Bị tác động lớn, song phần lớn doanh nghiệp đã chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19

(PLVN) - Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với DN Việt Nam” cho thấy, 87,2% DN bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng có đến 92% DN tư nhân và 96% DN FDI đã chủ động ứng phó với đại dịch này….
Sự kiện được tổ chức trực tuyến.
Sự kiện được tổ chức trực tuyến.

Hôm nay - 12/3,  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB)  đã chính thức công bố Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với DN Việt Nam”. Gần 10.200 DN trên toàn quốc (8.633 DN tư nhân và 1.564 DN FDI) tham gia vào khảo sát đã cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của COVID-19 và cách thức ứng phó của DN…

Trong nguy có cơ

Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2020 là một năm đầy khó khăn khi có đến 87,2% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, trong khi chỉ có 11% DN cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. 

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - công bố kết quả khảo sát.
 Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - công bố kết quả khảo sát.

Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Tác động của dịch COVID-19 với DN ở một số ngành là đặc biệt lớn. Điều này xảy ra với DN tư nhân trong các ngành: May mặc (97%); Thông tin truyền thông (96%); Sản xuất thiết bị điện (94%). DN FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm: Bất động sản (100%); Thông tin truyền thông (97%); Nông nghiệp/thuỷ sản (95%)…

DN đồng lòng với Chính phủ trong mục tiêu kiểm soát đại dịch COVID-19.

Với hai kịch bản về sự xuất hiện làn sóng thứ 2 của dịch bệnh với xác suất xảy ra thấp (25%) và xác suất xảy ra cao (75%), tỷ lệ DN ủng hộ các chính sách phòng dịch của Chính phủ là rất cao. Cụ thể, trường hợp xác suất cao của làn sóng thứ 2 xuất hiện, như đã diễn ra sau đó vào cuối tháng 7/2020, 85,9% DN tư nhân và 87,2% DN FDI ủng hộ chính sách phòng chống dịch của Chính phủ. Với trường hợp xác suất thấp của làn sóng thứ 2 xuất hiện, cũng có đến 84,3% DN tư nhân và 85,2% DN FDI ủng hộ biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như đã diễn ra vào tháng 3-4/2020..

Khó khăn lớn nhất với DN tư nhân xếp theo tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng lần lượt là: Tiếp cận khách hàng (50%); Dòng tiền (46%); Lao động (38%); Và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với DN FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%). 

Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% DN tư nhân và 22% DN FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% DN quy mô vừa và 32% DN quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, điều này cho thấy tác động của COVID-19 đến DN là rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, phần lớn các DN đã chủ động ứng phó với đại dịch. Khảo sát cho thấy có tới 92% DN tư nhân và 96% DN FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó. 

Biện pháp mà nhiều DN thực hiện hơn cả là: Cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động (57% DN tư nhân và 71% DN FDI); Triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn (37% DN tư nhân và 40% DN FDI); Dự trữ hàng hoá và nguyên vật liệu (20% DN tư nhân và 24% DN FDI): Tìm kiếm các giải pháp mới/thay thế chuỗi cung ứng (16% DN tư nhân và 24% DN FDI); Đào tạo kỹ năng số cho người lao động để triển khai phương pháp làm việc trực tuyến (13% DN tư nhân và 15% DN FDI)… 

Ông Jacques Morrisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam - cho rằng, đại dịch này là không công bằng vì vẫn có DN rất phát triển trong đại dịch. “Khảo sát cho thấy nhiều DN đã có sự điều chỉnh và theo hướng phát triển. Nếu như trước khủng hoảng COVID-19, Việt Nam chậm hơn các nước về số hóa thì đến nay chuyển đổi số của Việt Nam đã nhanh hơn rất nhiều. Rõ ràng Việt Nam có khả năng nắm bắt được cơ trong nguy…” - đại diện WB nhận định.

Quan trọng nhất vẫn là thực thi!

Liên quan đến các chính sách khỗ trợ, theo khảo sát của VCCI, đến 31//12/2020, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã ban hành 95 văn bản (46 văn bản cấp TW và 49 văn bản cấp địa phương). Một số gói hỗ trợ lớn như: Gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng; Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; Gói hỗ trợ thuế, phí 180 nghìn tỷ đồng; Gói hỗ trợ trả lượng cho lao động 16 nghìn tỷ đồng. “Đa số DN đanh giá các chính sách là hữu ích, tuy nhiên các chính sách còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả…”- Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định.

Từ thực tế DN, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên - cho rằng, chính sách ban hành rất nhiều nhưng thực thi còn hạn chế, DN tiếp cận được rất ít, đặc biệt là các gói tín dụng.

Khảo sát cho thấy trong các chính sách hỗ trợ thì chính sách gia hạn về thuế được DN đánh giá là dễ tiếp cận nhất, ngược lại chính sách khó tiếp cận nhất là chính sách tín dụng, nhất là gói vay 0%  lãi suất để trả lương cho người lao động. “Chính sách này sau đó đã được sửa, tỷ lệ tiếp cận đã nhanh hơn nhưng nếu được sửa sớm hơn, DN tiếp cận nhiều hơn…” - ông Tuấn dẫn chứng và đề nghị Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy thực thi, nhất là đối với DN nhỏ, siêu nhỏ. 

Trong rất nhiều giải pháp được đề xuất, Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc - đã nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là thực thi. “Thực thi bao giờ cũng là khâu yếu nhất. Vì vậy cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi. Để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các DN...!” - ông Lộc đề nghị.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:

"Các DN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật ..."

Từ thực tiễn thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua, cộng đồng DN cũng kiến nghị, bên cạnh các giải trước mắt đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn.Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

DN cũng cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa DN trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt.

Quan trọng hơn, phần lớn các DN đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Có thể thấy, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận về tài khoá tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn, vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây, rất cần phải được gia tốc.

Các DN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19. Và đó chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phục hồi và phát triển của DN.

Đọc thêm