Bịt đường “xuất ngoại” của con tôm

(PLO) - Ngoài giá thành cao dẫn đến sức cạnh tranh yếu, việc lạm dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản cũng là nguyên nhân dẫn tới kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, thậm chí nguy cơ mất thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng này đang ngày một rõ.
Lạm dụng chất cấm, người nuôi thủy sản đang tự hại mình
Lạm dụng chất cấm, người nuôi thủy sản đang tự hại mình
Hàng trăm lô hàng bị trả về nước
Báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy 9 tháng của năm 2015, Việt Nam có tới 542 lô hàng thủy sản của 110 Cty xuất khẩu (XK) bị 38 nước trả về. Theo Cục này, trung bình mỗi doanh nghiệp Việt có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị từ chối nhập khẩu. Cá biệt, có một doanh nghiệp bị trả về đến tận 70 lô hàng.
Nếu nhìn từ kết quả kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản XK, tình trạng còn đáng lo ngại hơn. Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng của năm 2015 đã có 165 lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định ATTP, trong đó có 78 lô phát hiện vi phạm quy định hóa chất, kháng sinh (HC, KS). Tôm là mặt hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 82 lô (cả năm 2014 có 86 lô bị cảnh báo), cá biển có 57 lô (năm 2014 có 36 lô), cá nước ngọt 42 lô (năm 2014 có 33 lô), nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có 10 lô (năm 2014 có 32 lô).
Mỹ là thị trường mà thủy sản Việt Nam có nhiều lô hàng bị cảnh báo nhất - 95 lô (cả năm ngoái là 66 lô). Đáng chú ý là số lượng lô hàng bị cảnh báo vi phạm chỉ tiêu HC, KS ở Mỹ là 35 lô, tăng gần 6 lần so với cả năm 2014. Còn tại thị trường EU, số lô hàng bị cảnh báo HC, KS là 27 lô (gấp 1,28 lần so với cả năm 2014), trong đó số lô hàng bị cảnh báo HC, KS cấm tăng lên đáng kể (Chloramphenicol tăng gấp 3,66 lần; Enrofloxacin tăng gấp 2,5 lần).
Ở thị trường Nhật Bản, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo từ đầu năm đến hết tháng 9 là 27 lô (cả năm ngoái là 21 lô), cao hơn so với Thái Lan (12 lô) và Trung Quốc (12 lô). Từ những số liệu trên, Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT)  khẳng định mức độ ATTP của thủy sản Việt Nam chưa được cải thiện, thậm chí tỷ lệ vi phạm dư lượng HC, KS của thủy sản Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, có thể dẫn tới việc bị áp dụng các biện pháp kiểm soát bất lợi đối với thủy sản Việt Nam. 
Tự hại mình
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, một trong những nguyên nhân chính của việc thủy sản Việt Nam còn bị cảnh báo nhiều về dư lượng HC, KS chủ yếu xuất phát từ khâu nuôi. Ngoài một số cơ sở nuôi vẫn còn sử dụng kháng sinh cấm, nhiều đại lý thu gom nguyên liệu từ nhiều cơ sở nuôi khác nhau và gộp chung thành một lô nguyên liệu để cung cấp cho cơ sở chế biến nhưng không có đầy đủ thông tin. 
Xung quanh vấn đề này, mới đây tại hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cảnh báo, việc lạm dụng HC, KS trong thủy sản nếu không khắc phục tốt sẽ có nguy cơ mất thị trường và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu thủy sản Việt Nam. 
Theo ông Tám, cạnh tranh trên thị trường thủy sản thế giới không chỉ ngày càng khó khăn mà còn phải “cõng” thêm gánh nặng chịu cảnh HC, KS thì “cửa” XK ngày càng hẹp. Giải pháp cấp bách từ nay đến cuối năm là xây dựng và triển khai một chương trình đặc thù, kiểm soát sự lạm dụng HC, KS trong thủy sản,  tập trung vào sản phẩm tôm nước lợ, cá tra.
“Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, Cục Thú y nghiên cứu, đưa ra những chế tài xử lý, như xem xét công khai các doanh nghiệp, kể cả các đơn vị kinh doanh vật tư cố tình vi phạm; xử lý nghiêm các đường dây buôn lậu HC, KS cấm. Đề nghị các địa phương khuyến khích người dân tham gia tố giác, cung cấp thông tin liên quan đến việc buôn lậu HC, KS cấm” - Thứ trưởng Tám yêu cầu.

Đọc thêm