thực tế, CNHT có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chính, đặc biệt là công nghiệp lắp ráp như ô tô, xe máy, điện tử... CNHT được ví như chân núi, còn các ngành công nghiệp chính là thân núi và đỉnh núi, thân núi có vững chắc mới giúp thân núi và đỉnh núi “bền vững”. 
Chủ tịch Công ty Phan Thị Minh kiểm tra dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí xuất khẩu.
Chủ tịch Công ty Phan Thị Minh kiểm tra dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí xuất khẩu.

Thực trạng chung

Có thể nói rằng ngành CNHT Việt Nam còn rất yếu kém. Theo ước tính của Bộ Công nghiệp, ngành CNHT hiện lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thực trạng này là do các DN Việt Nam không muốn đầu tư nhà xưởng vì lâu thu hồi vốn, họ chỉ thích nhập về bán lại thu lợi nhuận.

Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiếp cận khá thuận lợi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các DN Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội lớn là trong khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh thì khả năng hấp thụ, tiếp thu chuyển giao công nghệ từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài lại hạn chế. Lý do chính là Việt Nam thiếu vắng hẳn một nền CNHT. Có quá ít DN Việt Nam làm CNHT, nếu có thì chủ yếu tham gia khâu đóng gói, bao bì. 

Hiện tại, phần lớn các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các công ty nước ngoài chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các nhà DN trong và ngoài nước khá lớn. Doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng kém.

Các DN quốc doanh trong ngành CNHT vẫn duy trì phong cách làm ăn tự cung, tự cấp. Thực tế, Việt Nam có rất ít thông tin liên kết thầu phụ công nghiệp. Vì vậy, không tìm kiếm được những thông tin về khả năng giao thầu của DN lớn, nhất là DN nước ngoài và ngược lại, các DN nước ngoài cũng ít thông tin về DN Việt Nam. Thêm nữa, các DN nước ngoài thực sự ngần ngại khi phải ký kết hợp đồng thương mại với các nhà thầu phụ Việt Nam do môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi. Vấn đề chính là nỗi lo sợ khi bị phá vỡ hợp đồng. Các nhà cung ứng Việt Nam thiếu hiểu biết về các khía cạnh pháp lý của hợp đồng. Bên cạnh đó, việc liên kết DN có ý nghĩa về mặt nâng cao khả năng cạnh tranh trong nội bộ ngành, sử dụng lợi thế cạnh tranh của khu vực, khai thác chuỗi giá trị để tạo nên sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Ở nhiều nước, việc liên kết này có thể hình thành thông qua việc phát triển các cụm công nghiệp. 

Trên thực tế, ở Việt Nam các cụm công nghiệp được hình thành thiếu quy hoạch tổng thể, chủ yếu để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất hơn là việc tạo nên chuỗi giá trị/logistics thông qua việc liên kết DN, kể cả sử dụng các dịch vụ tài chính và phi tài chính để khai thác lợi thế cạnh tranh.

Nhìn từ Nhật Minh

Cty TNHH Nhật Minh chính thức hoạt động từ ngày 28/06/2004 khởi điểm là kinh doanh thương mại các sản phẩm nhựa phục vụ công nghiệp, sau đó từng bước thuê nhà xưởng sản xuất các loại khay, hộp nhựa…

Chủ tịch Cty Nhật Minh, bà Phan Thị Minh chia sẻ: “Khi mới thành lập Cty chỉ có 2 người, “cái duyên” đến cũng rất bất ngờ khi có một đối tác Hàn Quốc gợi ý họ có nhu cầu về một loại hộp nhựa để đựng sản phẩm cơ khí. Thế là bươn bả vào TP HCM tìm nơi có thể giúp mình sản xuất. Sau đó, một đối tác Malaysia gợi ý làm đối tác cho Hãng Canon, Nhật Bản...”. Nhật Minh dần dần vào guồng của chuỗi giá trị.

Tháng 10/2007, Nhật Minh phát triển thêm ngành kinh doanh dụng cụ gia công cơ khí chính xác. Để đáp ứng tổng thể các giải pháp gia công cơ khí, Nhật Minh lần lượt ký hợp đồng làm đại diện phân phối cho nhiều hãng dụng cụ cắt gọt, mài, đánh bóng nổi tiếng trên thế giới như Mitsubishi, Norton,Okazaki, Magafor, FSK, Fujiseiko…

Tháng 11/2007, Nhật Minh khởi động xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Hà Bình Phương – Thường Tín – Hà Nội đến tháng 05/2008 đi vào sản xuất. Ngoài các sản phẩm truyền thống là các loại khay, hộp nhựa danpla… Nhật Minh đã đầu tư và đưa vào hoạt động dây chuyền thiết kế gia công khuôn mẫu và sản xuất chi tiết nhựa có độ chính xác cao cho công nghiệp điện tử và ô tô xe máy… Tháng 10/2009, Nhật Minh mở văn phòng đại diện tại TP HCM. Tháng 10/2013, Nhật Minh lần lượt ký hợp đồng làm đại diện chính thức của nhiều tập đoàn máy móc gia công cơ khí, đo lường, máy ép nhựa chính xác nổi tiếng toàn cầu như Hexagon, DMG – Moriseiki, Takamaz, Toyo…

Không bằng lòng với những gì đã có, Nhật Minh không ngừng đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, đổi mới môi trường làm việc kích thích tính sáng tạo, hiệu quả và áp dụng phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 2014 – 9001, nhằm mục đích xây dựng Nhật Minh trở thành thương hiệu uy tín, tin cậy, là sự lựa chọn đầu tiên của khách hàng và đối tác tại Việt Nam cũng như khách hàng và đối tác trên khắp thế giới. Cho đến hiện nay Nhật Minh đã sản phẩm cho 10 nhà sản xuất lớn trên thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của CNHT đạt 17,08% một năm. Tính riêng năm 2015, số DN tham gia vào ngành này đã vượt hơn 400 với giá trị sản xuất lên tới trên 40.000 tỷ đồng, tuy nhiên hầu hết là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ tương đối thấp. Những DN đủ năng lực và tự tin như Công ty TNHH Nhật Minh là rất hiếm.

Bài học từ Cty TNHH Nhật Minh cho thấy, DN Việt Nam phải xem xét và nắm được xu thế của thế giới, cả về công nghệ, trình độ quản lí, đảm bảo một mô hình quản lí hiện đại, các sản phẩm sản xuất ra tái chế được, đảm bảo nhãn hiệu xanh, đáp ứng an sinh xã hội trong quá trình sản xuất... Có như vậy mới tham gia tích cực, hiệu quả vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Không chú ý đến điều này, DN Việt chỉ có thể đứng ngoài nhìn.

Đọc thêm