Bàn cách tăng giá trị xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc

(PLVN) - Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) tiềm năng thứ hai của Việt Nam  nhưng kim ngạch XK 8 tháng đầu năm tăng trưởng dưới 1%. Bàn về các giải pháp để tăng trưởng XK sang Trung Quốc là chủ đề lớn trong Hội nghị phát triển nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc được Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 13/9.
Hàng hóa nông sản phải đáp ứng thêm nhiều quy định mới xuất được sang Trung Quốc
Hàng hóa nông sản phải đáp ứng thêm nhiều quy định mới xuất được sang Trung Quốc

Định vị lại mối quan hệ giao thương

Số liệu được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cung cấp cho thấy, hết năm 2018, Việt Nam là nước ASEAN XK lớn nhất sang Trung Quốc, là thị trường đứng thứ 11 trong các nước Trung Quốc nhập khẩu (NK) hàng hóa. Theo Bộ trưởng Công Thương, các mặt hàng nông sản của Việt Nam còn nhiều dư địa xuất sang Trung Quốc do mối quan hệ hiện thời chủ yếu là thương mại qua biên giới mà thiếu cách vào sâu nội địa thị trường đông dân nhất thế giới. 

“Tăng giá trị XK chính ngạch sang Trung Quốc không thể chậm trễ hơn nữa vì các quốc gia hiện đều thiết lập hàng rào liên quan đến an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Các mặt hàng có sản lượng lớn như gạo, thủy sản, các ngành công nghiệp chế biến như dệt may, da giày đều còn có khả năng giao thương chính ngạch rất lớn. Do đó, cần phải định vị lại cụ thể mối quan hệ giao thương với Trung Quốc để có những giải pháp cụ thể và tạo ra thị trường ổn định cho ngành hàng nông nghiệp” – ông Trần Tuấn Anh đánh giá.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định Trung Quốc là thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản nước ta với thu nhập bình quân 11.000 USD/người. Đồng thời, các nhóm nông sản của Việt Nam đều được người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích. Kể từ sau khi Trung Quốc thiết lập hàng rào chất lượng nông sản, sản lượng rau quả chính ngạch XK sang thị trường này tăng 30%, có những nhóm hàng tăng gần gấp đôi nên theo Bộ trưởng Cường, nếu làm tốt thì việc tăng giá trị XK chính ngạch không gặp nhiều khó khăn. Các việc cần phải làm bao gồm tổ chức sản xuất chuỗi, thực hiện dán tem sản phẩm và đầu tư vào mẫu mã, bao bì. 

Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay nhiều dòng thuế xuất sang Trung Quốc đã về 0% nhưng với các mặt hàng nông sản, thuế không phải là vấn đề quan trọng nhất vì còn nhiều vấn đề khác như tăng cường các khâu kiểm nghiệm, kiểm dịch an toàn thực phẩm, siết chặt hoạt động qua biên giới, tăng cường XK chính ngạch… Hiện Việt Nam có nhiều sản phẩm lợi thế chưa được chấp nhận XK chính thức cũng là một bất lợi…

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi, Trung Quốc đã ban hành bộ khung pháp lý để quản lý XNK nông, thủy sản; tăng cường siết chặt các quy định pháp luật như đăng ký DN, chỉ cho phép NK qua các cửa khẩu đã được chỉ định; thị trường ngày càng khó tính, bao bì mẫu mã đẹp do tầng lớp trung lưu tăng (năm 2000, chỉ 4% dân số thành thị được coi là trung lưu nhưng hiện giờ số lượng tầng lớp này đã tăng lên đến hơn 60%). 

Bên cạnh đó, DN Việt cần thay đổi nhận thức là thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa. Dẫn chứng việc các mặt hàng nhãn, vải của Bắc Giang; nhãn của Hưng Yên, Lạng Sơn vẫn giữ được giá dù được mùa, bà Oanh khẳng định, chính là do các tỉnh này đã thay đổi nhận thức về thị trường Trung Quốc. 

Do đó, theo bà Oanh, nền nông nghiệp nước ta cần tái định vị lại để sản xuất phù hợp với yêu cầu chất lượng hàng hóa; giảm phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, không nên suy nghĩ biên giới Trung Quốc là chợ tạm, cứ đến mùa lại mang hàng lên, bán không được thì bán rẻ để có thể đẩy hàng đi. 

Bà Oanh cũng cho rằng, nhiều DN vẫn nghĩ thương mại giữa 2 nước là thương mại biên giới nên chưa chú tâm đến các tỉnh thành nội địa của thị trường tỷ dân này. Trong khi đó, đất nước này còn 31 tỉnh, thành khác, thậm chí, Quảng Tây - một tỉnh không phải thị trường biên giới nhưng tiêu thụ hàng hóa Việt Nam khá lớn. Chính việc bị phụ thuộc vào hình thức tiểu ngạch một thòi gian dài nên việc thay đổi nhận thức XK sang Trung Quốc đang khó khăn.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để gia tăng hơn nữa các sản phẩm Việt Nam XK chính ngạch vào Trung Quốc phải thực hiện một số điều kiện rất cơ bản như tổ chức lại quy mô sản xuất ngành nông nghiệp; Đảm bảo những yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ sản phẩm; Sản phẩm đòi hỏi đáp ứng liên quan đến các hàng rào kỹ thuật của nhiều nước bởi hiện nay Trung Quốc rõ ràng đã không còn là thị trường dễ tính nữa. 

Đọc thêm