Biết “vàng đen” sớm muộn sẽ cạn kiệt, Qatar đầu tư cho giáo dục

(PLO) -Qatar giàu lên là nhờ vào dầu mỏ, nhưng nước này cũng hiểu rõ rằng dầu mỏ rồi cũng sẽ có lúc cạn kiệt, do vậy tập trung vào thứ gì đó bền vững là điều tối quan trọng hơn cả. Giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu và là một phần của chiến lược Tầm nhìn 2030 của nước này. 
Trường Đại học Qatar ở thủ đô Doha
Trường Đại học Qatar ở thủ đô Doha

Theo chiến lược Tầm nhìn Quốc gia về Giáo dục của Qatar (QNV 2030): Cải cách và đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nhằm biến Qatar thành “một xã hội tiên tiến có khả năng duy trì sự phát triển của nó và cung cấp một mức sống cao cho tất cả mọi người”. 

Dùng dầu mỏ đầu tư cho giáo dục

Quốc vương Hamad nói rằng: “Qatar chúng tôi tập trung cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài. Mục tiêu của chúng tôi là luôn sống trong hòa bình và tránh xa xung đột. Chúng tôi tập trung vào phát triển bền vững, dựa trên tầm nhìn với những cột trụ chính là: Phát triển con người, phát triển kinh tế, phát triển môi trường”.

Ông cũng chia sẻ bài học xương máu mình có được sau nhiều năm tháng trị vì đất nước: “Trong quá khứ Qatar nổi tiếng với hoạt động đánh bắt trai lấy ngọc nhưng khi người Nhật phát minh ra ngọc trai nhân tạo, phải nói là việc ấy đã gây ra tình trạng nghèo đói ở Qatar. May mà lúc đó trong khu vực có một số công ty dầu khí ở Kuwait, Bahrain. Và người Qatar đã tới đó kiếm sống”.

Khi tìm ra dầu mỏ, Qatar không thể không nhớ tới bài học hồi còn đánh bắt ngọc trai - rằng cái nghèo vẫn có thể xảy đến. Thế nên chính phủ nước này quyết định tiết kiệm tiền và cố gắng đảm bảo cuộc sống cho thế hệ sau bằng cách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.

“Chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng mình có tiền cho tương lai và mức sống có thể được duy trì như cũ. Chúng tôi đẩy mạnh đầu tư và đầu tư cho giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu”, nhà lãnh đạo của quốc gia dầu mỏ này tuyên bố. 

Cải cách mạnh mẽ với thành tựu lớn lao 

Chương trình giáo dục đầu tiên của Qatar bắt đầu từ năm 1952, khi chính phủ xây dựng trường tiểu học đầu tiên dành cho nam sinh, với 240 học sinh và 6 giáo viên. Bộ Giáo dục, được thành lập vào năm 1957 giúp ngành giáo dục có nền tảng để vững mạnh phát triển. 

Năm 1973, Qatar thành lập cơ sở giáo dục đại học đầu tiên, trường Cao đẳng Giáo dục, năm 1977 trở thành Đại học Qatar (QU), tọa lạc ở thủ đô Qatar. Vào thời điểm đó, Đại học Qatar tổ chức 173 sinh viên: 93 phụ nữ và 57 nam giới. 

Giờ đây, trường đại học này đã phát triển nhanh chóng, trở thành trung tâm của chiến lược cải cách giáo dục của Qatar và đứng đầu danh sách với chỉ số triển vọng quốc tế 99,9 với số sinh viên trên 16.000, hơn 35% là du học sinh đến từ 52 quốc gia.  

Vào năm 1997, Qatar bắt đầu thiết lập một “Thành phố Giáo dục", với mục tiêu mang một nền giáo dục chất lượng cao cũng như các cơ hội thực tập hấp dẫn đến với Qatar. Tại tổ hợp giáo dục quy mô lớn này, Qatar kết hợp các trường học quốc tế ở cấp tiểu học và trung học, cùng với các chương trình kết nối cùng các trường Đại học danh tiếng của phương Tây. 

“Thành phố Giáo dục” Qatar nay là nơi tụ họp của nhiều trường đại học với thế mạnh ở nhiều chuyên ngành khác nhau, như đại học Virginia, đại học Y Weill Cornell, đại học Texas A&M, đại học Carnegie Mellon, đại học Georgetown (tất cả của Mỹ), đại học HEC Paris (Pháp), và đại học UCL (Anh). 

Được biết, Thành phố Giáo dục là sáng kiến của Quỹ Giáo dục, Khoa học và Phát triển cộng đồng Qatar. Nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Doha có diện tích 14 km2, được xây dựng với một loạt các tiện nghi và công nghệ công cộng hiện đại cũng như không gian học tập, các cơ sở giáo dục từ trường học, khu nghiên cứu đến chi nhánh của các trường đại học nước ngoài. 

Phần lớn các trường chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy, bao gồm cả những trường do địa phương hoặc Ả Rập quản lý. Mục đích của “thành phố giáo dục” không chỉ là hướng dẫn học sinh, sinh viên mà còn tạo ra diễn đàn trao đổi nghiên cứu giữa các trường, củng cố quan hệ giữa khu vực công lập và tư nhân.

Không những thế, Qatar là quốc gia đầu tiên tạo ra Giải thưởng toàn cầu Sáng kiến đổi mới giáo dục (WISE) trị giá 500.000 USD. Giải thưởng WISE công nhận một cá nhân hoặc một nhóm tối đa 6 người vì những đóng góp nổi bật mang tầm quốc tế cho giáo dục. 

Phát động từ năm 2009, WISE là một sáng kiến của Qatar Foundation về giáo dục, khoa học và phát triển cộng đồng mang tính cách tân toàn cầu, dưới sự bảo trợ của Công chúa Sheika Moza bint Nasser. Sáng kiến này được mạng lưới sáu đối tác ủng hộ bao gồm: Agece universitare de la Francophone (Học viện Cộng đồng tiếng Pháp), the Association of Commonwealth University (Hợp hội Học viện Thịnh vượng chung), the Institute of International Asociation of University Presidents (Hợp hội Quốc tế Chủ tịch Đại học), tập đoàn RAND và UNESCO - Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hoá Liên hợp quốc. 

Giải thưởng ra đời giữa lúc Liên Hợp quốc đang cảnh báo sự khủng hoảng gia tăng trong giáo dục: Thiếu trên 6,1 triệu giáo viên trên toàn cầu cần phải được giải quyết để đáp ứng mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2015.

Có thể nói, đây là một sự kiện rất hứng thú và khích lệ tạo thêm nhiều cơ hội kết nối, thêm nhiều thông tin, và chia sẻ nhiều câu chuyện thành công trong giáo dục với mọi người trên thế giới. 

Cho đến năm 2011, đã có 18 dự án được trao giải và 98 người vào vòng chung kết từ hơn 100 quốc gia gửi bài tham dự. Một trong số đó là ông Fazle Hasan Abed - Chủ tịch Uỷ ban Vì sự Phát triển Nông thôn của Bangladesh đồng thời là người sáng lập tổ chức Ủy ban Cải tiến Nông thôn Bangladesh - được tôn vinh nhờ cống hiến suốt đời để đưa nền giáo dục tiểu học tới những cộng đồng nghèo nhất trên thế giới, từ Afghanistan đến Nam Sudan.

Năm 2002, chính phủ Qatar bắt tay vào một quá trình cải cách lớn để giải quyết những điểm yếu và thiết kế lại hệ thống trường học từ lớp mẫu giáo đến lớp 12. Hội đồng Giáo dục Tối cao (SEC) được thành lập đồng thời với nhiệm vụ thiết lập và thực hiện chính sách giáo dục quốc gia phù hợp với các mục tiêu phát triển quốc gia rộng hơn. Ngoài ra còn đánh giá, tổ chức phát triển và tiến hành kiểm tra sinh viên, giám sát việc học sinh học tập và đánh giá hiệu quả học tập.

Được biết, trường công lập cung cấp giáo dục miễn phí nhưng chỉ áp dụng cho công dân Qatar. Năm 2013, có 96.720 sinh viên theo học tại 261 trường độc lập do chính phủ tài trợ. Do vậy, công dân nước ngoài có xu hướng gửi con đến trường tư thục và số trường tư thục ở Qatar đã tăng gần gấp đôi trong vài năm qua. 

Mới đây, chính phủnước này đã thông một số dự án mới bao gồm xây dựng 85 trường học mới vào cuối năm 2015. Ngoài ra, mức độ đầu tư cũng sẽ được tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, đặc biết nếu doanh thu từ dầu khí càng tăng thì việc phát triển sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa.

Người ta nói, đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lãi quả không sai. Theo báo cáo  Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2014-2015, Qatar đứng thứ 9 trong tổng số 144 nước đạt chất lượng về giáo dục tiểu học và đứng thứ 3 về đạt chất lượng về hệ thống giáo dục trung học. Đáng chú ý nhất, chất lượng toán học và khoa học giáo dục trong các trừng đại học và chất lượng quản lý trường học đạt vị trí thứ 6 và 10 trong tồng số 144 nước được xếp hạng. 

(còn nữa)

Đọc thêm