​Bàn cách tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu

(PLVN) - Là nước xuất khẩu gạo xếp thứ ba thế giới nhưng giá trị hạt gạo Việt Nam thường kém hơn so với nhiều nước. Nếu phát huy được hết những tiềm năng sẵn có và tận dụng được những thành tựu công nghệ hiện đại, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ có bước tiến mới để nâng tầm hạt gạo trên trường quốc tế. 
Cơ giới hóa trong sản xuất lúa giúp nông dân ĐBSCL giảm công lao động và chi phí sản xuất
Cơ giới hóa trong sản xuất lúa giúp nông dân ĐBSCL giảm công lao động và chi phí sản xuất

Những vấn đề này được bàn luận tại Hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam 2019, diễn ra tại TP Cần Thơ mới đây.

Tăng về “lượng”…

Trong những năm qua, mặc dù diện tích lúa cả nước có xu hướng giảm nhưng năng suất liên tục tăng (từ 53,4 tạ/ha năm 2010 lên 58,1 tạ/ha năm 2018), sản lượng gạo hàng hóa tăng từ 26,4 triệu tấn năm 2010 lên 29 triệu tấn năm 2018. Diện tích lúa hiện chiếm 82% diện tích đất canh tác cả nước, trong đó khoảng 52% ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 18% ở Đồng bằng sông Hồng. Xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,15 triệu tấn, với giá trị 3,15 tỷ USD. Năng suất cao hơn bình quân châu Á khoảng 17% và đứng đầu Đông Nam Á. 

Ngành sản xuất lúa gạo tiếp tục tận dụng những thành tựu của khoa học – công nghệ và vật tư đầu vào trong khâu sản xuất. Công tác nghiên cứu, chọn, tạo giống lúa đạt nhiều thành tựu nổi bật. Có thể kể đến như phương pháp nuôi cấy mô, xử lý đột biến để tạo các dòng đột biến có lợi; phương pháp đơn bội giúp giảm thời gian chọn tạo và tăng hiệu quả tạo dòng lúa thuần; phương pháp dung hợp tế bào trần đưa các đặc tính quan trọng từ các giống lúa hoang dã vào giống lúa trồng. Việt Nam cũng đã ứng dụng thành công chỉ thị phân tử để tạo các giống lúa chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi hay tăng mùi thơm, tăng số hạt trên bông…

Bên cạnh đó, cơ giới hóa nông nghiệp cũng giúp giảm công lao động, bảo đảm sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu tốt; đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành nhiều mô hình liên kết DN với nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn. Việc ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, sơ chế, chế biến gạo gần đây có nhiều tiến bộ so với các nước trong khu vực, một số công ty đã xuất khẩu thiết bị xay xát gạo cho các nước Đông Nam Á, châu Phi…

Về cơ chế chính sách, với sự cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xuất khẩu gạo tạo cho DN sự hứng khởi khi tham gia thị trường xuất khẩu gạo. 

Bên cạnh thị trường truyền thống, xuất khẩu gạo sang EU dự báo sẽ tăng do tác động của Hiệp định EVFTA. Đồng thời, Việt Nam có thuận lợi lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo bởi các công ty xuất khẩu công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đều tham gia TPP.

…nhưng “chất” còn kém

Bên cạnh những thành quả, tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo vẫn là hạn chế của ngành nông nghiệp. 

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, với diện tích 1,7 triệu ha đất lúa, hàng năm ĐBSCL, vựa lúa chủ lực của cả nước gieo trồng khoảng 4,2 triệu ha lúa, trong đó nhóm lúa thơm đặc sản chỉ 17,5%. Đó cũng là một lý do khiến giá trị gạo xuất khẩu thấp. Ông Thạch đề nghị các DN xuất khẩu cần sự hợp tác và đầu tư nhiều hơn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp và truy xuất nguồn gốc để nâng giá trị hạt gạo. Ông Thạch chia sẻ: “Cũng cần quan tâm hơn nữa đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, dù thị phần không lớn nhưng có giá trị kinh tế rất cao”.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Hiện sản xuất lúa gạo trong nước chủ yếu vẫn dựa vào quy mô nông hộ, nhỏ lẻ; hình thức liên kết còn chậm phát triển; hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Tuy lượng gạo xuất khẩu chiếm 15% thị trường thế giới nhưng chuỗi giá trị lúa gạo chỉ mới dừng lại ở hạt gạo mà chưa có sản phẩm sau lúa gạo, như chế biến sâu hạt gạo, cám, trấu, rơm rạ…”. Ông Sơn đề xuất một số giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hạt gạo. 

Các chuyên gia cũng cho rằng cần đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa các khâu canh tác và sau thu hoạch, đặc biệt các khâu còn yếu như bón phân, phun thuốc, làm khô, bảo quản và chế biến lúa gạo.

Đọc thêm