Bảo hiểm nông nghiệp: Thiếu hấp dẫn doanh nghiệp và người dân

(PLO) - Rủi ro quá lớn từ bảo hiểm nông nghiệp và sản phẩm bảo hiểm không phù hợp là hai nguyên nhân khiến cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người nông dân chưa mặn mà. Vì vậy, xây dựng mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong bảo hiểm nông nghiệp, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan là một hướng đi mới.
Theo các chuyên gia, chăn nuôi bò sữa là lĩnh vực cần bảo hiểm nông nghiệp bắt buộc
Theo các chuyên gia, chăn nuôi bò sữa là lĩnh vực cần bảo hiểm nông nghiệp bắt buộc
Sử dụng mang tính thăm dò
Ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định  315/QĐ-TTg về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước về phí bảo hiểm cho người làm nông nghiệp: trợ giúp 100% đối với hộ nông dân, cá nhân nghèo; 80% đối với hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; 60% đối với hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; 20% cho tổ chức tham gia sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Bùi Thanh Hải (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính), sau 4 năm triển khai, mới có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN. Giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỷ đồng, trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883 tỷ đồng. Nhưng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng, số tiền bồi thường bảo hiểm đã lên tới 712,9 tỷ đồng. 
Ông Hải thừa nhận quá trình triển khai cho thấy phạm vi, đối tượng và địa bàn triển khai BHNN là khá rộng trong khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều và tính chất mỗi địa phương là khác nhau. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế và chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ BHNN nên chưa hấp dẫn người dân tham gia. Về phía người dân, nhiều hộ gia đình vẫn chủ yếu tham gia mang tính chất thăm dò, tính chủ động chưa cao.
Tại Hội thảo Tổng kết dự án Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công tư ở Việt Nam do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức, ông Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng IPSARD kiêm Giám đốc Dự án cũng thẳng thắn cho rằng: “BHNN có triển khai nhưng chưa thành công”. 
Theo ông Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, còn thiếu quá nhiều điều kiện để thực hiện như khung pháp lý rõ ràng chưa có, cũng chưa có cơ quan giám sát độc lập, chưa có đầu mối quản lý bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm lúa chủ yếu mới làm cho người nghèo mà số người nghèo quá đông, bảo hiểm cho thủy sản chưa thành công, doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam chưa mặn mà, còn thiếu rất nhiều sự tham gia của doanh nghiệp bảo hiểm dù Chính phủ đã có nhiều cam kết hỗ trợ…
Hợp tác công - tư – hướng đi mới
Theo nhận định của các chuyên gia, rủi ro quá lớn từ BHNN và sản phẩm bảo hiểm không phù hợp là hai nguyên nhân chính khiến cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người nông dân không mặn mà với BHNN. Chính vì vậy, xây dựng mô hình PPP trong BHNN, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan là một hướng đi mới, đang được Tây Ban Nha hỗ trợ Việt Nam triển khai, được cụ thể hóa bằng dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công - tư” trong giai đoạn 2013-2015.
Dự án tập trung rà soát, phân tích đánh giá thực trạng BHNN tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị về tăng cường năng lực thể chế, xây dựng mô hình BHNN có sự liên kết công - tư cho cây cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Kết quả khảo sát tại ba quốc gia là Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha cho thấy Nhà nước đều hỗ trợ bảo hiểm dưới hai hình thức chính: phí bảo hiểm (đều hỗ trợ ít nhất là 50% phí bảo hiểm) và hỗ trợ chi phí tác nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, triển khai BHNN theo mô hình PPP là hướng đi thích hợp để đẩy mạnh loại hình bảo hiểm này ở Việt Nam.
Theo kiến nghị của nhóm chuyên gia, để triển khai BHNN thành công sau giai đoạn thí điểm, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý và phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, tạo động lực cho cả DN bảo hiểm và người làm nông nghiệp. 
Về lâu dài, cần thiết phải có một bộ luật riêng về BHNN, trong đó có điều khoản quy định về danh mục các sản phẩm bắt buộc phải bảo hiểm là các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu (lúa gạo, lợn thịt, gà thịt, gà đẻ trứng, vịt thịt, vịt đẻ trứng, bò thịt, thủy sản); các sản phẩm xuất khẩu chiến lược (cá tra, tôm sú, tôm thẻ, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè) và một số sản phẩm thay thế nhập khẩu (mía đường, ngô, chăn nuôi bò sữa…).
Hỗ trợ phí và chi phí tác nghiệp  
“Kết quả khảo sát tại ba quốc gia là Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha cho thấy Nhà nước đều hỗ trợ bảo hiểm dưới hai hình thức chính: phí bảo hiểm (đều hỗ trợ ít nhất là 50% phí bảo hiểm) và hỗ trợ chi phí tác nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, triển khai BHNN theo mô hình PPP là hướng đi thích hợp để đẩy mạnh loại hình bảo hiểm này ở Việt Nam”.

Đọc thêm