Biện pháp Phòng vệ phôi thép đang làm khổ người dân?

(PLO) - Sau 1 tuần áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép, Chủ tịch HĐQT Cty CP thép Việt Đức (KCN Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) Lê Minh Hải cho biết, "nước nổi thì DN nổi", cuối cùng người tiêu dùng (NTD) chịu thiệt…
Biện pháp phòng vệ không ảnh hưởng nhiều đến DN (Ảnh chụp trước cổng Cty CP Thép Việt Đức chiều 28/3)
Biện pháp phòng vệ không ảnh hưởng nhiều đến DN (Ảnh chụp trước cổng Cty CP Thép Việt Đức chiều 28/3)

Nước nổi, thuyền nồi, người dân… "chìm"?

Nằm trong Top 6 DN sản xuất thép lớn tại Việt Nam, với công suất trên 1 triệu tấn/năm (thép xây dựng khoảng 700.000 tấn/năm; ống thép, tôn 500.000 tấn/năm), ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thép Việt Đức (KCN Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, chưa bao giờ phôi trong nước đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN. Hiện phôi thép nhập khẩu chiếm 70% nhu cầu phôi của DN, chủ yếu nhập khẩu từ Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga…, trong đó 40% từ Trung Quốc.

“Phôi thép là nguyên liệu đầu vào quan trọng để cán thép. Ngành thép có chi phí đầu vào rất lớn, trong đó chi phí cho phôi đã chiếm đến gần 85% tổng chi phí. Do đó, khi giá phôi thép thay đổi do thuế tăng chắc chắn sẽ làm cho giá thị trường của sản phẩm thép, mặt hàng chiến lược quốc gia, tăng lên. NTD cuối cùng sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất do chênh lệch tăng giá…”, ông Hải phân tích.

Bà Nguyễn Thị Nhi, Phó Tổng giám đốc Cty ống thép Việt Đức, DN thành viên của Cty CP Thép Việt Đức, cho biết những năm 2014, 2015, giá thép Trung Quốc thấp kỷ lục, nhưng từ đầu năm 2016, thuế nhập khẩu tăng cao cùng với thuế phản vệ (23,3%) đã khiến cho giá thép tăng cao, giá xuất xưởng từ nhà máy chỉ 11-11,5 triệu/tấn nhưng đến tay NTD lên tới 14 triệu đồng/tấn, tạo sốt ảo.

Theo ông Hải, thực ra bản thân các DN như thép Đức không ảnh hưởng nhiều bởi “Nước nổi thì thuyền nổi”, giá tăng thì DN xuất ra với giá tăng, rốt cuộc NTD là người bị thiệt thòi nhất do giá thép tăng cao. “Chúng ta có thể kiện chống bán phá giá khi nguy cơ đe dọa đến Việt Nam. Nhưng phải chống sản phẩm đưa vào đây chứ không phải chống nguyên liệu. Câu chuyện phòng vệ thương mại tại sao lại làm khổ dân?”- Ông Hải đặt vấn đề.

Không chỉ người dân chịu thiệt mà theo theo tính toán của ông Hải, với khoảng 2 triệu tấn phôi nhập khẩu mỗi năm, việc áp thuế phản vệ, Nhà nước cũng mất 16.000 tỷ đồng thuế nhập khẩu do DN không nhập nữa.

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn nhiều dự án, công trình đình trệ do giá thép tăng cao và trong xu thế hội nhập, giá cả các hàng hóa ngày càng trở lên hợp lý hơn và NTD được hưởng lợi nhiều hơn từ hiệu quả sản xuất chung toàn cầu, thì phải chăng, việc áp dụng mức thuế tự vệ trong trường hợp này dường như đang đi ngược lại với xu hướng toàn cầu hóa và gây thiệt hại cho NTD?

Ai hưởng lợi?

Trước đó, sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định số 14296/QĐ-BCT ngày 25/12/2015 về điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, một số DN sản xuất thép xây dựng tại Việt Nam (gồm: Cty CP Thép Pomina, Cty TNHH Natsteelvina, Cty Liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Cty sản xuất thép Úc SSE, Cty TNHH sản xuất thép KYOEI Việt Nam) đã có đơn kiến nghị khẩn thiết gửi Thủ tướng Chính phủ.

Các DN này phân tích, khi tăng thuế suất với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam, phôi thép trong nước sẽ tăng giá và phần lớn các công ty sản xuất thép sẽ buộc phải phụ thuộc vào phôi thép của một hoặc một vài công ty cung cấp ra thị trường.

Dẫn trường hợp Cty CP thép Hòa Phát, DN hiện đang chiếm khoảng 21% thị phần của toàn ngành và là một trong 4 DN đứng đơn đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đốivới phôi thép và thép dài nhập khẩu (gồm Cty CP Thép Hòa Phát, Cty TNHH MTV Thép Miền Nam, Cty CP Gang Thép Thái Nguyên và Cty CP thép Việt Ý), các DN đứng đơn kiến nghị khẳng định Thép Hòa Phát không hề bị khó khăn, thua lỗ trong sản xuất kinh doanh thép mà ngược lại vẫn có lãi, thậm chí lãi rất cao và tăng trưởng đều hàng năm.

Theo báo cáo của Hiệp hội thép, sản lượng thép của Hòa Phát đã tăng từ hơn 600 nghìn tấn lên tới gần 1.400 nghìn tấn và dự kiến từ năm 2016, Hòa Phát sẽ tăng công suất thêm 700.000 tấn/năm, đưa tổng công suất lên 2 triệu tấn/năm. Cùng với đó, lợi nhuận của Hòa Phát cũng tăng từ hơn 1.200 tỷ đồng vào năm 2012 lên hơn 3.300 tỷ đồng vào năm 2015.

Trong Công văn 125/CV-HPG của Hòa Phát về việc giải trình kết quả kinh doanh hợp nhất Quý III/2015 gửi Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Hòa Phát cũng giải trình nguyên nhân tăng lợi nhuận sau thuế thêm 17% so với Quý III/2014 do tăng trưởng sản lượng thép (chiếm 88%).

Theo phân tích của các DN đứng đơn kiến nghị, Hòa Phát chủ động về nguồn cung nguyên liệu nên sẽ không bị ảnh hưởng, khó khăn do giá phôi tăng mà ngược lại, đây lại là cơ hội để họ tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Để cạnh tranh với Hòa Phát, các công ty thép khác buộc phải giảm giá thép thành phẩm trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng lên (dưới tác động của việc tăng thuế suất nhập khẩu), đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận lỗ để giữ thị phần. Đó chính là tình trạng một DN lớn độc tôn chi phối thị trường ngành thép…

“Nếu quyết định áp dụng “biện pháp tự vệ” thì vô hình chung, chính sách này lại làm lợi cho một vài DN lớn, "đại gia" thép. Hay nói cách khác là gia tăng lợi thế cho một vài DN, dẫn đến cạnh tranh không cân sức giữa công ty được hưởng lợi này với số đông các công ty thép khác…”- đơn kiến nghị kêu cứu

Mức thuế phòng vệ được áp dụng trong thời gian tối đa 200 ngày, sau đó Bộ Công thương sẽ xem xét có tiếp tục duy trì mức thuế phòng vệ hay không. Vẫn biết rằng chính sách được ban hành có DN hưởng lơi, có DN bị thiệt hai nhưng rõ ràng với chính sách phòng vệ dù chỉ là tạm thời thì NTD đang đang chịu thiệt thòi nhiều nhất…

Đọc thêm