Báo động tham nhũng trong khu vực công

(PLO) - Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở 175 quốc gia/vùng lãnh thổ, Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014) được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố sáng qua (3/12) cho thấy, năm 2014, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu; và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
Điểm đáng quan tâm là Việt Nam không có thay đổi về điểm số mặc dù có quyết tâm và nỗ lực cao trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền
Theo TI, cuộc đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt được những bước tiến cần thiết một phần do người dân Việt Nam vẫn thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực PCTN quốc gia. Vì thế, để có được niềm tin, sự ủng hộ của người dân và xây dựng uy tín của Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, Việt Nam cần tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời giảm tham nhũng trong các lĩnh vực công; cần có sự điều phối tốt hơn, cũng như phân định rõ ràng hơn về chức năng và quyền hạn của các cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực PCTN nhằm đảm bảo các cơ quan này hoạt động hiệu quả, đồng thời cần tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động đấu tranh chống tham nhũng.
Đồng thời, Việt Nam cần sớm ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin để tăng cường tính minh bạch, sửa đổi Bộ luật Hình sự và Luật PCTN theo hướng đảm bảo hơn tính nhất quán và phù hợp với các yêu cầu trong Công ước của LHQ về chống tham nhũng. Và để tăng cường hiệu quả của việc thực thi pháp luật, ngoài cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan cần gia tăng quyền hạn của các cơ quan chuyên trách về PCTN và phải đảm bảo trách nhiệm giải trình; cân nhắc việc chỉ định một cơ quan với đầy đủ chức năng, thẩm quyền, sự độc lập và năng lực để điều hành, điều phối và chịu trách nhiệm giải trình về công tác thực thi pháp luật PCTN.
Đặc biệt, cần có những cơ chế thiết thực và hiệu quả hơn để khích lệ người dân sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Những công dân dũng cảm từ chối và tố cáo tham nhũng cần nhận được sự khen thưởng, bảo vệ xứng đáng vì sự tham gia và ủng hộ của người dân là điều kiện bảo đảm thành công cho các qui định pháp luật trong PCTN.
Bí mật công ty và nạn rửa tiền hạn chế đấu tranh chống tham nhũng
Ông José Ugaz - Chủ tịch TI - cho rằng: “CPI 2014 cho thấy tăng trưởng kinh tế và các nỗ lực PCTN bị suy yếu bởi tình trạng lạm dụng quyền hạn để chiếm đoạt công quỹ của các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao”. Và “các quan chức tham nhũng sẽ chuyển tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp sang các thiên đường thuế (các quốc gia có ưu đãi thuế) thông qua các công ty ở nước ngoài có quyền miễn trừ tuyệt đối”.
Vì thế, IT cho rằng, các quốc gia ở nhóm cuối trong bảng CPI 2014 cần áp dụng những biện pháp cơ bản về PCTN để đảm bảo quyền lợi cho người dân của mình. Còn các quốc gia tốp đầu cần đảm bảo sẽ không xuất khẩu các hành vi tham nhũng sang các nước kém phát triển. 
Bên cạnh đó, vì “tham nhũng qui mô lớn ở các nền kinh tế lớn không chỉ cản trở quyền con người cơ bản của những người nghèo nhất mà còn làm nảy sinh các vấn đề về quản trị và tình trạng bất ổn” nên ông Ugaz nhấn mạnh: “Nếu chính phủ của các nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh từ chối công khai, minh bạch và tiếp tục khoan nhượng với tham nhũng thì tại các nước đó sẽ hình thành văn hóa miễn trừ và tham nhũng sẽ tiếp tục phát triển”. 
Hơn 2/3 trong tổng số 175 quốc gia trong bảng CPI  2014 có kết quả điểm số dưới 50 trên thang điểm từ 0 - 100 (trong đó 0 thể hiện mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch). Đan Mạch là quốc gia có điểm số cao nhất, đạt 92/100 trong khi Somalia đứng cuối bảng, chỉ đạt 8/100 điểm.

Đọc thêm