Bí mật của ba thương gia nức tiếng thời Lê- Trịnh

(PLO) -Trong hai thế kỉ XVII – XVIII, các hoạt động nội thương và ngoại thương ở nước ta rất nhộn nhịp. Điều này tạo cơ hội để nhiều giai cấp, tầng lớp đến với nghề buôn, khiến tầng lớp thương nhân có số lượng khá đông. Nhiều người đã khôn khéo nắm bắt thời cơ, thi hành kĩ thuật kinh doanh hợp thời và hiệu quả khi đi buôn làm giàu, để lại tiếng thơm đến mai sau.
Lăng mộ Bà Bổi Lạng
Lăng mộ Bà Bổi Lạng

Xã hội Việt Nam thời phong kiến là xã hội trọng nông. Nông nghiệp được xem là nghề gốc, buôn bán chỉ là nghề bị nhà nước và các tầng lớp dân cư xem thường. Thế nhưng nhiều người trong giới thương nhân vẫn nhạy bén nắm bắt thời cơ, áp dụng kĩ thuật kinh doanh khôn ngoan nhằm làm giàu cho bản thân. Hoạt động của họ là minh chứng sinh động và góp phần làm toả rạng khả năng buôn bán của người Việt Nam trong quá khứ…

Thương nhân Nguyễn Trật: Lãi ít bán nhiều 

Nguyễn Trật, người Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hoá (nay là xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá). Ông được đi học từ nhỏ. Năm 20 tuổi thi đỗ Hương Cống, nhưng rồi vì nhà nghèo không thể học tiếp, ông chuyển sang đi buôn.

Nguyễn Trật chọn việc buôn trâu (lúc ấy gọi là lái trâu) để khởi nghiệp. Hoạt động buôn trâu khi ấy đang phổ biến, giá mua lại rẻ vì nguồn cung rất lớn; đặc biệt là các nơi thuộc vùng núi thì trâu bò nhiều vô kể, người dân nơi ấy cũng không câu nệ phương thức mua bán, người mua có thể đem mắm, muối, vải, lụa đến đổi trâu bò hay dùng tiền đều được. Vì thế, ở Đàng Ngoài đã xuất hiện nhiều chợ trâu lớn như chợ Bằng (nay thuộc Hà Nội); một số làng xã còn hình thành những phường chuyên buôn trâu bò.

Người buôn đông đúc, tất nhiên sẽ có sự cạnh tranh, kèn cựa. Dù giá mua rẻ nhưng không hẳn điều này sẽ đem lại lợi nhuận nếu không khéo buôn bán. Nguyễn Trật phải làm gì để thu hút khách hàng và phát triển công việc khi ông không rộng dài vốn như một số lái trâu khác? Đây là cách của ông được sách “Nam thiên trân dị tập” ghi lại: “Mỗi năm vào dịp tết, có ai mua trâu tế, ông chỉ bán lấy giá vốn. Ông làm như vậy suốt 20 năm”.

Thực chất, “bán lấy giá vốn” chính là kĩ thuật “lãi ít bán nhiều” của Nguyễn Trật. Dịp lễ tết, người dân có nhu cầu mua trâu để giết thịt, cúng tế. Không như những lái trâu khác, ông chủ động hạ giá bán; với cách này, ông không cần mất nhiều công sức mà vẫn có nhiều người mua. Hẳn nhiên so với những người bạn hàng, Nguyễn Trật bán được nhiều hơn. Đó là cách cạnh tranh về giá hiệu quả mà ông đã áp dụng. Phần lời trên mỗi con trâu không nhiều, nhưng tính theo số trâu bán ra thì tổng số của nó không phải là nhỏ.

Nguyễn Trật theo đuổi nghiệp buôn khoảng 20 năm. Nhưng vốn xuất thân là Nho sĩ, do hoàn cảnh xô đẩy ông phải tạm rời xa chốn thí trường nên mong ước công danh trong Nguyễn Trật không hề tắt. Có của ăn của để, Nguyễn Trật dành thời gian sôi kinh nấu sử, chờ khoa thi. Khoa thi năm 1620 đời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tùng, Nguyễn Trật tham dự và đỗ Tiến sĩ. Kể từ đây, ông bước vào quan trường, dứt khoát đoạn tuyệt với nghề lái trâu một thuở.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623)
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623)

Nữ thương gia Bổi Lạng: Chủ động tích trữ, đợi chờ thời cơ

Bà tên thật là Nguyễn Thị Trị, người trấn Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hải Dương), sống vào nửa cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII. Về sau, khi trở nên giàu có, vang danh khắp thiên hạ, bà được người bấy giờ gọi là Bà Bổi Lạng (hiện chưa rõ vì sao có danh xưng này).

Theo văn bia “Sái phụ Nguyễn Thị sản chí phú tự sự bi kí” đặt tại lăng mộ bà và một vài tài liệu khác, Nguyễn Thị Trị xuất thân trong gia đình nông dân, gia cảnh bần hàn. Đến tuổi thành gia, bà được gả cho con trai nhà họ Sái nhưng chẳng may chồng mất sớm, bà ở vậy, dựa vào số ruộng đất ít ỏi để cày cấy mưu sinh. Một lần, tình cờ bà nhặt được mấy thỏi vàng chôn dưới đất, dùng đó làm vốn để buôn bán. Và bà đã chọn lúa gạo để buôn.

Nguyễn Thị Trị hiểu rõ việc canh tác nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là điều kiện thời tiết, khí hậu từng năm, do đó có năm vụ mùa bội thu, ngược lại có năm mất mùa đói kém. Vậy nên, bà ra sức quan sát diễn biến của mùa màng, tình hình giá cả lúa gạo và nhu cầu của người dân, sau đó mới định liệu số lượng thóc gạo nên mua vào và thời điểm bán ra.

Khi có nguồn vốn kha khá, Nguyễn Thị Trị triệt để thực hiện việc quan sát thời thế, tìm hiểu thị trường, thi hành phương sách chủ động tích trữ, đợi chờ thời cơ. Vào năm được mùa, giá thóc gạo rẻ, bà chủ động thu mua với số lượng lớn để rồi vào năm vụ mùa thất thu hoặc dân chúng quá đói kém buộc nhà nước phải kêu gọi giới thương buôn bán thóc gạo cho dân, bà liền đưa số hàng đã thu mua từ trước ra, bán với giá hợp lí, góp phần làm thoả mãn nhu cầu rất lớn trong dân. Với số tiền thu được, bà tiếp tục xoay vòng để chúng sinh sôi. Cứ như vậy, Bà Bổi trở thành một phú thương lừng danh.

Trở nên giàu có, Bà Bổi mua nhiều ruộng đất, tiếp tục canh tác và buôn bán. Gia sản của bà có hàng vạn quan tiền, hàng nghìn mẫu ruộng. Bà còn rộng tay làm việc thiện như làm đò, bắc cầu cho dân. Vì thế, bà nổi danh là một cự phú và bậc thiện nhân đương thời; khi mất (năm 1721) được một vị đại quan triều đình là Nguyễn Quý Đức trân trọng viết văn bia để lưu truyền đức nghiệp đến muôn đời. 

Trùm Châm hơn 10 năm làm chủ đoàn thuyền buôn gạo (Tranh minh hoạ)
Trùm Châm hơn 10 năm làm chủ đoàn thuyền buôn gạo (Tranh minh hoạ)

Thương gia Trùm Châm: Mua tại gốc bán tại ngọn

Trùm Châm là biệt danh chứ không phải tên thật. Ông sinh trưởng tại châu Nam Bố Chính (nay thuộc Quảng Bình), là một thương nhân, sống trong thế kỉ XVIII dưới quyền quản hạt của các chúa Nguyễn.

Thời của Trùm Châm là thời giao thương tấp nập, nhất là buôn bán lúa gạo giữa vùng Gia Định (Nam Bộ ngày nay) với vùng Thuận Hoá – Quảng Nam (miền Trung ngày nay). Thuyền buôn chở gạo ra bán ở Phú Xuân (Huế) hằng năm đều tăng, như năm 1768 có 341 chiếc, đến năm 1774 đã có hơn 1000 chiếc. Trùm Châm không bỏ lỡ cơ hội, quyết định chuyên doanh lúa gạo theo phương thức “mua tại gốc bán tại ngọn” để làm giàu.

Ông tổ chức đội ngũ, sắm sửa thuyền buôn, xin giấy phép của quan sở tại rồi thẳng tiến vào vùng Gia Định. Lộ trình của ông được sách “Phủ biên tạp lục” chép khá kĩ:“Thường đi vào tháng 9 tháng 10, về vào tháng 4 tháng 5, thuận gió không quá 10 ngày đêm là đến… Đến xứ Vũng Tàu ở đầu cõi Gia Định là chỗ hải đảo, có dân cư, hạ buồm đậu vào, hỏi thăm nơi nào được mùa mới đến ở, trên thì có cửa biển Cần Giờ, ở giữa thì vào cửa biển Soài Rạp, dưới thì vào cửa Đại (Tiền Giang) cửa Tiểu (Bến Tre).

Đến chỗ nào cũng là thuyền buôn tụ họp, mặc cả thành giá thì người bán hàng tự sai người nhà khuân hàng xuống thuyền. Một tiền quý thì mua được 16 đấu thóc, mỗi đấu bằng 3 bát bằng miệng của Hộ phiên, thành 30 bát quan đồng. Một quan tiền được 300 bát quan đồng. Giá thóc rẻ, chưa nơi nào được như thế”.

Mỗi hành trình như vậy mất 6 – 7 tháng, tức là mỗi năm chỉ đi được một lần. Thuyền của Trùm Châm chở nặng lúa gạo để về. Số gạo đó được ông đem bán lại với giá cao hơn giá mua nhiều lần. Vì ở vùng Thuận Hoá thóc gạo khan hiếm nên Trùm Châm mau chóng bán hết hàng và được giá.

Về giá gạo ở Thuận Hoá, Phú Xuân, cũng theo “Phủ biên tạp lục”: “Trước kia sự buôn bán với Đồng Nai (cũng tức là miền Gia Định nói chung) được lưu thông, gạo ở Phú Xuân 10 thưng là 1 hộc (ngang 20 bát quan đồng) giá chỉ 3 tiền, có thể đủ một người ăn một tháng”.

Giả sử giá bán của Trùm Châm cũng tương tự như thế, nếu so với giá mua là “1 tiền quý thì mua được 16 đấu thóc, mỗi đấu bằng 3 bát bằng miệng của Hộ phiên, thành 30 bát quan đồng” thì tỉ lệ lợi nhuận thu được như sau:

Ở Gia Định, 1 tiền (theo quy định lúc đó, 1 tiền = 60 đồng) mua được 30 bát quan đồng, tức là một bát quan đồng trị giá 2 đồng. Ở Phú Xuân, 3 tiền (hay 180 đồng) mua được 20 bát quan đồng, nghĩa là mỗi bát quan đồng có giá 9 đồng. Như vậy, khi ra đến Phú Xuân, giá gạo đã tăng lên 4,5 lần (hay 450%), tức là cứ bỏ ra một đồng thì Trùm Châm thu lại 4,5 đồng. Trừ đi chi phí vận chuyển và các khoản thuế, ông vẫn lãi lớn.

Cách thức mua hàng rồi đem từ nơi có đến nơi không đã mang lại mối lợi lớn cho Trùm Châm. Ông bền chí theo đuổi việc buôn gạo trong hơn 10 năm, khi đã giàu có, ông quyết định dừng công việc sau nhiều năm “lặn lội”chốn thương trường. Ông đã kể lại câu chuyện đời mình cho Lê Quý Đôn, tác giả “Phủ biên tạp lục” và nhờ vậy, câu chuyện của ông vẫn còn mãi với hậu thế…/.

Đọc thêm