Biến đổi khí hậu - trở lực kinh tế đất Chín Rồng

(PLO) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn được xem là khu vực có nhiều tiềm năng, cơ hội để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, từ đó phát triển bền vững. Nhưng những tác động tiêu cực gần đây của hạn, mặn và biến đổi khí hậu (BĐKH) đang cản trở sự phát triển của kinhh tế vùng. 
Nông dân bán nông sản cho các thương lái
Nông dân bán nông sản cho các thương lái

Hôm qua (13/7), tại Hậu Giang, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL-Hậu Giang 2016 (MDEC-Hậu Giang 2016), Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Các biện pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất dân sinh vùng ĐBSCL”.

Thiệt hại hơn 4.600 tỷ đồng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho hay, sáu tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) ước đạt 250 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,5%. Trong đó, khu vực I (sản xuất nông nghiệp) giảm 2% do ảnh hưởng của tác động BĐKH, hạn hán xâm nhập mặn, ước tính tổng thiệt hạn khoảng 4.678 tỷ đồng. Bởi nó trực tiếp tác động lên 6.561ha hoa màu và rau màu; 10.831ha cây ăn quả và cây công nghiệp; khoảng 226.605 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt...

Ông Nguyễn Quốc Việt kỳ vọng qua hội thảo này có thể đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp công trình và phi công trình trữ ngọt để phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL, bên cạnh nghiên cứu, chuyển đổi giống cây trồng trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Một nghịch lý khác, trong 6 tháng đầu năm, ĐBSCL thu hút 62 dự án từ các nhà đầu tư đến từ Đức, Thụy Sĩ, Nhật... đầu tư phát triển vùng trong nhiều lĩnh vực, nhưng không có dự án nào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Phương Lam (Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp TP Cần Thơ), cho biết.

Trước đó, tại nhiều hội nghị trong Diễn đàn MDEC-Hậu Giang 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị các tỉnh, thành trong vùng cần đề xuất nhiều cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các thành phố lớn và với các vùng trong cả nước, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển vùng, liên kết vùng thích ứng với BĐKH ở đây. 

“Do đặc thù địa lý, ĐBSCL là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động bất lợi của BĐKH, khô hạn, xâm nhập mặn và nước biển dâng đã gây nên những thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cũng như đời sống và sinh kế của người dân trong vùng.”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Người dân vẫn sản xuất nông sản nhỏ, lẻ
Người dân vẫn sản xuất nông sản nhỏ, lẻ

Liên kết để đối phó 

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước cho hay, có 2 thách thức lớn ĐBSCL đang đối diện là thách thức toàn cầu và thách thức khu vực. Trong đó, thách thức toàn cầu là BĐKH, nước biển dâng và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế; còn khu vực là áp lực tăng dân số, yêu cầu về nguồn nước, sự thâm hụt về trầm tích sông, kinh tế cuộc sống và sinh kế của người dân trong vùng. 

Trên thực tế, những thách thức này đang cùng nhau tác động liên hoàn  lên kinh tế vùng. Chính vì thế, yêu cầu cấp thiết đối với ĐBSCL là các tỉnh, thành không thể ứng phó riêng lẻ, cần có sự liên kết giữa các tỉnh, thành; đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp cần tham gia vào chuỗi giá trị chung trong bối cảnh BĐKH, hạn, mặn.

Cùng quan điểm trên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL diễn ra cùng ngày tại Hậu Giang, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế thời gian gần đây đã được nhìn nhận tích cực hơn. Sắp tới, trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng, vùng ĐBSCL cần đánh giá đúng xu thế, lợi thế phát triển trong logic tổng thể và tầm nhìn dài hạn, cần coi doanh nghiệp là lực lượng dẫn dắt sự phát triển theo chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất. Để từ đó, vùng ĐBSCL trở thành vùng có chiến lược khởi nghiệp bền vững. 

Xung quanh vấn đề này, ông Châu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, tỉnh này đang chủ động tìm tới doanh nghiệp, không chờ doanh nghiệp tìm tới mình. Theo đó, chính quyền tỉnh đã thành lập kênh thông tin kết nối doanh nghiệp, viếng thăm, mở hộp thư điện tử, mạng xã hội, tổ chức điểm hẹn doanh nhân, cà phê doanh nghiệp... Từ đó biến thách thức thành cơ hội để doanh nghiệp có điều kiện liên kết với nông dân tốt hơn. 

“Từ sức ép về thị trường, Đồng Tháp đã chuyển đổi và thực hiện thành công mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng. Cụ thể, đã có 10 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và có mặt trên thị trường quốc tế như xoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand), nhãn (Mỹ), chanh (Nhật Bản, Hàn Quốc), ớt (Thái Lan, Hàn Quốc Malaysia), cá tra (Mỹ, EU)...”- ông Châu Hồng Phúc chia sẻ. 

Tối 11/7, tại TP Vị Thanh (Hậu Giang) diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Hậu Giang năm 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016) với chủ đề: “ĐBSCL – Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”.

Tham dự lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Đại sứ quán các nước, cùng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh trong vùng, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các doanh nghiệp và các nhà tài trợ.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng đánh giá, MDEC-Hậu Giang 2016 là diễn đàn quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Diễn đàn thành công đã đề xuất được nhiều cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các thành phố lớn và với các vùng trong cả nước, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển vùng, liên kết vùng thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

“ĐBSCL là vùng đất màu mỡ, có sản lượng lương thực lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam, chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây của cả nước, đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng kỳ vọng, Diễn đàn lần này sẽ hoạt động sôi nổi, tổng hợp và ghi nhận nhiều kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ để các tỉnh, thành trong vùng hoàn thiện khung cơ chế, chính sách hành động ngay tức thời không chậm trễ và không “chần chừ” vì mục tiêu phát triển, an toàn, trù phú và bền vững cho ĐBSCL.

Sau Diễn đàn này, Phó Thủ tướng hy vọng doanh nghiệp, nhà tài trợ, các địa phương sẽ tìm ra những cơ hội tốt hợp tác các tỉnh, thành trong vùng sẽ có những biện pháp hỗ trợ thiết thực phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, làm tốt công tác cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.  

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng ban Chỉ đạo Diễn đàn cho biết, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đóng góp cho MDEC-Hậu Giang 2016. Từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ cho vùng  927 tỷ đồng, trong đó các tỉnh ĐBSCL vận động 638 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 257 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội vùng ĐBSCL.

MDEC-Hậu Giang 2016  diễn ra từ 11 đến 15/7, với 7 hoạt động chính và nhiều  hoạt động kết hợp, cụ thể như: Lễ khai mạc; Hội nghị ĐBSCL - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững; Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016.

Bên cạnh đó, hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; hội nghị các giải pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL; hội thảo hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị... 

Diễn đàn MDEC-Hậu Giang 2016 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn đang đặt ra của vùng như chủ động ứng phó BĐKH nước biển dâng, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, hỗ trợ khoa học công nghệ, ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời tập trung bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp, nông dân ở vùng ĐBSCL khi gia nhập quốc tế, Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thông qua Diễn đàn này, mong muốn sẽ đẩy mạnh hợp tác, đầu tư; kết nối cung - cầu, quảng bá thế mạnh của vùng, tiến tới thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, giải quyết việt làm cho một bộ phận lao động ở các địa phương, góp phần giúp cho ĐBSCL phát triển bền vững.

Đọc thêm