Báo nước ngoài cảnh báo: Các công ty của Việt Nam đe dọa tăng trưởng dài hạn

(PLO) -Trong bài viết có tiêu đề “Các công ty của Việt Nam đe dọa tăng trưởng dài hạn” được đăng tải trên tờ Diễn đàn Đông Á mới đây, Giáo sư Ian Coxhead – Chủ nhiệm khoa Nông nghiệp và Kinh tế ứng dụng của trường Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ cho rằng các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam thời gian qủa hoạt động kém hiệu quả.
Việt Nam cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu các DNNN. Ảnh minh họa.
Việt Nam cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu các DNNN. Ảnh minh họa.

Thách thức lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt là duy trì tăng trưởng. Phần lớn thành tích tăng trưởng có được trong thời kỳ đổi mới là do những hiệu quả đạt được từ sự ra đời của nền kinh tế thị trường (mở cửa thị trường và thương mại trong nước, nới lỏng những hạn chế về chuyển dịch lao động và các giao dịch chuyển nhượng đất đai) hoặc từ lực đẩy của việc mở rộng nguồn lao động kỹ năng thấp và vốn. GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng đáng ngưỡng mộ dù thấp hơn so với các kế hoạch được nước này đề ra. 

Nhưng những dấu hiệu cảnh báo đối với tăng trưởng trong tương lai hiện đã khá rõ ràng: tăng trưởng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP, là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế) vào tăng trưởng chung chỉ đạt mức thấp là 29%; tăng trưởng về vốn con người không gây được ấn tượng; thâm hụt ngân sách và sự gia tăng nợ công tồn tại một cách dai dẳng; và có thể đang có sự mất ý chí trong việc tiếp tục thúc đẩy chương trình cải cách.

Với đặc quyền tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước, các DNNN chiếm 49% tổng các khoản vốn đầu tư dù chỉ tạo ra một tỉ lệ việc làm mới nhỏ và gần như không có đóng góp gì vào các khoản thu từ xuất khẩu. Nếu lấy hiệu suất vốn trung bình ra làm thước đo thì các doanh nghiệp này chỉ bằng khoảng 1 nửa của các doanh nghiệp thuộc khối ngoài quốc doanh.

Việc vay vốn của các DNNN khiến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư nhân mất đi cơ hội tiếp cận đầu tư, do đó làm giảm khả năng mở rộng hoạt động của các công ty tư nhân. Có một điều khó nhận ra hơn là, chi phí vốn cao cũng đẩy các doanh nghiệp tư nhân tới chỗ buộc phải lựa chọn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và điều này khiến tăng trưởng năng động bị kìm hãm. 

Một người dân Việt Nam chở vải đi bán
Một người dân Việt Nam chở vải đi bán

Việc này góp phần đưa đến việc sự khác biệt về lương giữa các lao động có tay nghề và các lao động không có bằng đại học chỉ ở mức nhỏ và cũng đang có xu hướng giảm dần vì nếu không có công nghệ hiện đại thì việc theo học ở bậc trung học có rất ít giá trị đối với chủ sử dụng lao động. Do đó, một thiếu niên bình thường ở Việt Nam sẽ có xu hướng chọn nghỉ học ở khoảng 15 tuổi thay vì lựa chọn theo học để lấy bằng đại học vốn tốn kém, khó khăn và cũng không chắc chắn. 

Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2105, nợ công của Việt Nam đã tăng từ 38% lên thành 62% GDP – cao hơn tất cả các nước có thể đưa ra để so sánh được và chỉ thấp hơn một chút so với mức trần nợ công 65% do Quốc hội nước này đặt ra. Nợ của các DNNN có thể tới gần gấp đôi con số này, tới mức đạt tổng khoảng 180 tỉ USD, tức bằng 97% GDP.

Phần lớn nợ của các DNNN được nhà nước đảm bảo nhưng thực tế từ các DNNN gặp khó khăn gần đây cho thấy dù không được nhà nước đảm bảo về các khoản nợ nhưng khi DNNN làm ăn thất bại thì chính phủ vẫn là bên phải tiếp quản những khoản nợ này. Nợ của DNNN trên thực tế chính là khoản nợ tiềm ẩn của chính phủ Việt Nam. Như vậy, khoản nợ này cần được thêm vào tình thế nguy hiểm của cơ quan tài khi tính toán khả năng dễ bị tổn thất trước một cú sốc kinh tế vĩ mô. 

Vậy chính phủ mới của Việt Nam sẽ xử trí ra sao với những thách thức này? Trong số các dự kiến cải cách cơ cấu được nêu trong các văn bản chính sách hiện hành, những cải cách có liên quan có liên quan đến cổ phần hóa các DNNN và cải cách quản trị đã liên tục không đạt được mục tiêu đề ra. Những quan ngại này cũng được trình bày trong các đánh giá của chính phủ về tiến trình cải cách các DNNN.

Chính phủ Việt Nam đã công bố các kế hoạch đưa ra các luật mới và nhiều sáng kiến để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích cạnh tranh và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp. Dĩ nhiên, một trong những cách làm hiệu quả nhất về mặt kinh tế để thực hiện được những mục tiêu này và nhiều mục tiêu phát triển khác là theo đuổi mạnh mẽ việc cải cách các DNNN nhưng 2 chương trình này hiện vẫn không được liên kết với nhau trong các cuộc thảo luận công khai.

Khởi động tiến trình cải cách trong tương lai chắc chắn là việc làm thích hợp. Tăng trưởng kinh tế đang ngày càng được thúc đẩy bởi hoạt động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước và có những tín hiệu cho thấy mối liên kết ngày càng sâu giữa các doanh nghiệp trong nước với các mạng lưới sản xuất toàn cầu. Những liên kết này chắc chắn sẽ ngày càng quan trọng trong việc thu hút vốn và công nghệ mới. 

Thêm vào đó, tốc độ chậm chạp của tiến trình cải cách thể chế cũng cản đà của các thỏa thuận tự do thương mại mà Việt Nam đang đàm phán với các đối tác thương mại của họ trong Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Liên minh châu Âu (EU). Hoạt động thương mại của Việt Nam với các đối tác trong 2 hiệp định này chiếm khoảng 50% tổng xuất khẩu của nước này.

Khi các cơ hội cho việc tăng trưởng dễ dàng trong quá trình chuyển đổi tới một nền kinh tế thị trường giảm dần, Việt Nam cần phải đặt mình vào vị trí phải thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai bằng công nghệ, cải tiến và vốn nhân lực. 

Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố hôm 19/7 vừa qua cũng cho rằng, về lâu dài, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo chiều sâu thì mới có thể đẩy nhanh được tăng trưởng kinh tế. Báo cáo cũng nhận định năng suất lao động là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những năm đầu của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã giảm đi rõ rệt trong thập kỷ vừa qua. 

Bên cạnh đó, tỷ suất lãi đầu tư cũng giảm, một phần do phân bổ vốn đầu tư không hợp lý. Chuyển đổi cơ cấu - nguồn tăng năng suất lao động chính trong thời gian trước đây - đã chậm lại trong vài năm gần đây.

Trong khi đó, trong từng ngành và từng doanh nghiệp mức tăng năng suất lao động bị hạn chế bởi một số yếu tố như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành, doanh nghiệp tư nhân còn non trẻ gồm chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhỏ, không có công nghệ và không bị áp lực cạnh tranh buộc phải tăng năng suất lao động.

Đọc thêm