Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020”: Thể chế pháp lý đang chậm chân trong dòng chảy của kinh tế số

(PLVN) - Dành hẳn 1 chương đề cập đến khung khổ pháp lý cho kinh tế số trong Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020”, theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các thể chế pháp lý của Việt Nam dường như đang chậm chân trong dòng chảy với tốc độ vũ bão này…
Hội thảo Công bố dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020.
Hội thảo Công bố dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020.

Sáng nay - 12/1, VCCI đã chính thức công bố báo cáo: “Dòng chảy pháp luật kinh doanh việt nam 2020”. Kể từ năm 2018. đây là lần thứ 3 VCCI công bố báo cáo về vấn đề này…

Vẫn còn tư duy cũ trong soạn thảo và ban hành chính sách 

Phát biểu tại sự kiện, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trong năm qua, chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ DN được thiết kế đi theo hai “dòng chảy” rất mạnh mẽ. Thứ nhất là “dòng chảy” rất nhanh, rất kịp thời của các chính sách hỗ trợ cho DN, người dân vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid 19; Thứ hai là “dòng chảy” bền bỉ, mạnh mẽ của các chính sách cải cách thể thế, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và của cả quốc gia

Theo Chủ tịch VCCI, các chính sách hỗ trợ DN trong năm nay xuất phát từ bối cảnh đặc biệt là dịch Covid 19 cho thấy sự đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng và chính sách pháp luật trở thành bệ đỡ cho các DN vượt qua khó khăn. Trong khi đó, Chính phủ vẫn đặt ra và kiên trì theo đuổi mục tiêu về cải cách thể chế.

“Đây được xem là điểm cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy nền kinh tế phát triển – mục tiêu dài hạn của một Chính phủ kiến tạo. Nghị quyết 02 đầu năm hay sau đó là Nghị quyết 68 tiếp tục đặt ra những mục tiêu tham vọng về cải cách các quy định liên quan đến chi phí tuân thủ của DN”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chỉ ra những điểm sáng trong dòng chảy pháp luật kinh doanh được cộng đồng DN đánh giá cao như: Nghị định 122 thúc đẩy khởi sự kinh doanh; Nghị định 22 miễn lệ phí môn bài cho các DN mới thành lập trong năm đầu; Hay hoạt động hoàn thiện và sửa đổi chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân…, song Chủ tịch VCCI cho rằng hoạt động xây dựng pháp luật năm 2020 vẫn còn tồn tại những điểm khiến cho cộng đồng DN quan ngại, xuất phát chủ yếu từ tư duy soạn chính sách của những nhà làm luật.

“Chúng tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn những tư duy cũ kỹ của các làm chính sách trong các văn bản được soạn thảo và ban hành trong năm qua…” - TS Lộc phát biểu.

Ông dẫn chứng, đó là các quy định có tính chất gia tăng về chi phí tuân thủ của DN một cách bất hợp lý mà điển hình là dự kiến bổ sung giấy phép con cho người lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; gia tăng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá. Hay các quy định có tính chất hành chính can thiệp vào thị trường một cách bất hợp lý như quy định kiểm tra vào quyền định giá dịch vụ vận tải của DN …Hay đó vẫn là tư duy đóng cho những quy định mở như quy định Nhà nước vẫn chưa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện….

Không chỉ là những văn bản được ban hành trong năm 2020, TS Lộc cho biết những quy định đã được ban hành trong các năm trước mà VCCI rà soát vừa rồi cũng có nhiều vấn đề như nhiều quy định về điều kiện kinh doanh còn bất cập, thủ tục hành chính phức tạp, vẫn còn hiện tượng chồng chéo về thẩm quyền quản lý trong một số hoạt động kinh doanh…

Hụt hơi trước các lĩnh vực mới…

Dẫn ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á vừa công bố cuối năm 2020 cho thấy, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2020 đã đạt khoảng 14 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ USD, Chủ tịch VCCI cho rằng với tốc độ phát triển nhanh chóng của internet và những tiềm năng khổng lồ của môi trường này mang lại, các thể chế pháp lý của Việt nam dường như đang chậm chân trong dòng chảy với tốc độ vũ bão này…

Tiền năng từ kinh tế số là rất lớn
 Tiền năng từ kinh tế số là rất lớn

Còn ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI) lại dùng từ “hụt hơi” khi nói về khung khổ pháp lý cho kinh tế số của Việt Nam hiện nay. Theo ông Đức, liên quan đến kinh tế số, đang có 7 vấn đề pháp lý đặt ra, đó là: Hạ tầng viễn thông dành cho internet tốc độ cao; Đầu tư và giấy phép cung cấp dịch vụ trên môi trường số; Bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số; Kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng; Bảo vệ dữ liệu người dùng; Thuế: Cơ chế thử nghiệp công nghệ tài chính.

Một loạt câu hỏi từ thực tiễn được ông Đức đưa ra chưa có đáp án như: Dữ liệu có phải tài sản không? Khi bị đánh cắp, xâm phạm thì có cách nào bảo hộ? Một bệnh viện không có khả năng làm dữ liệu thuê công ty công nghệ thông tin làm, vậy dữ liệu ấy của ai? Công ty đó được sử dụng dữ liệu đến đâu? Công ty ký kết với người lao động điều khoản với nội dung sau khi kết thúc hợp đồng không được tiết lộ thông tin, không được làm tại DN là đối thủ cạnh tranh, Tòa án có công nhận điều này không? Một bộ phim chiếu trên mạng được kiểm duyệt thế nào? Căn cứ vào đâu đề nói là vi phạm thuần phong mỹ tục, hàng giả, hàng nhái trong cơ chế kiểm duyệt? Pháp luật quy định DN phải có bộ lọc những từ khóa có hại, vậy cơ chế loại bỏ ra sao? Người dùng tự phát hiện hay cơ quan nhà nước có yêu cầu?... 

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, trong dòng chảy rất mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn và rất khác. Để trở thành một quốc gia số, TS Lộc cho rằng những vấn đề liên quan đến chính sách hết sức quan trọng. “Những rủi ro, sai lầm về chính sách có thể làm thay đổi đường đi của vốn đầu tư, sự rời bỏ của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ và bỏ lỡ cơ hội để Việt Nam đi nhanh trong lĩnh vực này” -  Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đọc thêm