Băn khoăn một số sửa đổi hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh

(PLO) - Các chuyên gia pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bày tỏ những băn khoăn xung quanh các quy định được đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có nên quy định “Kiểm soát hoặc chi phối một ngành nghề”?

Điều 28 Dự thảo hướng dẫn khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh tranh liên quan tới khái niệm “kiểm soát, chi phối DN, một ngành nghề của DN”.

Trong văn bản góp ý gửi tới Bộ Công Thương tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, quy định này có một số vấn đề cần xem xét. Thứ nhất, về tính thống nhất, Điều 29 (trong đó có khoản 4 Điều 29) Luật Cạnh tranh không có quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết, do đó, về lý thuyết Nghị định không thể hướng dẫn điều khoản này.

Về tính cần thiết, VCCI chỉ ra rằng, Luật DN và pháp luật về DN đã có quy định liên quan tới cổ phần, vốn góp chi phối và các trường hợp chủ thể có quyền chi phối khác với DN, trong đó có cả các trường hợp phải được cân nhắc theo bối cảnh cụ thể. Phạm vi của pháp luật cạnh tranh là điều chỉnh về hệ quả của các trường hợp này mà không phải là quy định riêng từ đầu, do đó cần thống nhất sử dụng chung các chế định liên quan của pháp luật DN. Đây cũng là cách tiếp cận chung cho các trường hợp khác (sáp nhập, hợp nhất, mua lại…). Do đó, Nghị định không cần thiết hướng dẫn về vấn đề này.

Trong khi đó, xét về tính minh bạch, hợp lý thì ngay cả khi việc hướng dẫn về vấn đề này là phù hợp với Luật Cạnh tranh và cần thiết thì các quy định hiện tại cũng chưa hợp lý. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 Điều 28, thì tại sao tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ của DN bị mua lại được xem là kiểm soát hoặc chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của DN bị mua lại? “Tỷ lệ này xuất phát từ căn cứ nào? Có mối liên hệ nào với các tỷ lệ biểu quyết/quyết định các vấn đề quan trọng của DN theo Luật DN?” – VCCI đặt câu hỏi.

Hơn nữa, tại sao việc xác định lại dựa vào một thỏa thuận trước khi diễn ra việc mua lại DN mà không phải là chính thỏa thuận/giao dịch mua lại DN hoặc các trường hợp/giao dịch khác như quy định tại khoản 2 Điều 28? 

Do vậy, VCCI cho rằng, cả hai khoản đều không thích hợp cho trường hợp “chi phối một ngành nghề” của DN và cần cân nhắc bỏ Điều 28 Dự thảo.

Quy định chi tiết chưa đủ rõ ràng, cụ thể

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, một số quy định tại Dự thảo hướng dẫn chi tiết các yếu tố để đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, xác định sức mạnh thị trường liên quan, tuy nhiên, khi hướng dẫn chi tiết các yếu tố này, quy định lại chưa xác định đủ rõ ràng các đối tượng chịu tác động của các hành vi hạn chế cạnh tranh.

Ví dụ, về hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ (Điều 14), Dự thảo không quy định rõ đối tượng chịu tác động của việc hạn chế này là những đối tượng nào: là các DN có thỏa thuận hay là các DN khác trong cùng thị trường liên quan? Các Điều 20, 23 cũng không rõ về xác định sức mạnh thị trường đáng kể trong mối tương quan với DN nào?

Tương tự, khoản 3 Điều 29 Dự thảo quy định “các ngưỡng thông báo tập trung kinh tế… sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”, nhưng không rõ cơ quan nào có thẩm quyền điều chỉnh và hình thức của điều chỉnh và các trường hợp sẽ điều chỉnh là như thế nào. Trên thực tế, khoản 3 Điều 33 Luật Cạnh tranh đã quy định tương tự “Chính phủ quy định chi tiết Điều này phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ”.

Đọc thêm