Bán “hớ” 800 ngàn tấn gạo cho Philippines: Thua trận, lỗi từ người chỉ huy!

(PLO) - Dù “một mình một chợ” nhưng hai tổng công ty lương thực của Việt Nam vẫn bị cho là đã bán “hớ” 800 ngàn tấn gạo trong thương vụ đấu thầu tại Philippines. Không những thế, vừa qua còn xuất hiện cáo buộc hai tổng công ty này “đi đêm” với quan chức Philippines. Người trong cuộc nói gì?
Hai tổng công ty lương thực đang “còng lưng” thực hiện hợp đồng. Ảnh chỉ có tính minh họa
Hai tổng công ty lương thực đang “còng lưng” thực hiện hợp đồng. Ảnh chỉ có tính minh họa
Như Pháp luật Việt Nam thông tin, trong vụ đấu thầu 800.000 tấn gạo 15% tấm của Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA), Việt Nam trúng thầu cung cấp toàn bộ với giá từ 436 - 441,25 USD/tấn, thấp hơn so với các nhà thầu khác từ 28,06 USD đến 32,81 USD/tấn. Hai đơn vị đại diện cho Việt Nam trúng thầu là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) . 
Trong khi dư luận trong nước đang “nóng” với câu hỏi tại sao hai tổng công ty lương thực nhà nước “hớ” đậm” đến khó hiểu trong thương vụ này thì thông tin từ Philippines lại “bồi” thêm cáo buộc về việc Bộ trưởng Nông nghiệp nước này “đi đêm” với các nhà thầu Việt Nam với số tiền lên đến 24 triệu USD(?). 
Vinafood 1: “Chúng tôi không làm bậy”
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, phía Vinafood 1 phủ nhận hoàn toàn thông tin “nhạy cảm” này. Bà Cao Thị Hạnh, Chánh Văn phòng Vinafood 1 nói: “Đây là lần đầu chúng tôi tham gia đấu thầu vào thị trường này. Hình thức đấu thầu của NFA (National Food Authority) là đấu thầu quốc tế rộng rãi, mọi nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới đều tham gia thầu theo các nguyên tắc đã được công bố công khai trong hồ sơ thầu, trong đó đơn vị nào bỏ giá thấp và đáp ứng điều kiện thầu thì trúng thầu. Vinafood 1 đang thực hiện hợp đồng theo giá trúng thầu đã được công bố với các điều khoản của hồ sơ thầu, hoàn toàn không có chuyện hối lộ hay đi đêm với bên nhập khẩu”.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2 cũng phủ nhận cáo buộc “đi đêm” với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines trong việc trúng thầu 800.000 tấn gạo vào ngày 15/4/2014, bởi đây là hợp đồng quốc tế đấu thầu công khai rộng rãi, giá các nhà tham gia đấu thầu đều công bố minh bạch, ai thấp nhất thì trúng. Ông Năng “lưu ý” báo giới: “Đây có thể là vấn đề nội bộ của Philippines, thì để nội bộ Philippines giải quyết và chúng ta không nên tham gia vào”.
Ai chịu trách nhiệm vụ đấu thầu “hớ”? 
Phân tích với Pháp luật Việt Nam về những diễn biến vừa qua trong thương vụ bán gạo gây tai tiếng, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia lúa gạo, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) nói: “Những thông tin kiểu này cũng đã xuất hiện nhiều rồi, nhưng sau đó thường là “chìm xuồng” luôn. Nhưng không biết lần này nó thế nào?”.
Nhìn lại quá trình thực hiện hợp đồng bán 800.000 tấn gạo cho Philippines, nhiều chuyên gia đều chung nhận định: Mức giá mà Việt Nam bán cho nước bạn là quá rẻ, và sự thực thì nhiều doanh nghiệp được giao chỉ tiêu cung cấp đã trả lại hợp đồng - điều chưa từng có trong tiền lệ hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ngoài Việt Nam tham gia dự thầu, mau mắn cung cấp đủ 800.000 tấn, các đối thủ còn lại chấp nhận “khiêm tốn” hơn nhiều, chỉ cung cấp 300.000 tấn. 
Thái Lan - đối thủ “nặng ký” nhất của Việt Nam cũng chỉ dự thầu cung cấp 100.000 tấn với giá 474,22USD/tấn. Qua đó có thể thấy, Thái Lan cũng không mặn mà với cuộc đấu thầu này và việc tuyên bố xả hàng bằng bất cứ giá nào mà họ loan báo trước đó dường như chỉ là “hư chiêu”.  Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chào giá thấp như vậy là vì chúng ta đã nhận định sai về tình hình thị trường lúa gạo, giá bán của các đối thủ, đặc biệt là của đối thủ “nặng ký” Thái Lan.
Theo quy định của Chính phủ, Vinafood 1, Vinafood 2 là hai doanh nghiệp đại diện cho quốc gia được chỉ định đi tham gia đấu thầu. Chuyên gia Bích đặt vấn đề, mục đích của chúng ta là bán gạo, bán để giải quyết đầu ra cho lúa gạo của người dân là chuyện tốt, nhưng giá thầu là do người đi dự thầu quyết định hay là do ai khác quyết định?
“Theo tôi thì người đi dự thầu không quyết định giá mà giá đó đã được nhiều cơ quan liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là Bộ Công Thương, bàn thảo trong nước trước khi đưa đi đấu thầu. Người đi tham gia đấu thầu như là người lính đi ra trận, nhận lệnh từ chỉ huy, từ cấp trên để thực hiện. Thật vô lý nếu trong thương vụ này chỉ  quy trách nhiệm cho mấy ông đi dự thầu” - ông Bích nói. 
Vinafood 1 và Vinafood 2 đang phải “còng lưng” thực hiện hợp đồng vì vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp ủy thác trả lại hợp đồng do giá trúng thầu quá thấp so với giá gạo thị trường sau thời điểm trúng thầu.

Đọc thêm