Bàn giao các DN vốn nhà nước về SCIC: Nỗi lo vỡ kế hoạch

(PLO) - Ngày 31/8 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chính thức bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 2 DN về Tổng công ty (TCty) Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Như vậy, so với kế hoạch bàn giao vốn 45 DN trong năm 2018, SCIC mới nhận bàn giao được 6 DN.
Bộ NN&PTNT và SCIC ký thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 2 DN
Bộ NN&PTNT và SCIC ký thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 2 DN

Bắt đầu “nhúc nhích”

Hai DN mới được chuyển giao làTCty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex) và CTCP Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi với tổng giá trị vốn chuyển giao theo mệnh giá gần 800 tỷ đồng (Seaprodex là 792 ,28 tỷ đồng chiểm 63,38% vốn điều lệ; CTCP Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi là 2,88 tỷ đồng chiếm 36% vốn điều lệ) 

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Công văn 1630/VPCP-ĐMDN ngày 13/2/2018 và Công văn 7836/VPCP-ĐMDN ngày 17/8/2018, SCIC và Bộ NN&PTNT đã phối hợp rà soát các DN thuộc đối tượng chuyển giao. Bộ NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo các DN lập hồ sơ chuyển giao để SCIC thẩm định. “Trong quá trình trao đổi, làm việc và báo cáo các Bộ ngành liên quan từ tháng 4/2018 đến nay, SCIC đã hướng dẫn DN lập và hoàn thiện hồ sơ chuyển giao theo quy định tại Thông tư 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 về hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC…”, đại diện SCIC cho hay.

Trước đó, báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết, Bộ đã chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, SCIC tới làm việc với 06 Bộ, địa phương (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ VH TT &DL và UBND TP Hải Phòng) để chốt việc chuyển giao. Theo kế hoạch, Bộ NN&PTNT lẽ ra phải hoàn thành chuyển giao trong tháng 5 nhưng trong số DN phải bàn giao vốn nhà nước về SCIC, có DN vẫn bị vướng nên Bộ giữ lại với lý do “chờ xong hết mới bàn giao cả gói”.

Tại buổi lễ bàn giao hôm 31/8, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý tồn tại, hoàn thiện hồ sơ tại 2 DN còn lại do Bộ quản lý là Cty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long và Cty TNHH MTV XNK Nông sản Thực phẩm Hà Nội để chuyển giao vốn nhà nước về SCIC theo quy định. 

Vỡ kế hoạch?

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc các Bộ/UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 DN,  6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các DN thuộc diện chuyển giao). Báo cáo của SCIC cho biết, luỹ kế từ khi ban hành Quyết định 1232 /QĐ-TTg đến 31/8/2018, SCIC đã tiếp nhận 27 DN (năm 2017 tiếp nhận 21 DN, năm 2018 tiếp nhận 6 DN – tính cả 2 DN thuộc Bộ NN&PTNT vừa chuyển giao). Như vậy, số DN còn phải chuyển giao về SCIC theo QĐ 1232 là 35 DN. Với kế hoạch tiếp nhận 45 DN trong năm 2018, tính trung bình, để hoàn thành kế hoạch năm 2018 thì mỗi tháng còn lại của năm SCIC sẽ nhận bàn giao  gần 10 DN- nhiệm vụ bất khả thi đối với “siêu” tổng công ty này.

Cũng theo SCIC, các DN chưa chuyển giao thuộc 4 Bộ (Bộ Công thương, Bộ VH TT & DL, Bộ Xây dựng,  Bộ GTVT) và 8 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh)

“Chúng tôi rất tích cực nhưng SCIC cũng chỉ là một DN nên chúng tôi chỉ có thể nỗ lực tới làm việc, thúc đẩy các thủ tục, chứ không thể buộc các bộ ngành phải thực hiện nhiệm vụ bàn giao được…”, Chủ tịch HĐTV SCIC, ông Nguyễn Đức Chi, chia sẻ.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Chi cho rằng, bên cạnh những trục trặc kỹ thuật như một số trường hợp DN đã xong hồ sơ để chuyển giao nhưng còn tồn đọng vấn đề tài chính không phù hợp với các quy định của Thông tư 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC mà SCIC đang kiến nghị sửa đổi Thông tư 118/2014.TT-BTC, hay có trường hợp “vốn chủ sở hữu đã âm rồi thì không biết phải chuyển giao cái gì”, thì nguyên nhân cơ bản vẫn là Bộ muốn giữ, địa phương chưa muốn bàn giao.

Liệu sau động thái bàn giao 2 DN về SCIC của Bộ NN&PTNT, có Bộ, địa phương nào hưởng ứng?

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp nhận vốn nhà nước tại DN, ngày 30/8/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 83/2018/TT-BTC  hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư quy định tại Luật đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật đầu tư,. trong đó có điểm quy định mới như sau:

- Bổ sung quy định cụ thể thời hạn chuyển giao vốn nhà nước tại từng loại hình DN, trong đó DN 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa thực hiện chuyển giao vốn nhà nước về SCIC trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ, UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc công bố giá trị vốn nhà nước lần 2.

- Trường hợp tại thời điểm chuyển giao, chưa có quyết định công bố giá trị vốn nhà nước lần 2 thì chuyển giao giá trị vốn nhà nước theo giá trị được phê duyệt tại Phương án cổ phần hóa hoặc quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của DN cổ phần hóa.

- Sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, các Bộ, UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với SCIC, DN thực hiện xử lý các tồn tại về tài chính của DN; quyết toán và công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước lần 2 và điều chỉnh giá trị phần vốn nhà nước đã chuyển giao (nếu có).

Đọc thêm