Bảo đảm quyền khiếu kiện hành chính về đất đai

(PLO) - Nhận diện những vướng mắc cần được giải quyết để bảo đảm quyền khiếu kiện hành chính về đất đai của người dân là mục đích của Hội thảo “Bảo đảm quyền khiếu kiện hành chính về đất đai trong tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta” do Trung ương (TƯ) Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam tổ chức sáng qua (3/1).
Hạn chế từ các quyết định về đất đai bất hợp pháp
Hai trường hợp khiếu kiện hành chính về đất đai trong vụ án đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và vụ án quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) đã được đưa ra để phản ánh một phần thực tế giải quyết hai vụ kiện hành chính về đất đai là quyền khiếu kiện hành chính về đất đai của người dân, tổ chức cũng như thực tiễn quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều vướng mắc. 
Ông Bùi Ngọc Tảo - Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam - nhận định, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai động chạm đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức, dẫn đến nhiều khiến kiện hành chính về đất đai thời gian qua. 
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình khiếu kiện hành chính về đất đai có diễn biến phức tạp, chiếm đến hơn 70%, có thời điểm chiếm 80% các khiếu kiện hành chính và theo chiều hướng ngày càng gia tăng. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân để Luật Đất đai 2003 được sửa đổi, bổ sung (vừa được Quốc hội thông qua) nhằm tạo sự ổn định, bền vững trong quản lý và sử dụng đất đai, hạn chế khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước liên quan đến đất đai. 
LS.Nguyễn Thanh Bình phản ánh, khiếu kiện hành chính về đất đai bắt nguồn từ việc người khiếu kiện cho rằng các cơ quan nhà nước có thẩm 
quyền ban hành các quyết định hành chính về đất đai hoặc thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ, chủ yếu là quyền sử dụng đất hoặc các lợi ích khác gắn liền với quyền sử dụng đất... Mặc dù do nhiều nguyên nhân song “hạn chế được việc ban hành các quyết định hành chính về đất đai bất hợp pháp là hạn chế được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình khiếu kiện về đất đai. Do đó, cần nhận diện được các yếu tố bất hợp pháp của các quyết định này” - LS.Nguyễn Thanh Bình nhận định. 
Không để tình trạng “chỉ giải quyết cho hết  trách nhiệm”
Qua thực tiễn khảo sát, ông  Võ Đình Toàn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) - nhận thấy, vấn đề lớn trong khiếu kiện hành chính về đất đai liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp trong điều kiện thể chế về đất đai rất phức tạp, chồng chéo, khó áp dụng, nhiều cách hiểu dẫn đến khiếu kiện, cơ chế áp dụng… 
Muốn giải quyết tình trạng khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai, ông  Võ Đình Toàn cho rằng, cần đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, rà soát lại các qui định của Luật Tố tụng hành chính, bổ sung thêm các qui định xác định tiêu chí đánh giá văn bản là đối tượng khởi kiện vụ án Hành chính, làm cơ sở xác định đối tượng khởi kiện cũng như điều kiện khởi kiện vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các qui định của Luật Tố tụng Hành chính, đảm bảo công dân có thể hiểu đúng quyền khiếu kiện của mình trong lĩnh vực đất đai, có cách thức, phương pháp quản lý đất đai khoa học...
Còn theo GS.Nguyễn Đăng Dung - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - một trong các giải pháp để đảm bảo quyền khiếu kiện của người dân về tranh chấp đất đai là phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, không để tình trạng “chỉ giải quyết cho hết trách nhiệm”, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân, không để phát sinh khiếu kiện từ việc giải quyết khiếu kiện.

Đọc thêm