Báo động nạn phân bón giả: Văn bản bất cập, cơ quan nhà nước thờ ơ

(PLO) - Có đến 50% số mẫu phân bón được các cơ quan chức năm kiểm tra trong năm 2016 không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Nạn phân bón giả đang trở nên báo động khi số vụ vi phạm năm sau cao hơn năm trước trong khi quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, cơ quan nhà nước thì vô cảm…
Nhiều ý kiến cho rằng vụ phân bón giả của Cty Thuận Phong là điển hình của tình trạng văn bản pháp lý bất cập, cơ quan nhà nước vô cảm…
Nhiều ý kiến cho rằng vụ phân bón giả của Cty Thuận Phong là điển hình của tình trạng văn bản pháp lý bất cập, cơ quan nhà nước vô cảm…

Vấn đề được đề cập “Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Báo Diễn đàn DN tổ chức hôm 9/8.

Vấn nạn…

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), mỗi năm Việt Nam tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm tới 90% nhu cầu, còn lại là phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác.

Trong năm 2016, các cơ quan hữu quan của Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN liên tiếp có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.

Dẫn số liệu của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), năm 2015 trên 4000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là trên 5000 vụ vi phạm, ông Nguyễn Hạc Thuý – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam lo ngại khi tình trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước, trong đó nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở.

Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Hồ Quang Thái xác nhận: Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn gây nguy cơ ô nhiễm về nước, ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn cho DN sản xuất, kinh doanh chân chính và bà con nông dân. 

Các thủ đoạn gian lận được Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia liệt kê như: DN sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ trong nước, mặc dù chất lượng kém, nhưng lại dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài; Lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng; Đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì sẵn sàng thay thế loại phân bón khác; Tổ chức hoạt động sản xuất của các DN sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường bí mật khép kín từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ… Bên cạnh đó, DN thường lợi dụng trình độ nhận thức của bà con nông dân chưa cao, ham mua đồ rẻ để quảng bá, bán hàng kém chất lượng nhằm thu lợi nhuận…

Lỏng lẻo từ luật…

Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam, ông Phạm Ngọc Hùng khẳng định, thực trạng luật của chúng ta hiện còn lỏng lẻo ngay từ ban đầu, Nghị định 202/2013/NĐ-CP quản lý phân bón đã không đủ để quản lý, việc phân bố giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNTgiữa phân vô cơ và hữu cơ cũng chồng chéo và thiếu chặt chẽ. “Vừa qua, sau khi tiến hành kiểm tra về phân bón giả, trong kết quả của 45 trung tâm khảo nghiệm phân bón, Bộ NN&PTNT đã phát hiện và yêu cầu 11 tổ chức được Cục Trồng trọt thuộc Bộ chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón…phải kiểm nghiệm lại. Như vậy, ngay từ luật đã lỏng lẻo, buông lỏng chính sách, đến vấn đề kiểm định cũng có vấn đề thì làm sao quản lý tốt được thị trường phân bón?”- Ông Hùng phát biểu.

Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Hồ Quang Thái phân tích: “Nghị định 202 có hiệu lực từ 1/2/2014, nhưng đến thời điểm này, Bộ Công thương cũng chưa có văn bản chính thức về chất chính trong phân bón, dẫn đến mỗi cơ quan có cách hiểu và giải thích khác nhau, gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra, làm hạn chế hiệu quả thi hành công vụ của các lực lượng chức năng…”   

“Tôi cho rằng điểm tồn tại lớn nhất hiện nay cần phải nói là lợi ích nhóm. Do đó, nếu vi phạm phân bón giả mà chỉ phạt hành chính thì sẽ làm hỏng ngành phân bón Việt Nam…”- ông Nguyễn Hạc Thuý – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam lên tiếng.  

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam cũng cho rằng đang có sự nhập nhèm giữa xử lý hành chính với xử lý hình sự. Đây là kẽ hở để các nhóm lợi ích bảo kê các nhóm sản xuất hàng giả.   

Dẫn trường hợp vụ phân bón giả Thuận Phong, trải qua chỉ đạo của 2 Thủ tướng, 7 Bộ, đơn vị này chỉ bị xử phạt hành chính, nhiều ý kiến đồng tình cho rằngThuận Phong là một trong những vụ điển hình minh chứng cho việc các cơ quan quản lý đang có nhiều vấn đề. “Để xảy ra thực trạng trên là do văn bản quy phạm pháp luật đang bất cập, cơ quan chức năng nhà nước còn vô cảm…”-  Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia  Hồ Quang Thái khẳng định.

“Qua nhiều lần tôi tham gia cùng lực lượng chức năng xuống địa bàn, thấy báo động vấn đề đạo đức người thực thi luật ở địa phương, bởi nếu đạo đức công chức mà thấp thì mọi chính sách của Chính phủ đều phá sản. Cụ thể, khi đi cùng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chúng tôi gặp một điều lạ lùng, khi phía trên là các lực lượng kiểm tra đang họp thì xuống địa phương các chủ DN có trong danh sách bị kiểm tra đã trốn hết. Vậy ai là người báo cho DN?”- Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam, ông Phạm Ngọc Hùng nghi ngờ.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Cty Luật Thiên Thanh cho biết, theo luật khi đã bị xử phạt hành chính một lần mà vẫn tái phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự. Mức phạt hành chính hiện nay là 500 triệu đồng, nhưng cứ vi phạm rồi phạt,  nhiều DN cũng muốn mỗi năm phạt 1 - 2 lần vì lợi nhuận thu được còn lớn hơn thế…  

“Với tội sản xuất hàng giả thì chế tài xử lý không hề nhẹ. Tuy nhiên, để người tiêu dùng, DN làm ăn chân chính được thuận lợi trong việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, rất cần những người thực thi công vụ phải thực thi bằng chính cái tâm của mình…Việc cần thiết là phải bảo vệ quyền lợi của người nông dân – họ là những người có trình độ còn thấp, cứ ra tới đại lý ở đầu thôn, đầu xóm được giới thiệu là mua ngay…” - Luật sư Truyền lên tiếng.  

Đọc thêm