“Bán tống bán tháo” bò sữa vì doanh nghiệp ép giá?

(PLO) - Khoảng một năm trở lại đây, nhiều nông dân huyện Ba Vì (Hà Nội) rao bán hàng loạt bò sữa. Trước đó, các hộ chăn nuôi bò sữa ở đây đã ký hợp đồng tiêu thụ sữa với Công ty Cổ phần (CTCP) sữa quốc tế (IDP) (đóng trên địa bàn Hà Nội, nhưng rồi họ chỉ bán được với giá chỉ từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Cảm thấy bất công, nông dân rao bán dần “đầu cơ nghiệp”.
Nông dân nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì
Nông dân nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì

Doanh nghiệp ép giá?

Tại xã Vân Hòa (Ba Vì), một trong những địa bàn nuôi nhiều bò sữa nhất, một số nông dân xôn xao bàn tán chuyện sữa bò vắt ra nhưng bị nhà máy ép giá thu mua. Chị Bùi Thị Phú, thôn Bặn, xã Vân Hòa cho biết: “Nhà tôi nuôi 7 con bò sữa đã nhiều năm nay và đã ký hợp đồng với IDP, mỗi ngày cung cấp cho trạm thu mua của công ty này 150kg sữa bò. Nuôi bò sữa rất vất vả, từ chăm sóc bò đến vắt sữa, thức khuya dậy sớm, vậy mà giá thu mua của công ty lại thấp hơn cả chính giá sàn đã từng cam kết”.

Cụ thể, mặc dù giá sàn mà công ty này đưa ra là 10.200 đồng/kg sữa, nhưng khoảng hơn 1 năm nay, chị và nhiều nông dân khác chỉ bán được giá 8.000- 9.500 đồng/kg. Công ty có nhiều lý do để biện minh cho việc  thu mua giá sữa thấp, như chất lượng sữa không đảm bảo, có chứa vi sinh… Chị Phú than thở: “Công ty nói vậy thì biết vậy, chứ tôi cũng chẳng biết vi sinh là cái gì, kết quả kiểm tra ở đâu?”. 

Theo mô tả của nhiều chủ hộ nuôi bò sữa tại Vân Hòa, mỗi ngày các chủ trại có 2 lần vắt và đem sữa ra các trạm thu mua để trạm lấy mẫu đem đi phân tích, nhưng 2 - 3 ngày sau thì mới “trả lời kết quả” rằng sữa không đạt... Mỗi lần như vậy thì 15 ngày kế tiếp sữa sẽ bị tính giá thấp. Họ đưa ra lý do thì nông dân cũng đành chịu vì không biết khiếu nại thế nào, gửi ai? Khiếu nại với các trạm cân thì họ sợ cũng chẳng đến được tận nhà máy.

Giá bị ép thái quá khiến bà con thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Bặn, cùng xã Vân Hòa còn cho biết có thời điểm nửa đầu tháng 9/2016, giá sữa thu mua mà IDP trả cho bà con chỉ có 6.654 đồng/kg. Quá chán nản vì việc giá thu gom sữa liên tục giảm, ông Bình đã bán toàn bộ đàn bò sữa gồm 4 con bò cao sản với tổng số tiền là 130 triệu đồng (trong khi giá đầu tư 1 con bò sữa là 60-70 triệu đồng), chấp nhận thua lỗ nặng còn hơn phải ngậm ngùi bán giá sữa rẻ, thua lỗ mỏi mòn. Tất cả đồ nghề của nghiệp chăn bò sữa như máy vắt, máy thái cỏ… ông cũng đành bán với giá đồng nát. 

“Luật bất thành văn”

Điều trớ trêu là trong khi giá thu mua sữa cực bèo và bất công thì chính các trạm thu mua sữa lại bán cám bò cho bà con với giá đắt hơn giá thị trường từ 30.000 đồng-40.000 đồng/kg. Cụ thể, 1 bao cám cho bò 20kg, giá bán ở các đại lý là 280.000 đồng/bao, thì các trạm thu gom sữa bán cho nông dân từ 315.000 đồng-320.000 đồng/bao. Chắc sẽ có người hỏi tại sao không ra bên ngoài mà mua cám giá 280.000 đồng/bao? Nhưng bà con bảo, nếu không mua cám của các trạm thu gom sữa thì giá thu gom sữa sẽ còn giảm nữa. Vì vậy, đã hình thành một thứ “luật bất thành văn” là buộc phải mua cám bò của trạm thu mua sữa bò.

Ông Nguyễn Duy Ước, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa xác nhận, IDP thu mua sữa của bà con nông dân trên địa bàn xã với giá thấp đã diễn ra từ giữa cuối năm 2014 và ngày càng giảm. Do giá quá rẻ, trung bình chỉ còn 9.000 đồng/kg nên nhiều hộ chăn nuôi bị lỗ đã phải bán đàn bò sữa, tìm nghề sinh nhai khác. Bản thân gia đình ông Phó Chủ tịch xã Vân Hòa cũng đã phải bán đi đàn bò sữa vì giá thu mua xuống thấp, chăn nuôi không có lợi nhuận. UBND xã Vân Hòa đã nhiều lần đề nghị  IDP đảm bảo giá thu mua ổn định để bà con có lợi nhuận nhưng công ty viện lý do vì Việt Nam đã gia nhập WTO nên giá thu mua sữa cũng phải theo mức giá bình quân của thế giới?

Tuy nhiên, lý lẽ của IDP là không thuyết phục, bởi nếu giá sữa của thế giới giảm thì tại sao hiện giá thu gom sữa của Vinamilk tại một số địa bàn lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ… vẫn ở mức 11.000-14.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá mà IDP mua ở Ba Vì? 

Khi được hỏi về tình trạng giá thu mua của CTCP IDP quá thấp khiến nông dân phản ứng và bức xúc, ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc của IDP cho rằng, từ cuối năm 2015 do thị trường cạnh tranh nên công ty đã phải giảm 20% giá thành các sản phẩm bán ra để tăng đầu ra, đồng thời cũng phải giảm giá thu mua sữa nguyên liệu của người dân.
“Hiện giờ công ty chúng tôi hoạt động không có lãi nhưng vẫn phải tái đầu tư để thúc đẩy sản xuất”, ông Dũng nói. Lãnh đạo IDP nói “mong nông dân hiểu, chia sẻ khó khăn với công ty, khi nào thị trường tốt hơn thì công ty sẽ tăng giá thu mua”. Tuy nhiên, nhiều nông dân không thể chờ đợi và vẫn đang thanh lý dần đàn bò sữa, bởi với họ, phải có thu nhập mới tồn tại được.

Đọc thêm