Bất ngờ Đại hội đồng cổ đông Traphaco và cái khó của SCIC

(PLO) - Không được TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đề cử tham gia vào HĐQT Traphaco khóa 2016-2020 song tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Traphaco vừa diễn ra hôm 30/3 vừa qua, bà Vũ Thị Thuận – nguyên Chủ tịch HĐQT vẫn lọt vào HĐQT với phiếu bầu cao nhất... Đã có ý kiến cho rằng SCIC cố tình “đẩy” bà Thuận ra để cho người của mình vào…
Tại ĐHĐCĐ Traphaco nhiệm kỳ 2016- 2020, bà Vũ Thị Thuận (giữa) đã trúng cử với số phiếu cao nhất
Tại ĐHĐCĐ Traphaco nhiệm kỳ 2016- 2020, bà Vũ Thị Thuận (giữa) đã trúng cử với số phiếu cao nhất

Là”siêu” tổng công ty như cách người ta vẫn gọi SCIC nhưng nhiều cái khó về cơ chế đang khiến DN kinh doanh vốn nhà nước này chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có…

Bất ngờ Traphaco

Trong số 8 người được đề cử vào HĐQT Traphaco khóa 2016-2020 thì có tới 4 người do người do SCIC, DN đại diện nhà nước sở hữu 35,6% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề cử. 4 người còn lại, trong đó có 3 người nước ngoài và bà Vũ Thị Thuận, nguyên Chủ tịch HĐQT Traphaco các cổ đông khác đề cử.

Là người đã dẫn dắt Traphaco phát triển thành một trong những DN hàng đầu trong ngành dược, việc thay thế bà Thuận khiến không ít cổ đông lo lắng về tương lai của Traphaco, bản thân bà Thuận cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng với HĐQT, Ban điều hành xây dựng Công ty

Trái với đồn đoán trước khi diễn ra đại hội rằng sẽ bị loại khỏi danh sách thành viên HĐQT theo nguyên tắc bầu dồn phiếu, nhưng cuối cùng thì bà Thuận vẫn lọt vào HĐQT với phiếu bầu cao nhất với tỷ lệ chiếm 98,65%. Một trong số 4 người do SCIC đề cử đã không đủ số phiếu để tham gia HĐQT Traphaco khóa tới.

Phải sau ĐHĐCĐ, HĐQT mới nhóm họp bầu Chủ tịch HĐQT Traphaco, tuy nhiên với số phiếu cao nhất, nhiều cổ đông đã có thể yên tâm về chủ nhân của chiếc ghế “nóng” này.

Doanh nghiệp vẫn theo cơ chế cơ quan nhà nước

Với số phiếu bầu cao nhat 98,65%, cho thấy mặc dù không đề cử nhưng khi ra Đại hội đồng cổ đông, SCIC đã bỏ phiếu cho bà Thuận.

Trao đổi với báo chí ngay trong ngày “nóng” của Traphaco, Chủ tịch HĐTV SCIC, ông Nguyễn Đức Chi chia sẻ việc thay thế người đại diện khác ở Traphaco là điều đáng tiếc, song SCIC buộc phải tuân theo quy định.

Dẫn Nghị định 106/ NĐ-CP/2015 ngày 23/10/2015 (Khoản 4 Điều 20 quy định về cử người đại diên), trong đó quy định nói rõ: “Trong trường hợp đặc biệt, tùy trường hợp cụ thể, chủ sở hữu có thể xem xét cử lại người đại diện khi còn đủ ít nhất hai phần ba thời gian công tác của nhiệm kỳ làm đại diện (tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định)…”, ông Chi giãi bày trường hợp bà Vũ Thị Thuận tại Traphaco hay bà Phạm Thị Việt Nga tại Dược Hậu Giang đều đã đến tuổi nghỉ hưu, do vậy SCIC đã không đề cử những trường hợp này vào HĐQT. Tuy nhiên SCIC cũng là cổ đông có quyền biểu quyết nên tuân theo quy chế bầu, theo điều lệ công ty.

Báo cáo của SCIC cho biết, tính đến 31/12/2015, danh mục quản lý vốn của SCIC còn 197 DN với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.020 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ, với giá trị thị trường đạt khoảng 95.697 tỷ đồng.

Việc cổ đông lo lắng SCIC không đủ người có năng lực tham gia quản lý và phát triển DN cũng là điều dễ hiểu khi vẫn chưa có cơ chế cho “siêu” tổng công ty này được sử dụng những người tuy quá tuổi lao động nhưng họ giỏi, có năng lực và chưa thể thuê người giỏi người có năng lực khác cùng cán bộ của SCIC quản lý vốn nhà nước.

Lời ăn, lỗ… “chết”

Một trong những nguyên tắt hoạt động của DN là “lời ăn, lỗ chịu”, nhưng theo chia sẻ của Chủ tịch HĐTV SCIC thì 3 dự án mà chỉ cần 1 dự án thua lỗ thì coi như “chết”, lúc đó bắt đầu xem xét quy trách nhiệm cá nhân bởi đây là tiền nhà nước

Nói về dự án xây dựng tháp truyền hình với Đài truyền hình Việt Nam, ông Chi cho biết, mới giai đoạn tiền khả thi. “Nếu không hiệu quả chắc chắn chúng tôi không dại gì đầu tư…”- ông Chi khẳng định.

Lũy kế đến đến 31/12/2015, tổng số vốn đầu tư của SCIC đã lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, riêng tổng mức đầu tư giải ngân trong năm 2015 là trên 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên theo thừa nhận của Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc SCIC, hiện đầu tư chính của SCIC là đi mua cổ phần của các DN mà SCIC thấy sẽ có hiệu quả, chưa đầu tư mới vì nguồn lực có hạn. Hơn nữa nếu đầu tư mới bằng cách thành lập DN mới, đầu tư dự án mới … phải suy tính thật kỹ, cho nên thay vì lập DN hay đầu tư vào các dự án mới, thì DN này không bỏ qua cơ hội đầu tư vào chính DN hiện hữu mà SCIC đang có vốn trong đó.

Trở lại câu chuyện SCIC đã bỏ phiếu phủ quyết một số nội dung, đề xuất thay đổi một số nội dung như chia cổ tức, cổ phiếu ESOP hay những trường hợp SCIC không đồng ý cho DN tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu…tại ĐHĐCĐ của một số DN lớn, một chuyên gia bình luận: “Cũng khó cho SCIC khi DN này không những phải bảo toàn vốn nhà nước mà phải kinh doanh có lãi…”. Vị chuyên gia này cho rằng không thể và không nên dùng mệnh lệnh hành chính để hối thúc SCIC thoái vốn khi SCIC vẫn phải gánh trọng trách bảo toàn và phát triển vốn nhà nước...

Theo Chủ tịch HĐTV SCIC, trong mùa đại hổi cổ đông, rất nhiều thông tin khác nhau, SCIC đã cùng các cổ đông khác trao đổi để hài hòa lợi ích, có những trường hợp cụ thể, tình huống cụ thể có thể chưa thống nhất, kể cả nhân sự, nhưng trong những trường hợp như thế, nguyên tắc xuyen suốt là tuân theo pháp luật, bảo đảm tối đa quyền lợi của nhà nước.

“Tôi khẳng định SCIC đã tối đa áp dụng nguyên tắc thị trường. Để quản lý kinh doanh vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường thì Nhà nước mới thành lập SCIC thay cơ chế bộ chủ quản”- ông Nguyễn Đức Chi khẳng định…

* Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN – Văn phòng Chính phủ: “Với các tình huống nhân sự mà nhiều ý kiến chưa đồng tình, thì hành động của SCIC là hợp pháp nhưng chưa thật hợp lý trong nhiều trường hợp với mục đích thu hút người có năng lực nhất để quản lý và phát triển có hiệu quả phần vốn nhà nước tại DN. Để đặt được sự hợp lý thì phải có cơ chế linh hoạt để thu hút người giỏi vào quản lý phần vốn nhà nước và DNNN. Họ là những doanh nhân nên quản lý họ hoàn toàn không như quản lý công chức nhà nước…”

* Ông Mori Musuya, Trưởng đại diện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA): “Theo tôi, vai trò của SCIC rất quan trọng. Thứ nhất, đó là sự chuyển đổi đại diện sở hữu nhà nước từ các bộ chủ quản về SCIC. Thứ hai, đó là sự đỏi mới quản lý DN . Hiện tại, các Bộ chủ quản có thể cử người trực tiếp tham gia điều hành DN. Tuy nhiên, với sự thay đổi đại diện sở hữu, SCIC có thể mời những người có năng lực chuyên môn tốt tham gia điều hành DN. Và thứ ba, SCIC đóng gúp tăng cường năng lực quản lý cho các DNNN chiến lược. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều từ SCIC…"

Đọc thêm