Bao nhiêu đất rừng mất vì thủy điện?

(PLVN) - Nhiều ý kiến cho rằng cần thống kê cụ thể, trong số diện tích đất rừng đã mất, bao nhiêu phần trăm do thủy điện, bao nhiêu phần trăm do hạ tầng giao thông và các nội dung khác, sẽ biết ngay đâu là tác nhân chính gây mất rừng…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

10 năm làm thủy điện, đất rừng bị mất bằng 1 năm phá rừng

Trong Nghiên cứu triển vọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam xuất bản năm 2009, ông Patrick Durst, Cán bộ lâm nghiệp cấp cao Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá, Việt Nam từng là nước có tỷ lệ đất rừng và trữ lượng gỗ bình quân đầu người thấp nhất trên toàn cầu. 

Theo ông Patrick Durst, năm 1943, Việt Nam có 14,3 triệu ha rừng tự nhiên, chiếm 43% tổng diện tích đất quốc gia. Tuy nhiên, diện tích rừng đã giảm nhanh chóng và đến năm 1990 chỉ còn 9,18 triệu ha. Trong giai đoạn 1980-1990, Việt Nam mất trung bình 100.000 ha rừng/năm. Ngoài việc giảm diện tích rừng, chất lượng rừng cũng giảm.

Từ năm 1995, diện tích rừng đã tăng lên do cải tạo và các chương trình trồng rừng. Tuy nhiên, theo số liệu công bố năm 2006, rừng phân bố không đều trong cả nước. Rừng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đông Bắc độ che phủ cao trên 40%, ở Đông Nam Bộ độ che phủ gần 20%. Ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn diện tích được sử dụng cho nông nghiệp và độ che phủ của rừng là 10%. 

Trong khi đó, theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), giai đoạn bắt đầu phát triển mạnh của thủy điện nhỏ (dưới 30MW) bắt đầu từ năm 2008-2009 kéo dài đến năm 2016. Đối chiếu với thời điểm này, căn cứ vào các quyết định về công bố hiện trạng rừng của Bộ NN&PTNT có thể thấy, tổng diện tích đất rừng có sự tăng lên, tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên bị giảm. 

Cụ thể, Quyết định 1267/QĐ-BNN-KL năm 2009 cho thấy, năm 2008 diện tích có rừng 13.118.773 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.348.591 ha; Quyết định 1819/QĐ-BNN-TCLN năm 2017 cho thấy, năm 2016, diện tích đất rừng có 14.377.682 ha, trong đó, rừng tự nhiên 10.242.141ha. Như vậy, giai đoạn 10 năm phát triển mạnh thủy điện nhỏ, rừng tự nhiên bị giảm 106.450 ha và diện tích giảm chỉ bằng 1 năm so với giai đoạn chưa phát triển mạnh về thủy điện.

“Thời điểm 1980-1990 chưa phát triển thủy điện nhỏ, vậy mất rừng đâu phải vì phát triển thủy điện” - ông Quân nói. Đồng quan điểm với ông Quân, PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cũng cho rằng, không có số liệu nào khẳng định, toàn bộ diện tích đất rừng mất là do thủy điện. 

Nhiều chuyên gia kinh tế, năng lượng cho rằng, nếu có cuộc khảo sát và thống kê diện tích rừng tự nhiên hàng năm bị mất do nạn phá rừng lấy đất canh tác, do xây dựng các công trình phục vụ mục đích kinh tế, dân sinh (bao gồm cả xây dựng thủy điện) thì sẽ thấy ngay tác nhân nào gây mất rừng tự nhiên là chính.

Sạt lở, lũ lụt do đâu?

PGS.TS Vũ Thanh Ca khẳng định “Thủy điện có phá rừng nhưng phá không đáng kể”. Tổng diện tích các loại đất làm thủy điện từ 1970 (thời điểm làm thủy điện Thác Bà), theo ông Quân là 285.000 ha. Tuy nhiên, không có con số thống kê cụ thể, trong số này thì diện tích đất rừng chiếm bao nhiêu.

“Nhưng chỉ làm một phép so sánh đã cho thấy, so với 100.000 ha đất rừng mất (do nhiều nguyên nhân) trong 10 năm phát triển mạnh về thủy điện nhỏ với 285.000 ha tất cả các loại đất, bao gồm cả đất ở, đất màu, đất trồng cây, sông hồ, ao suối… cho các hệ thống thủy điện lớn, nhỏ trong 50 năm qua thì diện tích đất rừng làm thủy điện chỉ chiếm rất ít” - ông Quân nói. Do đó, không thể khẳng định, do phá rừng làm thủy điện đã gây nên những trận lũ lụt vừa qua với miền Trung. 

Ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia thủy điện cũng khẳng định, bản chất nguyên nhân chính gây ra lũ lụt, sạt lở không phải do thủy điện mà do quản lý không tốt, lơ là quản lý thì chuyện có hậu quả chỉ là vấn đề thời gian. Ông Nguyễn Huy Hoạch, thành viên Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, lỗi là do con người, không phải do xây dựng thủy điện.

Bởi khi đánh giá về các dự án thủy điện, các chuyên gia cũng như Bộ Công Thương đã tư vấn rất cẩn thận trong việc sử dụng đất hiệu quả nhất, đảm bảo ít ảnh hưởng nhất đến các loại đất rừng. Tuy nhiên trước khi giải phóng lòng hồ để tích nước, một số chủ đầu tư thủy điện đã lợi dụng sự giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chuyên môn địa phương để trục lợi bằng cách khai thác rừng với diện tích lớn hơn diện tích được cấp phép.

Hơn nữa, trong các cuộc làm việc gần đây của Thủ tướng Chính phủ với các địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, Thủ tướng cho biết, qua khảo sát những khu vực bị sạt lở đất thời gian qua vẫn còn 80-90% thảm thực vật bao phủ. Mặt khác, khu vực sạt lở tại Trà Leng (Quảng Nam) không có thuỷ điện nào, tại Hướng Hoá (Quảng Trị) nơi 23 chiến sỹ bị vùi lấp thì cũng cách khu vực núi 1,6 km, tại Rào Trăng 3 khu vực sạt lở cách núi từ 200-300m…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng thông tin, qua đánh giá hiện nay, hầu hết vụ sạt lở ở các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị, Huế đến Quảng Nam, đều có yếu tố nội sinh hết sức rõ ràng. Ông khẳng định nguyên nhân nội sinh là lý do chính dẫn đến sạt lở thời gian qua, đặc biệt thể hiện qua việc bản đồ dự báo sạt lở tỉ lệ 1/50.000 cho thấy những vùng này là nơi trước đây từng xảy ra sạt lở.

Đọc thêm