Bất lực nhìn tôn thép lậu tràn lan?

(PLO) - Tình trạng buôn lậu, gian lậu thương mại trong lĩnh vực tôn thép đang được cho là rất nhức nhối, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, khiến môi trường kinh doanh ngành này bị vẩn đục.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen: “Chúng tôi có thể cạnh tranh được chất lượng, cung cách phục vụ khách hàng, sự uy tín; nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh bằng cách gian lận, móc túi người tiêu dùng”.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen: “Chúng tôi có thể cạnh tranh được chất lượng, cung cách phục vụ khách hàng, sự uy tín; nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh bằng cách gian lận, móc túi người tiêu dùng”.
Tôn thép gian lận khó phát hiện
Theo tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong ngành thép đang diễn ra tinh vi, phức tạp, quy mô ngày càng lớn. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất tôn thép chân chính. 
Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, mỗi năm người tiêu dùng bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, ngân sách nhà nước cũng mất đi hàng trăm tỷ tiền thuế do các chiêu trò gian lận kinh doanh. “Đây đang trở thành vấn nạn nhức nhối của ngành tôn thép Việt Nam”, TS Sưa đánh giá.
Ông Sưa cho biết, năm 2014 các nhà sản xuất tôn thép tiêu thụ được hơn 2,1 triệu tấn, trong khi khối lượng nhập khẩu tôn nước ngoài là 750 nghìn tấn, chiếm 26,3% thị trường trong nước. Sang năm nay, tỷ lệ tôn ngoại vào thị trường Việt tăng nhanh. Theo đó, chín tháng đầu năm 2015, tôn thép Việt Nam tiêu thụ được hơn 2,2 triệu tấn, trong khi nhập khẩu từ ngoài vào gần 1,1 triệu tấn, chiếm 32,2% thị trường trong nước. 
“Trong số những loại tôn thép được nhập khẩu, nhiều loại có chất lượng kém, được nhập lậu. Điều này làm tổn thất nghiêm trọng đối với nhà sản xuất trong nước”, ông Sưa nói. Cũng theo ông Sưa, trong số tôn nhập khẩu thì tôn mạ từ Trung Quốc chiếm số lượng lớn, giá rẻ và chất lượng kém.
Dưới góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam băn khoăn: Điều gì sẽ xảy ra cho tuổi thọ và sự an toàn của công trình xây dựng khi các dầm, cột bê tông chịu lực được làm từ các loại thép kém chất lượng? 
Theo ông Hùng, hiểu biết của nhiều người tiêu dùng về mặt hàng này còn hạn chế, khiến nhiều người lợi dụng để trục lợi. “Người tiêu dùng trở thành nạn nhân của hành vi sản xuất, kinh doanh tôn kém chất lượng; nhiều khi họ bị móc túi mà không hề hay biết”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, tôn thép giả, kém chất lượng được làm tinh vi, là mặt hàng mà người tiêu dùng rất khó phát hiện, mắt thường khó nhận biết. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng dùng máy chuyên dụng mới phát hiện. “Chủ hàng sẵn sàng đổi trắng thành đen để biến cuộn tôn nhập khẩu không tên tuổi thành bất cứ nhãn hiệu tôn nổi tiếng nào để trục lợi, móc túi khách hàng”, ông Hùng nói.
Quy chế quản lý còn lỏng lẻo?
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen đánh giá, gian lận trong môi trường kinh doanh tôn thép đang trở nên phổ biến, xuất hiện khắp nơi trong cả nước. Điều này không chỉ làm thiệt hại kinh tế người tiêu dùng, doanh nghiệp, nguồn thu của Nhà nước mà còn làm vẩn đục môi trường kinh doanh, khiến nhà đầu tư nước ngoài e dè khi đầu tư vào Việt Nam, tạo hình ảnh xấu trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. 
Ông Thanh thừa nhận, sản phẩm của tập đoàn ông không cạnh tranh nổi với các loại tôn thép gian lận. “Chúng tôi có thể cạnh tranh được chất lượng, cung cách phục vụ khách hàng, sự uy tín; nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh bằng cách gian lận, móc túi người tiêu dùng”, ông Thanh chia sẻ. 
Trước thực trạng đó, theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, để khắc phục cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường, hải quan. “Nếu kiểm soát tốt từ khâu nhập khẩu đến khâu phân phối, bán lẻ tại các cửa hàng kinh doanh thì tiêu cực sẽ giảm”, ông Thanh nói.
Về giải pháp lâu dài, theo Tập đoàn Hoa Sen, cần ban hành quy chế văn bản pháp luật chặt chẽ hơn trong quản lí nhập khẩu tôn thép. Theo ông Thanh, quy định hiện nay còn tạo kẽ hở để kẻ gian lợi dụng. Cụ thể, hiện nay quy định về nhập khẩu tôn chỉ cần ghi nhãn mác ở bên ngoài bao bì sản phẩm. Lợi dụng điều này, các đại lí trong nước sau khi nhập khẩu sẽ vứt bỏ bao bì, cắt nhỏ tôn bên trong, tự ý dán thông số, tên gọi lên sản phẩm. “Để khắc phục kẽ hở này, cần in tên sản phẩm và các thông số khác lên suốt chiều dài tấm tôn”, ông Thanh nói. 
Ngoài ra, theo ông Thanh, biện pháp lâu dài khác là cơ quan chức năng nghiên cứu lập ra một bộ quy chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn tôn thép. “Để làm được điều này cần thời gian và sự nỗ lực cao của nhà chức trách”.

Đọc thêm