Bình Dương: Người dân “mắc kẹt” giữa các mỏ đá

(PLO) - Trong nhiều năm qua, khu vực các tỉnh Đông Nam bộ luôn có mức tăng trưởng kinh tế cao so với mức bình quân chung của cả nước. Nhưng khi kinh tế phát triển cũng kéo theo các vấn đề về xã hội, ảnh hưởng môi trường, trong đó có việc quản lý, khai thác đá xây dựng ở các mỏ đá, đã và đang tạo nên nhiều hệ lụy về môi trường cần giải quyết. 
Mỏ đá Tân Đông Hiệp cấp tập khai thác trước thời điểm then chốt gia hạn giấy phép
Mỏ đá Tân Đông Hiệp cấp tập khai thác trước thời điểm then chốt gia hạn giấy phép

Có đến tận nơi những mỏ đá đang khai thác này, mới thấy rằng người dân sống ở quanh các mỏ đá hàng ngày phải chịu khổ ra sao khi hít thở khói bụi ô nhiễm và tình trạng tai nạn giao thông rình rập… 

Ồ ạt tận thu trước ngày đóng mỏ

Ở khu vực Đông Nam bộ, tỉnh Bình Dương được xem là một trong những địa phương có số lượng mỏ khoáng sản nhiều nhất. Trong đó, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có từ năm 1993, trước khi luật Khoảng sản ra đời và tồn tại cho đến hôm nay. Hiện có 4 Cty đang khai thác mỏ đá này gồm: Cty CP khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB), Cty CP Trung Thành, Cty CP xây dựng Bình Dương (MC) và Cty CP đầu tư xây dựng 3/2 tất cả đều có trụ sở Bình Dương. 

Từ nhiều năm nay hoạt động khai thác đá tại đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và để lại hậu quả về môi trường vô cùng nặng nề.

Theo quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương, các mỏ đá khu vực thị xã Dĩ An được khai thác đến coste -100 m và được khai thác đến hết năm 2015. Sau đó các mỏ phải thực hiện việc cải tạo và đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc khai thác đá ở mỏ Tân Đông Hiệp vẫn nhiều lần được gia hạn. 

Được biết, theo quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, cụm mỏ đá Dĩ An sẽ kết thúc khai thác vào ngày 31/12/2017, sau đó cải tạo, đóng cửa mỏ. 

Thế nhưng các doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch tiếp tục xin phép gia hạn vì “trữ lượng đá còn nhiều”. Và, vừa qua Ban quản lý mỏ tiếp tục đề nghị nâng mức hỗ trợ cho người dân để xin phép gia hạn khai thác đến hết năm 2019. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cũng không chấp nhận vì không thể tiếp tục sống chung với ô nhiễm.

Để giải quyết vấn đề này với người dân, Ban Quản lý mỏ Tân Đông Hiệp là Cty CP khoáng sản và xây dựng Bình Dương đã đứng ra thương lượng chấp nhận hỗ trợ tiền ô nhiễm môi trường hàng tháng cho người dân, tùy theo mức độ gần hay xa.

Theo ghi nhận mới nhất của chúng tôi, hoạt động khai thác đá ở đây vẫn diễn ra cấp tập, mỏ đá đang cố gắng khai thác tận thu trước hạn đóng cửa mỏ theo quy định. Và, cũng vì vậy, thực trạng ô nhiễm bụi đá cũng gia tăng hơn bao giờ hết, gây bức xúc lớn cho hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực này.

Được biết, trong cơ cấu doanh thu năm 2017 của Cty khoáng sản Bình Dương thì mỏ đá Tân Đông Hiệp đã có đóng góp hơn 500 tỷ đồng. Và, trong khi quy định của chính quyền là chỉ còn thời gian ngắn nữa để đóng cửa mỏ thì đơn vị khai thác lại đặt tham vọng khai thác triệt để thêm tới năm 2019 với trữ lượng dự kiến hơn 4,5 triệu khối. 

Cũng theo Ban quản lý Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, do khu vực mỏ đá nằm trong khu vực nhạy cảm, gần khu dân cư (xã Hóa An, tỉnh Đồng Nai và phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An – Bình Dương) nên trong quá trình khai thác, công tác giám sát bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu, coi đó như là một nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Ban quản lý cũng công bố trên 90% người dân trong khu vực đồng ý và đồng ý có điều kiện, để họ gia hạn khai thác đến năm 2019. 

Thế nhưng, đó hoàn toàn là những thông tin xa lạ so với với những điều mà chúng tôi ghi nhận thực tế tại đâu, khi gần như không một người dân nào đồng tình tiếp tục sống chung với ô nhiễm như thế.

Hậu khai thác là… khai thác tiếp!

Có thể khẳng định, quá trình khai thác đá thường để lại nhiều hậu quả nặng nề, không dễ dàng khắc phục với môi trường tự nhiên và cuộc sống an cư của người dân. Những hệ quả đó đang đặt ra vấn đề bảo vệ và hoàn nguyên môi trường, quy hoạch khai thác tài nguyên nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Bình quân mỗi năm ngân sách các địa phương thu được từ các mỏ khai thác khoáng sản như thế này chỉ vài chục tỷ đồng. Con số này cho thấy lợi ích Nhà nước thu về từ việc khai thác khoáng sản rất ít trong khi ngân sách phải bỏ ra để sửa chữa đường và khắc phục hậu quả có khi còn nhiều hơn gấp nhiều lần. 

Điều đáng nói hơn là môi trường gần khu vực khai thác thường bị ô nhiễm rất nặng nề, cây trồng của các hộ nông dân bị bụi đá không ra hoa kết trái, người dân hít phải bụi đá ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cùng hàng loạt hệ lụy khác xảy ra trong và sau quá trình khai thác khoáng sản.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương thì: “Kết quả lấy ý kiến người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của mỏ đá để gia hạn thời gian khai thác mỏthì có nhiều hộ dân mong muốn các mỏ đá ngưng hoạt động càng sớm càng tốt.” Thông tin này cũng cảnh báo, do “mỏ nằm trong khu vực có tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, hiện tại dân cư sinh sống gần mỏ đá đã tương đối đông đúc nên việc tiếp tục khai thác xuống sâu, kéo dài thời gian hoạt động mỏ chắc chắn sẽ tiếp tục gặp sự phản đối gay gắt của người dân”.

Điều này là hoàn toàn trái ngược với thông tin mới đây được lãnh đạo của Cty khoáng sản Bình Dương (KSB) công bố khi cho rằng hiện KSB sau khi thực hiện thủ tục theo trình tự các bước và nhận được sự ủng hộ của các sở ngành, tiến hành khảo sát ý kiến người dân trong bán kính 500 m quanh mỏ đá, KSB đã được UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục cho khảo sát tiếp tục khai thác hạ coste từ - 130 m như hiện nay xuống đến – 150 m, với khối lượng khai thác tiếp dự kiến là hàng triệu m3 và độ sâu thêm hàng chục mét. 

Khi đề cập đến vấn đề hoàn nguyên diện tích mỏ đã khai thác, hay các phương án quản lý sử dụng hồ đá sau khi ngừng khai thác, hầu hết các doanh nghiệp đều nói rất hay về kế hoạch sử dụng các hồ này vào mục đích khác.

Điều đó cũng đồng nghĩa, mỏ đá này sẽ tiếp tục hoạt động mà chưa biết đến khi nào mới có điểm dừng. Và, người dân nơi đây sẽ tiếp tục phải chịu cảnh “mắc kẹt” giữa điểm nóng ô nhiễm bụi đá, “mắc kẹt” giữa những làn xe tải trọng lớn ầm ầm vào ăn đá mỗi ngày.

Đọc thêm